Một số người đang bình thường, bỗng dưng trở nên mệt mỏi, sau một thời gian đột ngột ho dữ dội và ho ra máu. Đi khám, họ mới biết mình bị lao phổi.
Buổi chiều, sau khi đi làm về, chị Trần Thị Bích Kiều, 27 tuổi, kế toán của một công ty xuất nhập khẩu trên đường Lê Quang Định, Q. Bình Thanh, TP. HCM, cảm thấy hai vai nặng trịch như có tạ đè. Quá mệt mỏi, chị nằm vật xuống giường.
Đột nhiên, chị vùng dậy bụm miệng, ho sặc sụa. Lồng ngực bỏng, rát như có lửa đốt. Máu tươi từ miệng tuôn ra đỏ ối. Nhìn thấy máu ràn rụa cả hai tay, chị hoảng sợ kêu người nhà chở đi bệnh viện cấp cứu.
Cơn ho sét đánh và bệnh lao
Tại bệnh viện, sau khi tiến hành thăm khám, chụp X-quang phổi, xét nghiệm đàm, thử máu, bác sĩ chỉ định tiêm thuốc cầm máu cho chị Kiều.
Bác sĩ cho biết chị Kiều bị cơn ho sét đánh tấn công. Nếu ho ra máu nhiều, bệnh nhân có thể bị tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Qua các kết quả xét nghiệm cho thấy chị Kiều bị nhiễm lao phổi.
Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị Kiều cố lục lại trí nhớ vì sao mình mắc bệnh này. Tuy nhiên, chị không phát hiện ra nguyên nhân nào. Chị tâm sự: “Trước khi phát bệnh, cơ thể tôi hay mệt mỏi. Tôi nghĩ chắc mình bị cảm cúm chứ đâu ngờ bị lao”.
Theo thạc sĩ – bác sĩ chuyên khoa II Trần Minh Trúc Hằng, giảng viên chính bộ môn Lao, Đại học Y dược TP. HCM, chị Kiều bị lao tái nhiễm nội sinh. Trong cơ thể chị đã nhiễm vi trùng lao và trải qua một thời gian ủ bệnh không triệu chứng khoảng vài tháng trước khi bộc phát. Nhân lúc cơ thể chị mệt mỏi do áp lực công việc, sức để kháng yếu, vi khuẩn sẽ trỗi dậy. Chúng tấn công nhanh và bệnh bộc phát với biểu hiện bằng cơn ho ra máu dữ dội.
Có rất nhiều nguyên nhân nhiễm bệnh. Một người khỏe mạnh nếu tiếp xúc với người ho khạc ra vi trùng lao có thể bị lây. Người bệnh nói chuyện, ho, khạc nhổ, tia nước bọt bắn ra không khí và phát tán vi khuẩn lao cho người khác. Ngoài ra, ăn uống bên ngoài, dùng tô bát và ly chung với người bệnh nhiễm lao cũng có thể mắc bệnh nếu vật dụng trên không được rửa sạch.
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, người khỏe mạnh sẽ không thấy triệu chứng gì. Chúng sống tiềm ẩn và đợi đến lúc sức đề kháng của cơ thể suy yếu mới bắt đầu “tác oai tác quái”. Đây là cơ chế của hiện tượng tái nhiễm nội sinh. Việc chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao phụ thuộc vào số lượng, độc tính của vi khuẩn lao cũng như sức đề kháng của cơ thể.
Lao – căn bệnh cần tích cực điều trị
Trường hợp bệnh của chị Kiều còn ở thể nhẹ nên có thể điều trị khỏi đến 95%. Quá trình điều trị bao gồm tiêm và uống thuốc khoảng 8 tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh phải điều trị liên tục. Nếu ngắt quãng, không đều đặn, có thể gây ra lao kháng thuốc. Đây là chứng bệnh khó điều trị và gây tử vong cao.
Bác sĩ Trúc Hằng cho biết từng có nhiều trường hợp bị bệnh lao, nhưng không kiên trì điều trị nên chịu hậu quả đau lòng.
Như trường hợp anh Nguyễn Thanh Bình, 21 tuổi, sinh viên, nhà ở Q. Tân Bình, TP. HCM, nhập viện khi toàn thân tím tái và thổ ra huyết. Trước đó hai năm, anh từng được chữa trị bệnh lao, Sau 5 tháng chữa trị, Bình thấy mình lên cân, ăn uống bình thường, thể trạng hồng hào nên nghĩ đã khỏi hẳn bệnh và tự ý ngưng điều trị.
