Hội nhậpThế giới 24h

Bóng ma tham nhũng vẫn ám ảnh chính trường Hàn Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc đời ông Roh Moo Hyun được đánh dấu bởi những quyết định cực đoan – Ảnh: Seoul Times

Vụ tự sát đầy bi kịch của cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun một lần nữa cho thấy bóng ma tham nhũng vẫn ám ảnh chính trường và xã hội nước này.

Theo New York Times, kể từ năm 1980 mọi tổng thống nước này đều từng phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng hoặc phải vào tù vì tội danh này sau thời gian tại nhiệm.

Con của các tổng thống Kim Dae Jung và Kim Young Sam đã phải vào tù vì nhận hối lộ. Hai cựu tổng thống Chun Doo Hwan và Roh Tae Woo cũng phải vào khám với các mức án lần lượt là chung thân và 17 năm tù vì nhận hàng triệu USD từ các tập đoàn lớn của nước này (hai ông này được ân xá năm 1997). Trong giới kinh doanh, hàng chục lãnh đạo các tập đoàn lớn như Daewoo, Hyundai… cũng đã lần lượt vào tù vì các sai phạm.

Khi nhậm chức tổng thống, ông Roh từng được coi là một người khác biệt. Gần như cả cuộc đời ông được dành cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng và bảo vệ những người yếu thế. Ông Roh xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, tự học luật để trở thành luật sư (không qua trường đại học) và được biết đến như là người bảo vệ nhân dân khi đứng ra biện hộ cho các sinh viên bị bắt vì phản đối nhà độc tài Chun Doo Hwan hồi cuối những năm 1970. Năm 1987, ông bị bắt và buộc không được làm luật sư vì bị cáo buộc đã xúi giục công nhân đóng tàu đình công (các phong trào phản đối sau này đã gây áp lực để ông được thả tự do).

Năm 1988, ông Roh bước vào chính trường sau khi trúng cử vào quốc hội với cương lĩnh chống tham nhũng.  Năm 1997, chính ông Roh là người đã giúp chiến dịch tranh cử của ông Kim Dae Jung đi đến thắng lợi. Năm năm sau, ông Roh gây bất ngờ bằng chiến thắng trước đối thủ được đánh giá cao hơn khi đó là cựu chánh án tòa tối cao Lee Hoi Chong nhờ cương lĩnh hướng về người nghèo, tầng lớp trung lưu và sinh viên.

Khi nhậm chức, để tránh sai phạm của những người tiền nhiệm, chính ông Roh đã tăng cường cơ chế kiểm soát, cân bằng đối với phủ tổng thống và  áp dụng nhiều biện pháp giám sát hơn. Giới doanh nhân khó chịu với kế hoạch tăng thuế của ông nhằm phân phối lại tài sản.

Trong lúc này, nhiều tiếng nói chỉ trích đang hướng về các công tố viên vì cho rằng họ đã có phần thiên lệch trong điều tra. Nhiều người dân gửi phản hồi lên trang web văn phòng công tố viên tối cao đòi khiển trách các công tố viên về vụ tự sát của ông Roh. Trang web thậm chí đã gần như tê liệt bởi số lượng người vào cùng những lời bình luận. Tờ Hankyoreh nhận xét hiện tượng này cho thấy người dân đã không còn tin vào quá trình điều tra của các công tố viên.

Thừa nhận rằng việc điều tra và trừng phạt tham nhũng là hoàn toàn đúng và là biểu hiện của thể chế dân chủ, nhưng tờ báo này cũng cho rằng các công tố viên đã có những sai lầm. Đặc biệt, họ đã thiên lệch khi chỉ điều tra kỹ đối với người thân và các trợ lý của ông Roh, trong khi lại nhân nhượng với những người liên quan đến chính quyền hiện tại. Chẳng hạn họ đã bỏ qua nghị sĩ Lee Sang Deuk của Đảng Đại dân tộc cầm quyền dù có chứng cứ cho thấy ông này có liên quan.

Ngoài ra, vẫn theo báo này, các công tố viên lại cũng trì hoãn việc điều tra đối với một người bạn thân của Tổng thống Lee Myung Bak. Các công tố viên còn trì hoãn việc kết luận về ông Roh dù đã thẩm vấn ông gần một tháng trước đó (thường các kết luận được đưa ra rất nhanh). Thay vào đó, họ tăng cường điều tra đối với vợ, con trai và con gái của ông Roh – điều được coi là gây thêm nhiều áp lực cho vị cựu tổng thống như chính ông thừa nhận “có nhiều người đã phải chịu đựng vì tôi”.

Cuộc đời của ông Roh được đánh dấu bởi tính cách đấu tranh và không chịu nhượng bộ. Nói như ông Choi Jin, giám đốc Viện Nghiên cứu lãnh đạo tổng thống,  “suốt cuộc đời mình ông đã đưa ra những quyết định cực đoan kiểu như được ăn cả ngã về không.”  Và một quyết định cực đoan như thế đã kết thúc cuộc đời của vị cựu tổng thống này.

THANH TUẤN (TTO)

Bình luận (0)