Nhắc đến bác sĩ Phạm Hồng, nhiều người ở TP.Đà Nẵng nhớ ngay đến hình ảnh một “bông hồng thép” hàng chục năm vượt sóng gió cứu người trên biển Đông, tất bật ngược xuôi trên những chuyến xe 115 khắp mọi nẻo đường để cứu người. Nhưng ít ai biết, trở về sau những tháng năm cống hiến đó, hơn 1 năm qua, bác sĩ Hồng lại tiếp tục khoác chiếc áo blouse trắng và “cháy” hết mình trên bục giảng để đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ sinh viên tiếp nối sau mình.
Ngoài giờ dạy, bác sĩ Phạm Hồng tình nguyện trực cấp cứu tại Bệnh viện 199 tại Đà Nẵng
Truyền lửa cho học trò
“Áp lực khi cấp cứu bệnh nhân làm cho mình phải luôn bình tĩnh, quyết đoán và bản lĩnh thì áp lực khi đứng trên bục giảng đòi hỏi mình phải kiên nhẫn, chịu khó tận tâm để truyền đạt sao cho các em không những hiểu bài mà còn thích thú và thấy yêu nghề đã chọn hơn”, bác sĩ Phạm Hồng – nguyên Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm cấp cứu 115 TP.Đà Nẵng bộc bạch.
Một tiết học thực hành của Ngô Thủy Tiên – SV năm 4, ngành Y đa khoa, Khoa Y dược – ĐH Đà Nẵng tại Bệnh viện 199 (thuộc Bộ Công An) tại quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng cùng các bạn trong tiết học Hồi sức cấp cứu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Hồng thật đặc biệt. “Việc đi thực tế ở bệnh viện đối với sinh viên ngành y là điều rất bình thường. Nhưng tiết học cùng bác sĩ Hồng đem lại cho em nhiều kinh nghiệm bổ ích. Ở đó, lần đầu tiên em được trực tiếp cùng bác sĩ Hồng tiếp nhận 2 bệnh nhân sốc phản vệ, trực tiếp thăm khám các triệu chứng đầu tiên và thực hiện cấp cứu, điều trị cho đến khi sức khỏe bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Trong những tiết học của bác sĩ Hồng, em cũng được trực tiếp được hướng dẫn đặt nội khí quản cho bệnh nhân… Những bài học thực tiễn đó giúp em tự tin hơn rất nhiều so với việc đọc trong sách giáo khoa và tài liệu”.
Còn với Nguyễn Thanh An – SV năm 4, ngành Y đa khoa, Khoa Y dược – ĐH Duy Tân thì những tiết học chuyên khoa Hồi sức cấp cứu với bác sĩ Hồng là những tiết học thú vị. “Bác sĩ Hồng rất tận tình. Ngoài bài giảng, cả lớp còn được bác sĩ Hồng chia sẻ kinh nghiệm từ những bài học thực tế đã trải qua. Qua các tiết học ở bệnh viện, bọn em còn được tạo điều kiện tối đa để tiếp cận, thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân. Em nhớ nhất là lời dặn của bác sĩ Hồng rằng ngành y rất vất vả nhưng mỗi người theo nghề cần phải nỗ lực cố gắng gấp nhiều lần và phải luôn luôn sẵn sàng học hỏi để trau dồi kiến thức, tay nghề cho mình. Trong các tiết học, em thích nhất là bác sĩ Hồng luôn sẵn sàng hỏi đáp cùng học trò để cho tụi em hiểu rõ từng vấn đề, tình huống, triệu chứng bệnh nhằm đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất có thể”, Thanh An bộc bạch.
Bác sĩ Phạm Hồng (x) cùng các sinh viên trong một tiết học thực tế tại bệnh viện
Hơn 1 năm qua, sau nghỉ hưu, bác sĩ Hồng tham gia giảng dạy. Ở tuổi nghỉ hưu, nhiệt huyết của chị vẫn bỏng cháy. “Với tôi thì việc công tác tại Trung tâm 115 hay đứng trên bục giảng nó khác nhau rất nhiều, chỉ có chung một niềm đam mê giống nhau”, bác sĩ Hồng chia sẻ. Với kinh nghiệm 30 năm với cấp cứu, bác sĩ Hồng có lợi thế giàu kinh nghiệm để đưa vào bài giảng giúp sinh viên tích lũy kiến thức. Mỗi bài giảng đều được chị minh họa những ca mình trực tiếp cấp cứu với muôn vàn tình huống khác nhau để sinh viên có thêm kinh nghiệm. Điều đó luôn tạo nên không khí hào hứng và ham học hỏi cho các tiết học.
