Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bông hồng vàng

Tạp Chí Giáo Dục

Có một câu chuyện kể rằng: Một cô bé rất hiếu thảo với người mẹ đã đơn thân sinh thành nuôi dưỡng em lớn lên trong hoàn cảnh đói rách, thị phi của người đời. Một ngày kia mẹ em bị trọng bệnh. Cô bé chỉ biết ôm mẹ trong cơn đau vật vã mà khóc than thảm thiết. Thương tình, một tiên ông đã cho em hay: Con hãy đến một thung lũng nọ tìm hái một bông hồng vàng về sắc, mẹ uống sẽ khỏi.

Trải qua bao hiểm nguy, xuyên rừng vượt núi em đã tìm đến được khu vườn hoa hồng đẹp mê hồn ở thung lũng nọ. Em chào bà chủ vườn và thổn thức nói với bà về nguyện ý của mình trong dòng nước mắt nhòa ướt. Được bà cho phép, em chạy ào vào khu vườn tìm bằng được đóa hồng vàng. Sau đó em mừng quýnh ôm đóa hồng vào ngực và chạy một mạch ra khỏi khu vườn với hy vọng nhanh chóng cứu được mẹ thoát tay tử thần. Kỳ lạ thay, đóa hồng trên tay em bỗng không cánh mà bay. Em đành quay lại xin bà chủ vườn vào hái bông hồng vàng thứ hai. Cũng như lần trước, em cứ ra khỏi khu vườn bông hồng lại biến mất. Sau cả chục lần như vậy em đành ngồi khóc. Ông tiên hôm trước lại hiện ra ghé vào tai em nói nhỏ một câu: “Con hãy nhớ lại xem, lúc ra khỏi vườn con có quên điều gì không?”. Em như bừng tỉnh và hiểu ra tất cả, vội vã quay lại khu vườn. Bà chủ vườn vẫn vui vẻ cho em vào vườn. Chỉ lát sau bông hồng vàng rực rỡ đã lại nằm trọn trong vòng tay em. Nhớ lời tiên ông dặn, rút kinh nghiệm những lần trước, lần này trước khi ra khỏi khu vườn em không quên khoanh tay tạm biệt bà chủ vườn: “Con cảm ơn bà! Cảm ơn bà nhiều lắm ạ!”. Giờ thì em đã thỏa nguyện. Bông hồng vàng không còn biến khỏi tay em nữa…

Khi dạy bài học về “lễ độ” bao giờ tôi cũng kể cho học sinh mình nghe câu chuyện trên. Và tôi nhận ra  hiệu ứng của nó thật tuyệt vời. Sau khi cho các em trao đổi sôi nổi về nội dung và ý nghĩa câu chuyện tôi không quên nhấn mạnh bằng lời kết đầy tâm huyết: “Đấy, các em thấy không: Chỉ một lời cảm ơn thôi mà có giá ngàn vàng vậy đó! Không có nó ta sẽ chẳng có gì. Có nó ta có tất cả. Câu chuyện đó đã dạy ta bài học sống động: Phải biết hình thành cho mình thói quen tử tế, lễ độ bắt đầu từ việc học những lời nói, cử chỉ rất đơn giản thường ngày mà có ý nghĩa sâu xa vô giá. Tiên học lễ, hậu học văn là thế”.

NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ

Bình luận (0)