Hơn 200.000 người đã xuống đường biểu tình tại 11 thành phố lớn của Brazil hôm 17-6 (giờ địa phương). Đây là lần biểu tình lớn nhất trong 20 năm qua. Biểu tình diễn ra trong bối cảnh vòng bảng giải bóng đá Confederations Cup 2013 (Cúp Liên đoàn các châu lục) đang diễn ra ở Brazil, giải đấu chuẩn bị cho World Cup 2014 mà Brazil là nước chủ nhà.
Hãng tin Reuters mô tả dòng người biểu tình đã gây ách tắc giao thông tại nhiều địa phương. Tại các điểm tập trung, những người biểu tình phất cờ và hô to các khẩu hiệu: “Người dân đã thức tỉnh”, “Brazil cần thay đổi”.
Tại thủ đô Brasilia, những người biểu tình tập trung trước tòa nhà Quốc hội tranh nhau dựng lều và ném đá làm vỡ cửa sổ tòa nhà. Khoảng 100 người đã trèo lên nóc tòa nhà Quốc hội hát quốc ca rồi leo xuống. Cảnh sát không phản ứng.
Số người biểu tình tập trung đông nhất ở Rio de Janerio. Xung đột dữ dội xảy ra khi người biểu tình ném đá, chai xăng, dừa khô vào cảnh sát. Họ cũng đốt xe ô tô và cướp phá cửa hàng. Báo chí Brazil ngày 18-6 cho biết có khoảng 30 người bị thương, trong đó có 20 cảnh sát.
Những người biểu tình quá khích đập phá ở Rio de Janeiro ngày 17-6 (giờ địa phương). Ảnh: AP
Tại Belo Horizonte, khoảng 20.000 người biểu tình trước trận đấu Nigeria – Tahiti. Cảnh sát đã điều động máy bay trực thăng giám sát trên không kết hợp với lực lượng tuần tra quanh sân vận động. Tại Porto Alegre, những người biểu tình đã ném đá vào tàu hỏa.
Tại Sao Paulo (trung tâm kinh tế của Brazil), biểu tình diễn ra không có sự cố. Trước đó, hôm 13-6, những người biểu tình đã đập phá cửa tiệm, trạm tàu điện ngầm và trạm xe buýt. Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay làm 100 người bị thương.
Thực ra phong trào biểu tình đã bắt đầu từ cuối tuần trước sau khi có thông báo tăng giá vé xe buýt và tàu điện ngầm. Sau đó, khi cảnh sát trấn áp biểu tình ở Sao Paulo, biểu tình chuyển sang quy mô lớn hơn.
Những người biểu tình cũng tăng thêm yêu sách, ngoài phản đối tăng giá vé còn phản đối kinh tế trì trệ, lạm phát tăng cao, tham nhũng tràn lan, các dịch vụ công nghèo nàn. Họ chỉ trích nhà nước bỏ ra hàng tỉ USD xây sân vận động mới trong khi giáo dục và y tế không được quan tâm.
Ngay sau khi biểu tình xảy ra, Bộ trưởng Thể thao Aldo Rebelo đã tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng tôi không cho phép biểu tình gây rối loạn các sự kiện chúng tôi đã cam kết thực hiện”.
Tuy nhiên, vài giờ sau đó, nhằm xoa dịu những người biểu tình, Tổng thống Dilma Rousseff tuyên bố biểu tình hòa bình là hợp pháp và là một phần của nền dân chủ.
Theo kênh truyền hình CBS News (Mỹ), nguyên Tổng thống Lula da Silva đã viết trên Facebook ủng hộ biểu tình. Ông kêu gọi cơ quan chức năng và người biểu tình đàm phán để đưa ra mức phí giao thông công cộng hợp lý cho người nghèo.
GS Ariadne Natal ở ĐH Sao Paulo nhận định những người biểu tình muốn nhân cơ hội Brazil tổ chức giải Confederations Cup để bày tỏ nguyện vọng bởi thời điểm này có nhiều du khách và nhà báo nước ngoài.
Trong 20 năm qua, hơn 40 triệu dân Brazil đã gia nhập tầng lớp trung lưu, do đó họ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn từ chính phủ. Theo báo O Globo (Brazil), biểu tình sẽ kéo dài đến ngày 20-6.
Biểu tình diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Tổng thống Dilma Rousseff dự định tái tranh cử vào năm tới. Kết quả các cuộc thăm dò hiện thời cho thấy bà đang chiếm ưu thế, đặc biệt đối với cử tri nghèo và giai cấp công nhân. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, lợi thế này đã giảm nghiêm trọng.
|
DUY KHANG (PLO)
Bình luận (0)