Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bóng hồng xưa nay đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

Rồi cũng chỉ còn đâu đó, trong hư vô… Nhưng bóng hình của tâm tưởng – nhất là khi đã thăng hoa bằng thơ, bằng nhạc – thì luôn còn mãi, trong cõi nhân gian. Đó cũng là lý do mà nhà báo Hà Đình Nguyên gửi hết lòng mình trong những bước chân đi tìm những bóng hồng trong thơ nhạc, để rồi góp nhặt những bài đã đăng trên Thanh Niên, in thành sách gửi đến độc giả.

Với chỉ tập 1, tản khúc Những bóng hồng trong thơ nhạc đã cho thấy sự hiện diện của 12 nhạc sĩ, thi sĩ nổi tiếng. Như thi sĩ Phạm Thiên Thư với hồi ức về nhân vật Ngọ trong bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đã khiến cho bao trái tim thổn – thức – dại – khờ một thời không quên được. Là Thúy, trong nhạc phẩm để đời Thúy đã đi rồi của nhạc sĩ Y Vân, Kim trong bản nhạc Kim với giai điệu twist sôi động của nhạc sĩ Y Vũ. Hay là Màu tím hoa sim bất hủ của Hữu Loan, một bài thơ có đến 7 nhạc sĩ phổ nhạc, mà mỗi khi nghe đều hoài niệm một nỗi đau chất chứa. Hoặc nghịch ngợm và giày vò tâm tưởng trong những vần thơ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn về một cô Phượng yêu kiều, chưa từng công bố. Hay với Em tôi của nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, một nhạc phẩm đẹp đúng nghĩa về một bóng hồng xa cách và đầy nhung nhớ thuở nào…

 

Tìm tòi và mải miết khai thác, rất có duyên với mảng đề tài nhạc phẩm, thi phẩm xưa về tình yêu, tập tản khúc văn nghệ báo chí Những bóng hồng trong thơ nhạc của Hà Đình Nguyên sẽ còn hứa hẹn nhiều ở các tập tiếp theo, dù có hơi mỏng manh, nhưng độc đáo…

Trần Thanh Bình (Theo TNO)

Bình luận (0)