Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Bột ngọt nhập lậu và nguy cơ cho sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

Thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm sử dụng phụ gia trái quy định pháp luật đã trở thành đề tài nổi cộm gây tốn không ít giấy, mực của giới báo.
Người dân lo lắng với những thông tin về mối nguy từ những thực phẩm nhập lậu kém chất lượng. Theo chân lực lượng cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường, chúng tôi rất bất ngờ vì được tận mắt chứng kiến nhiều loại thực phẩm được tuồn vào Việt Nam mà không đăng ký chất lượng và được bày bán một cách ngang nhiên… Gần đây nhất là một lượng lớn bột ngọt đã được nhập lậu vào thị trường miền Trung.
Nhận diện bột ngọt lậu
Theo ghi nhận, loại bột ngọt lậu này được sản xuất bởi Công ty Thai Fermentation IND. Co., LTD., tại Thái Lan. Thoáng nhìn qua, không ít người dân có thể nhầm tưởng rằng đây là một loại bột ngọt “xịn”, “chất lượng cao” vì là hàng nhập 100% từ nước ngoài với những dòng chữ uốn lượn. Bao bì gói bột ngọt có điểm đặc trưng hình cái muỗng và hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào được ghi bằng tiếng Việt, ngay cả những thông tin cơ bản nhất như đơn vị nhập khẩu, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng… là những thông tin mà người tiêu dùng cần kiểm tra trước khi mua một sản phẩm.
Bột ngọt trên được vận chuyển từ Thái Lan qua Lào. Từ Lào chúng được vận chuyển tới đường biên giới Việt Nam và tiếp tục vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Từ đây, bột ngọt lậu được đưa đi bán tại khắp các chợ miền Trung.

Bột ngọt lậu được bày bán công khai tại chợ ở Quảng Trị, Huế.
Riêng tại thị trường miền Trung, loại bột ngọt lậu này vẫn đang hoành hành mặc dù sự nỗ lực kiểm soát của cơ quan chức năng. Được hỏi tại sao lại dùng bột ngọt hình cái muỗng mặc dù trên bao bì không có ghi thông tin rõ ràng, cụ thể thì chị NTL, khách hàng tại chợ Đông Hà -Quảng Trị, đã trả lời rất nhanh rằng: “Tui nghe thấy bảo bột ngọt này là sản phẩm nhập ngoại, khi nấu thử thì thấy ngon miệng nên mua”. Còn chị LTP, tại chợ An Cựu – Huế, cho biết: “Bao bì đẹp, hàng ngoại, nêm vào thấy ăn ngon, giá hợp lý thì mần răng tui lại không mua?”.
Có lẽ chính bởi những suy nghĩ như vậy nên đã vô hình tiếp tay cho hàng lậu và là nguyên nhân khiến cho không ít những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, được công bố chất lượng đầy đủ nhưng lại không có mặt trên thị trường. Theo khảo sát, hiện thị phần của loại bột ngọt lậu này chiếm đến 56% tại Huế và khoảng 68% tại Quảng Trị.
Những mối nguy tiềm ẩn từ bột ngọt nhập lậu
Nghi ngại về chất lượng của những gói bột ngọt lậu này, chúng tôi đã nhờ phân tích mẫu thì kết quả cho thấy độ tinh khiết của loại bột ngọt nhập lậu này có chỉ số thấp hơn rất nhiều so với những bột ngọt được đăng ký chất lượng và được sản xuất tại Việt Nam. Vậy những thành phần còn lại của bột ngọt lậu này là gì? Liệu nó có gây ảnh hưởng tới sức khỏe không?
Theo TS-BS Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, thì: “Loại bột ngọt nhập lậu bất hợp pháp không rõ nguồn gốc xuất xứ nên chắc chắn không kiểm soát được chất lượng đầu vào và không thể xác định được lượng hóa chất, tạp chất bị nhiễm trong đó. Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại bột ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng… Bởi chúng sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây nguy hại cho sức khỏe”.
Theo chân lực lượng quản lý thị trường, chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện có khoảng 56 chợ lớn với 1.215 quầy bán loại bột ngọt nhập lậu này như chợ Lao Bảo, chợ Mỹ Chánh, chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị, chợ Cam Lộ, chợ Cầu tại Quảng Trị; chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Bến Ngự, chợ Phú Bài tại Huế…
Theo MINH TÚ – HOÀI HƯƠNG
(PL)

Bình luận (0)