Bác sĩ Hồng nói, trở lại bục giảng trong vài trò giảng viên đã cho chị nhiều trải nghiệm thú vị. Cảm giác yêu nghề hơn và thấy mình sống có ích khi chính mình lấy từ kinh nghiệm và kiến thức bản thân để trao lại cho thế hệ trẻ. Mặt khác, được tham gia các tiết học cùng sinh viên cho chị cảm giác như được trở lại thời thanh xuân của mình trên ghế giảng đường cùng thầy cô, bạn bè. “Tôi muốn tạo điều kiện tối đa để các em sinh viên được học, được trải nghiệm. Chính các em là thế hệ thầy thuốc kế nối mình để mang lại bình an và sức khỏe cho mọi người”, bác sĩ Hồng chia sẻ.
Tuổi hưu vẫn nhiệt huyết với nghề
Bác sĩ Phạm Hồng bảo: “Cứ nghĩ việc mình làm đang đem đến sức khỏe, nụ cười và sự đoàn viên cho người bệnh là mình cảm thấy vui. Việc đứng trên bục giảng cũng thế, các em sinh viên cho tôi tìm thấy tôi hơn 30 năm về trước, hồn nhiên, đáng yêu và đầy niềm tin, nhiệt huyết. Con tim cứ thế mà thôi thúc mình tiếp tục khoác chiếc áo blouse trắng”. |
Không chỉ tham gia giảng dạy, hơn 1 năm qua, bác sĩ Hồng luôn có mặt ở những “điểm nóng” để chung tay cùng đồng nghiệp đẩy lùi Covid-19. “Nhìn đồng nghiệp lên tuyến đầu vất vả, chị nóng ruột lắm rồi, phải đi thôi”. Thế là cùng với lá đơn viết sẵn, khoác chiếc ba lô tư trang, bác sĩ Hồng đi chống dịch vào thời điểm Đà Nẵng bùng phát dịch mạnh vào tầm tháng 9 năm trước. Còn nhớ Cung thể thao Tiên Sơn những đó được trưng dụng làm điểm tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Mỗi ngày có tầm 3 đến 5 ngàn lượt người dân đến tiêm vắc-xin. Bác sĩ Hồng làm việc ở bộ phận trực cấp cứu phản ứng sau tiêm. Ngày nào cũng bắt đầu từ tầm hơn 6 giờ sáng cho đến chiều muộn. Bộ đồ bảo hộ như cái “lò xông hơi” khiến chị và đồng nghiệp mồ hôi ướt sũng. “Thông thường tổ cấp cứu theo dõi phản ứng sau tiêm cho bà con, nhắc nhở và tư vấn các biểu hiện để phát hiện kịp thời nhất những bất ổn về sức khỏe. Vất vả nhất là khi có ca phản ứng phản vệ. Có hôm liên tiếp 4 ca sốc phản vệ cấp độ 2, 3. Mỗi ca chúng tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để cấp cứu”, bác sĩ Hồng kể.
Kế hoạch tiêm chủng cho hơn 192 ngàn người dân được Đà Nẵng triển khai thực hiện, những y bác sĩ làm nhiệm vụ dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Bác sĩ Hồng bảo, vất vả nhưng không bằng các đồng nghiệp ở tuyến đầu.
Song song với công tác tình nguyện tiêm chủng, bác sĩ Hồng còn thành lập đội cấp cứu 0 đồng, mở lớp cấp cứu ngoại viện miễn phí cho các đồng nghiệp trẻ. Giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều bệnh nhân ngại đến bệnh viện. Nhờ đội cấp cứu 0 đồng mà nhiều bà con được cấp cứu, khám chữa bệnh và tư vấn chuyển viện để đảm bảo sức khỏe. Nghề y với bác sĩ Hồng là tình yêu. Chẳng thế mà không có “điểm nóng” nào chị không góp mặt.
Phan Lệ
Bình luận (0)