Không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH nhưng ảo tưởng, đòi hỏi vị trí công việc tốt, lương cao trong khi thực tế các em chỉ như tờ giấy trắng chưa biết gì về môi trường lao động thực thụ, cần trong tâm thế học việc.
Bà Lê Thị Thanh Lâm (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food) chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở môi trường thực tế đối với sinh viên |
Bà Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch HĐQT Retail & Franchise ASIA, Thành viên sáng lập và phát triển công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á) chia sẻ điều này với sinh viên nhiều trường ĐH-CĐ tham gia buổi nói chuyện “Thách thức vào nghề” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM vừa tổ chức.
Tiến dần từng bước…
Theo bà Vân, 6 tháng đầu tiên sinh viên đi làm thường được doanh nghiệp… nuôi để tập sự, làm quen công việc dù thời gian ấy, có thể các em chưa đem lại lợi nhuận, hiệu quả cho công ty. Vì vậy, sinh viên đừng quá mơ mộng, ảo tưởng rằng tốt nghiệp ĐH là đã có đủ mọi thứ để bước vào môi trường làm việc mà cần phấn đấu từng bước, đạt từng mục tiêu nhỏ để vươn đến định vị cuối cùng mà bản thân mong muốn.
Bà Lê Thị Thanh Lâm (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food) ví việc vào nghề của bạn trẻ như xây nhà. Muốn xây, trước tiên cần biết mình có gì để “liệu cơm gắp mắm” hoặc tìm cách bổ sung nguồn vốn sẵn có. Tương tự, bản thân sinh viên cũng cần biết mình có gì, muốn làm công việc gì để các em xây dựng mục tiêu hướng đến và bổ sung những điều còn chưa đủ.
Cũng nhận định sinh viên còn mơ mộng về vị trí việc làm, bà Võ Thị Ngọc Hường (Giám đốc nhân sự Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM) cho rằng sinh viên vừa ra trường cần xác định được mục đích của bản thân. Từ mục đích các em lập ra kế hoạch; xác định được nguồn lực về kiến thức, kỹ năng và nhu cầu để đạt được mục đích đó. Các em nên có kế hoạch để từng bước sử dụng nguồn lực của mình cũng như dần hoàn thiện những điều cần bổ sung.
Chuẩn bị tốt, nắm 50% thành công
“Khi sinh viên vào môi trường lao động, nếu có sự chuẩn bị chu đáo sẽ nắm được 50% thành công. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ, người đi làm lại thiếu sự chuẩn bị này. Thực tế môi trường doanh nghiệp và trường học rất khác nhau nên nếu sinh viên không chuẩn bị tâm thế tốt sẽ gặp bỡ ngỡ”, bà Lê Thị Thanh Lâm lưu ý.
Bà Lâm đánh giá, dù đã có những thay đổi nhưng hiện nhiều trường ĐH vẫn còn dạy nặng về lý thuyết, sinh viên ít có điều kiện thực hành. Để xin vào trực tiếp doanh nghiệp trải nghiệm là rất khó nên sinh viên thường tham gia trải nghiệm trái lĩnh vực hoặc đi làm ngoài giờ nhưng không theo một mục đích nào cả. Trong khi đó, việc trải nghiệm đúng lĩnh vực, đúng chuyên ngành học vẫn thuận lợi hơn cho các em khi ra trường vào việc thực tế.
Tại buổi nói chuyện, bà Nguyễn Phi Vân (Chủ tịch HĐQT Retail & Franchise ASIA, Thành viên sáng lập và phát triển công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á) lưu ý sinh viên 3 kỹ năng thay đổi trong giai đoạn từ 2015-2020. Thứ nhất, tư duy phản biện: Khi nghe một vấn đề cần đặt câu hỏi, lập luận. Đây là điểm yếu của bạn trẻ Việt Nam. Thông qua facebook, bà Vân cho hay hằng ngày nhận không biết bao nhiêu câu hỏi nhưng có những câu bà không trả lời vì thực tế bản thân sinh viên cần tự tìm câu giải đáp. Thứ hai, kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp: Thế giới công việc mà sinh viên sắp bước vào hết sức phức tạp nên các em cần có khả năng giải quyết vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Thứ ba, kỹ năng hợp tác giải quyết vấn đề: Một dự án công việc có thể liên quan đến nhiều nước đòi hỏi bạn trẻ cần có khả năng ngoại ngữ, am hiểu đa văn hóa… |
Trải nghiệm có mục đích cũng là điều được bà Võ Thị Ngọc Hường đề cập mạnh đối với sinh viên trong quá trình bổ sung kiến thức, thái độ, kỹ năng. “Mỗi lần trải nghiệm, sinh viên cần rút ra điều mình học được, biết được đặc thù ngành nghề vừa trải nghiệm, phát hiện ra mình thiếu yếu tố nào để bổ sung. Có nhiều bạn không thích lĩnh vực này liền bỏ ngang để nhảy sang lĩnh vực khác mà quên đúc kết lại những điều bản thân cần bổ sung, hoàn thiện. Thử trải nghiệm lĩnh vực gì cũng cần có mục đích, không tự phát, chạy theo phong trào hay theo bè bạn. Thực tế, bạn trẻ nhảy việc quá nhiều lại chính là mối e ngại của nhà tuyển dụng, vì trong trường hợp gặp phải ứng viên không xác định được mục tiêu công việc sẽ đem lại rủi ro cho doanh nghiệp, do họ thiếu toàn tâm toàn ý vào lĩnh vực đã chọn.
TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nếu không trải nghiệm qua nhiều công việc thực tế, sinh viên khó xác định bản thân thích và phù hợp điều gì. Trải nghiệm có khi phải trả giá bằng thời gian, mồ hôi, tiền bạc… nhưng sẽ giúp sinh viên vững vàng và nắm bắt được nhiều cơ hội hơn khi bước vào thị trường lao động.
M.Tâm
Bình luận (0)