Nền đại học của Brazil không phát triển do số học sinh ở phổ thông quá ít (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Brazil là một nước có nền kinh tế phát triển, nhưng không ai ngờ chỉ có 25% dân số thực sự thoát nạn mù chữ. Vì vậy ưu tiên số một của Tổng thống nước này là giáo dục, chìa khóa của sự phát triển đất nước về lâu dài.
Nhà báo Brazil Veja ở Sao Paulo đã viết về vấn đề này như sau: Một giấc ngủ mê lầm lạc đang ngự trị Brazil, làm cho người ta có cảm giác rằng ở Brazil mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa tốt đẹp, hay ít nhất cũng sắp được như thế. Bây giờ chỉ có việc tiến lên trên con đường phồn vinh. Rất tự tin và có phần tự mãn. Nhưng thực tế không phải như vậy, vì đó chỉ là ảo tưởng…
Hiện nay một cuộc chiến toàn diện đang diễn ra ở Brazil, đó là mặt trận giáo dục với quá nhiều khiếm khuyết, bất cập mà nếu không có giải pháp quyết liệt, kịp thời, đất nước này sẽ tụt hậu thảm hại không có cách nào cứu chữa được. Nhà báo Brazil Veja viết: “Nếu một ngày nào đó chúng ta ngăn chặn được nạn lạm phát và bội chi ngân sách, tiến đến khắc phục được sự sa sút của cơ sở hạ tầng và hợp lý hóa được chế độ thuế khóa, giải quyết được vấn đề y tế công cộng… thì chúng ta cũng không thể trở thành một nước phát triển được. Vì sao? Vì với một nền giáo dục thấp, què quặt như hiện nay, những lớp thanh niên tương lai của Brazil sẽ trở thành lạc hậu so với trình độ chung của thế giới”.
Nhà báo Brazil Veja đưa ra thống kê, ở bậc đại học, Brazil chỉ có 58.000 sinh viên làm luận án, tập trung vào hai bang Sao Paulo và Rio de Janero. Còn theo một số liệu mới đây của UNESCO, Brazil có 213.000 người làm trong lĩnh vực nghiên cứu. Trong khi đó ở Trung Quốc có 1,5 triệu người, còn ở Nhật có 935.000 người, ở Pháp có 200.000 người… Cần nói thêm đa số các công trình nghiên cứu khoa học ở Brazil có chất lượng rất hạn chế, khó áp dụng vào thực tế, nếu không nói là vô ích.
Sở dĩ nền đại học của Brazil “ốm yếu” như vậy là do số học sinh ở phổ thông quá ít. Đó là một nền giáo dục cổ lỗ, kinh viện với một chương trình học nặng nề, đơn điệu rập khuôn, không tạo điều kiện cho học sinh chọn một ngành kỹ thuật hay chuyên nghiệp. Ngày nay giáo dục trung học ở những nước phát triển không những giúp học sinh vào đại học mà còn chuẩn bị cho họ vào đời. Còn ở Brazil cả hai mục tiêu đó đều làm không tốt. Qua khảo sát của PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) về trình độ học sinh 15 tuổi, thì Brazil đứng thứ 54 về toán, thứ 52 về khoa học và 49 về ngoại ngữ.
Tình hình giáo dục trung học thảm hại ngoài lý do việc giảng dạy cứng nhắc và quá cổ lỗ, còn do nguyên nhân có quá ít học sinh học cho đến nơi đến chốn. Nhiều học sinh phải lưu ban nhiều lần, rồi chán học. Ở trung học đáng lẽ học sinh phải thuộc lứa tuổi từ 11 đến 14, thì ở đây trong 4 em đã có 1 em 15 tuổi hay hơn nữa và chỉ có 3,6 triệu học sinh.
Brazil mơ trở thành một La Mã nhiệt đới mới, nhưng những con số thống kê cho thấy, chỉ có 25% dân số Brazil thực sự thoát nạn mù chữ. 3/4 người dân còn xa lạ với báo chí vì đọc kém. Theo dữ kiện của Tổ chức “Đánh giá giáo dục tiểu học và phổ thông”, trong năm vừa qua, 7 trên 10 học sinh không đạt được trình độ kiến thức về tiếng Bồ Đào Nha vốn được coi như là lý tưởng của chương trình “Tất cả cho giáo dục”. Chưa hết, người ta còn phát hiện ra khoảng 25% học sinh CM1 (tương đương lớp 3 ở Việt Nam) hầu như chưa biết đọc, biết viết sau những năm học trong trường.
Thất bại về xóa nạn mù chữ cho trẻ em vào năm 2010 không phải là trở ngại của sự phát triển mà còn là một tai họa của Brazil. Trong khi đó nhiều nước chậm phát triển đã cơ bản xóa được nạn mù chữ, nhất là đối với trẻ em. Hai nước Argentina, Uruguay đã làm được việc này từ 100 năm trước và các nước phát triển đã làm được từ 200 năm trước. Điều khó hiểu nhất là ở Brazil đã có hàng chục cơ sở giáo dục, kể cả ở những vùng khó khăn, đã xóa được nạn mù chữ cho 100% học sinh vỡ lòng.
Cuối cùng, nhà báo Brazil Veja đúc kết: “Sớm hay muộn thì sự phát triển của Brazil cũng vấp phải nạn thiếu người lao động có chất lượng. Và khi nhận ra vấn đề thì quá muộn rồi, chúng ta đã mất ít nhất cả một thế hệ”.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)