Y tế - Văn hóaThư giãn

Bóng hồng bên danh nhân: Hoa hậu Lambretta của Bùi Giáng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cả đời thơ Bùi Giáng, ông có khá nhiều người yêu ảo và thật chiếm ngự trong tâm thức. “Ảo” là những Nam Phương hoàng hậu, Thích nữ Trí Hải, ca sĩ Hà Thanh, Marilyn Monroe, Brigitte Bardot… còn “thật” là kỳ nữ Kim Cương và một người ít ai biết: “Hoa hậu Lambretta”.

Từ điệp viên trở thành hoa hậu đầu tiên của Việt Nam
 
Thu Trang Công Thị Nghĩa – Ảnh: tư liệu
Còn hai con mắt khóc người một con…” là câu cuối cùng trong bài thơ Mắt buồn của thi sĩ Bùi Giáng. Nhiều người đã lý giải “khóc người một con” không dính dáng gì đến cái… nhãn cầu, mà là xót thương người phụ nữ đã có một đứa con. Và nhân vật trong câu thơ này chính là “Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam” – bà Thu Trang Công Thị Nghĩa.
Bà Công Thị Nghĩa sinh năm 1932, tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội). 10 tuổi theo gia đình vào Nam. Năm 1950, tham gia biểu tình nhân đám tang Trần Văn Ơn rồi trở thành đội viên của tổ điệp báo nội thành Sài Gòn – Gia Định. Năm 1952, Công Thị Nghĩa bị Pháp bắt giam rồi đưa ra tòa. Chính luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã biện hộ cho bà và 2 bạn tù khác là Nguyễn Thị Châu Sa (tức nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) và Đỗ Duy Liên (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) được trắng án. Ra tù (1953), Công Thị Nghĩa theo nghề báo dưới bút danh Thu Trang (từ đây người ta quen gọi là Thu Trang). Năm 1955, chính quyền Sài Gòn tổ chức cuộc thi người đẹp nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng (đây được coi là cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Việt Nam). Rất nhiều nhà báo đã chú ý đến sự kiện này, ký giả Thu Trang cũng đã đến “moi tin” từ ban tổ chức, nhưng nhan sắc của cô đã làm những người ở đó “xiêu hồn lạc phách”. Họ thuyết phục gia đình cho cô dự thi. Vậy là chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, một chiếc áo dài viền đăng ten màu vàng rất đẹp đã được may gấp để làm trang phục dự thi. Và tối 20.2.1955 tại rạp Lido (Chợ Lớn) thí sinh Thu Trang Công Thị Nghĩa, cao 1m61 với các số đo 86 – 62 – 88 đã đăng quang ngôi hoa hậu. Phần thưởng gồm vương miện và một chiếc kiềng vàng, nước hoa và mỹ phẩm. Điểm nhấn của phần thưởng là chiếc xe máy hiệu Lambretta láng coóng. Dân miền Nam có máu hài hước nên gọi luôn Thu Trang là “Hoa hậu Lambretta”.
Giọt nước mắt sau ánh hào quang
Trở thành hoa hậu cũng là tâm điểm để các hãng phim săn đón, mời chào đóng phim. Trường hợp Thu Trang cũng không ngoại lệ. Chỉ trong năm 1956 cô đã đóng 2 phim Chúng tôi muốn sống (vai phụ, đạo diễn Vĩnh Noãn) và Lục Vân Tiên (vai chính, đạo diễn Tống Ngọc Hạp). Năm 1957, đạo diễn Tống Ngọc Hạp và Thu Trang đưa phim Lục Vân Tiên qua Nhật làm hậu kỳ và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á. Chuyến đi chỉ có hai người nơi xứ lạ nên “việc gì đến, sẽ đến”. Thu Trang viết trong hồi ký: “Năm 1957, một năm vinh quang và đau đớn”. Một người đàn ông trẻ và một hoa hậu trẻ gần nhau trong một thời gian dài thì sẽ thế nào?(…) Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị dụ vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt? Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? (…). Ngang trái thay, tôi đã không biết abc gì trên phương diện tình dục. Tôi có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo (…). Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội Việt Nam thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy” (trích Một thời để nhớ – NXB Văn học, 2010).
Vì đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có gia đình nên sự kiện một hoa hậu “dính” bầu ở Sài Gòn vào thời điểm gần 60 năm về trước đã tạo nên một scandal kinh khủng và gây áp lực rất lớn lên người phụ nữ đáng thương và cả gia đình của nàng. Tuy vậy, nàng kiên quyết giữ lại đứa con trai, đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm một mối tình ngang trái, phũ phàng…
Xin đôi dép người đẹp
Chính trong giai đoạn “gái một con trông mòn con mắt” này mà hình ảnh của  Thu Trang đã “lạc” vào hồn thơ Bùi Giáng. Năm 1961, biết Thu Trang chuẩn bị rời Sài Gòn sang Pháp, nhà thơ đã đến thăm bà trong một ngày mưa. Tuy nhiên: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó. Anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép, rồi đứng lên nói: Tôi về!” – bà Thu Trang viết trong hồi ký như thế. Sau này, họa sĩ Bửu Ý còn công bố một bài thơ mang tên Thu Trang của Bùi Giáng chưa từng xuất hiện ở đâu. Ông đã chép lại cho bà Thu Trang: “Trang của tờ giấy cũ/Của vầng tóc ban đầu/Trang của hồi vàng tụ/Về mệt mỏi mai sau/Anh nhớ em vô cùng/Đất sầu không xiết kể/Anh kêu gọi mông lung/Trang ồ Trang rất tệ”.

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)