Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bóng hồng” điều tiết giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Thu Trang đang làm nhiệm vụ

Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong đứng ra điều tiết giao thông khi ùn tắc, kẹt xe từ lâu đã trở thành một hình ảnh đẹp trong mắt của người dân TP.HCM.
Tại các ngã tư lớn như: Ngã tư Thủ Đức, ngã tư Phú Nhuận, ngã tư Hàng Xanh… hàng ngày rất dễ bắt gặp những nữ thanh niên xung phongvới dáng người nhỏ nhắn, một tay cầm chiếc gậy, một tay thổi còi điều khiển các phương tiện để giải quyết ùn tắc, kẹt xe. Với các chàng trai làm công việc này đã là vất vả, các cô gái đảm nhận trách nhiệm này lại càng vất vả hơn. Từng cơn gió mang theo nước mưa quất vào mặt, hay đơn giản là cái nóng gay gắt làm cho khuôn mặt đen xám lại nhưng họ vẫn mặc kệ, mọi sự chú ý dồn hết cho công việc. “Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi sự kiên trì và sức chịu đựng cao” – chị Kim Anh (chốt ở ngã tư Phú Nhuận) chia sẻ như thế!
Trong cái nóng oi bức của Sài Gòn, chị Võ Thị Thu Trang (chốt ở ngã tư Đinh Bộ Lĩnh và Bạch Đằng) vẫn hăng say với công việc của mình, luôn tay thực hiện điều lệnh, thổi còi hướng dẫn người đi đường. Vừa bước thụt lùi, chị vừa đưa chiếc gậy  hướng lên trên, rồi vẫy tay về phía sau yêu cầu người đi đường di chuyển lên sát vạch trắng đúng quy định. Người tham gia lưu thông nhanh chóng chấp hành đúng hiệu lệnh của chị.
Chị Thu Trang cho biết: “Hàng ngày tôi bắt đầu từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối, công việc khá nặng, do đứng nhiều nên chân tay rất mỏi, những hôm thời tiết thay đổi, chỉ cần mắc mưa nhẹ là tôi cũng bị cảm. Tôi tham gia công việc này được 2 năm,  lúc đầu chưa thích nghi tôi cảm thấy khó chịu, mệt mỏi nhưng dần dần tôi lại cảm thấy yêu thích và quý trọng công việc mình đang làm”.
Mức hỗ trợ khoảng 120 ngàn/ngày với công việc như vậy cũng phần nào giúp cho họ ổn định cuộc sống hơn. “Nhà có 5 người, gia đình cũng không khá giả gì, ba mẹ bệnh nặng còn hai em nhỏ đang tuổi ăn học. Lúc đầu tôi tham gia công việc này chỉ mong có thêm chút tiền giúp gia đình và trang trải cuộc sống, nhưng bây giờ nó đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tôi khi nhận được những sự cảm thông cũng như những câu cảm ơn mà người đi đường dành cho mình” – chị Kim Anh bảo thế!
Tuy nhiên, các nữ thanh niên xung phong đứng ra điều tiết giao thông cũng không tránh khỏinhững ứng xử  khó chịu, bực bội của người tham gia giao thông. Nhưng họ vẫn nhẹ nhàng, im lặng, kiên nhẫn làm “cảnh sát giao thông bất đắc dĩ”. Nhờ vậy mà các đoạn đường đông nghẹt xe đã dần đi vào trật tự.
Chị Nguyễn Thị Ánh (chốt ở ngã tư Thủ Đức) bộc bạch: “Với công việc này, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm của những người vội vàng, thiếu quan sát hoặc liều lĩnh tranh thủ vượt đèn đỏ. Nếu có sự ngăn cản kịp thời của chúng tôi thì sẽ hạn chế rất nhiều những tai nạn như thế. Đó cũng chính là động lực tinh thần để chị em chúng tôi động viên nhau “chiến đấu” với cái nắng, cái mưa, sự sa sút ngoại hình và nhiều bất cập khác… Nghĩ lại, sự chịu đựng của chúng tôi rất có ý nghĩa”.
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc

Bình luận (0)