Một năm sau, đột nhiên anh bị ho trở lại. Nghĩ bệnh lao đã chữa khỏi nên anh chỉ uống thuốc ho. Thế nhưng, cơn ho ngày càng xuất hiện với mật độ dày và dai dẳng. Cả đêm anh không ngủ được, những cơn sốt về chiều xuất hiện.
Gia đình vội đưa anh đến bệnh viện điều trị, anh được kê nhiều toa thuốc tiêm lẫn thuốc uống, nhưng bệnh không thuyên giảm. Lần thứ tư nhập viện, bác sĩ thông báo anh bị lao kháng đa thuốc, không thể chữa khỏi. Giờ đây, thể trạng anh ngày càng suy kiệt, tinh thần sa sút rất nhiều.
Theo bác sĩ Hằng, phát hiện sớm khi bệnh lao ở thể nhẹ sẽ giúp cho quá trình điều trị hiệu quả và khả năng khỏi bệnh cao. Việc phát hiện trễ, điều trị muộn khiến phổi bị tổn thương, vi khuẩn lao phát triển nhanh, gây khó điều trị và tiên lượng rất xấu.
Những dấu hiệu phát hiện bệnh lao bao gồm: sốt nhẹ về chiều, ho khan sau có đờm (đôi khi đờm có dính vài tia máu), đau ngực, biếng ăn, sụt cân, mệt mỏi…
Những lưu ý trong quá trình điều trị bệnh
Lao là chứng bệnh không thể điều trị khỏi trong một sớm chiều. Quá trình trị bệnh đòi hỏi bệnh nhân phải hợp tác tốt với bác sĩ và kiên trì trong thời gian dài. Do đó, người bệnh rất cần chỗ dựa tinh thần từ phía gia đình.
Vì đây là bệnh lây lan cao, người chăm sóc bệnh nhân cần nhớ:
– Động viên người bệnh và nhắc họ uống thuốc đều đặn.
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị bệnh.
– Tuyệt đối không dùng chung khăn, các vật dụng sinh hoạt của người bệnh.
– Tư vấn bác sĩ để tự phòng vệ cho bản thân và những người khỏe mạnh khác trong gia đình.
Với bệnh nhân lao, cần lưu ý:
– Uống thuốc đều đặn, đúng liều và đủ 8 tháng. Người bị lao kháng thuốc điều trị phải tuân theo kháng sinh đồ và kéo dài thời gian chữa trị.
– Đi khám định kỳ 1 lần/tháng.
– Che miệng khi ho, nhổ đờm vào cốc có nắp đậy hoặc vào giấy, gói lại rồi đốt.
– Không được tự ý ngừng điều trị.
– Cần gặp bác sĩ ngay nếu thấy xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc như: mờ mắt, chóng mặt, nghe khó, vàng da, vàng mắt.
– Không hút thuốc lá, uống rượu.
– Không cần phải ăn kiêng (ngoại trừ người bệnh có kèm theo đái tháo đường).
– Tránh mang thai khi đang điều trị, nhưng không nên quá lo lắng nếu có thai.
Phòng ngừa bệnh lao Theo các bác sĩ chuyên khoa lao phổi, vi khuẩn lao dễ phát tán trong không khí. Do đó, trẻ em sau khi sinh sẽ được tiêm chủng ngừa lao. Để phòng ngừa, khi đi ra đường chúng ta nên đeo khẩu trang. Không nên ăn ở các hàng quán có điều kiện vệ sinh kém. Ngoài ra, mỗi năm chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần và chụp X-quang phổi. Đây là cách giúp phát hiện bệnh sớm để điều trị. Các biểu hiện của bệnh dễ bị lầm tưởng tới bệnh phổi khác. Vì thế, nếu bạn có các triệu chứng trong bài và ho kéo dài trên hai tuần, nên đi khám ngay. Người bệnh sẽ phải xét nghiệm máu, đờm, lao qua da và chụp X-quang. Bạn có thể đến Bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch, 120 Hùng Vương, Q.5, Đại học Y dược 1, 215 Hồng Bàng, Q.5, TP. HCM; Bệnh viện lao và phổi Trung ương, 163 Hoàng Hoa Thám, Q. Ba Đình, Hà Nội để khám. |
Theo Tiếp Thị & Gia Đình
Bình luận (0)