Brazil và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ lập một tuyến cáp thông tin ngầm dưới biển nhằm tránh sự giám sát của Mỹ – một động thái cho thấy sự rạn nứt quan hệ và mất lòng tin với Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thỏa thuận lập một tuyến cáp ngầm nối thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha với thành phố Fortaleza của Brazil đã được ký kết ngày 24/2 tại Brussels, Bỉ, giữa Tổng thống Brazil Dilma Rousseff với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 185 triệu USD.
Tập đoàn viễn thông Telebras của Brazil và công ty cáp ngầm IslaLink Submarine Cables của Tây Ban Nha sẽ là chủ đầu tư chính cho dự án, trong đó Telebras nắm 35% cổ phần và IslaLink năm 45% cổ phần. Số tiền còn lại sẽ lấy từ các quỹ của Brazil và EU.
Brazil hiện lệ thuộc rất nhiều vào tuyến cáp ngầm của Mỹ để thực hiện các cuộc trao đổi thông tin với châu Âu.
Còn EU hiện vẫn duy trì lời đe dọa hủy bỏ hiệp định Mỹ-EU về trao đổi dữ liệu và thông tin trừ khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cam kết bảo đảm an toàn cho các dự liệu và thông tin của công dân các nước EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso sau khi lễ ký, Tổng thống Brazil Rousseff cho biết dự án thiết lập tuyến cáp thông tin ngầm trên là nhằm bảo đảm “sự trung lập” của mạng Internet, bảo vệ quyền tự do ngôn luận cũng như chủ quyền quốc gia.
Năm ngoái, Tổng thống Dilma Roussels đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ sau khi cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edwards Snowden tiết lộ thông tin về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại và do thám thư điện tử của một loạt các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có bà.
Ngay từ cuối năm 2013, chính phủ của Tổng thống Rousseff đã đưa ra một loạt biện pháp bảo mật thông tin cho công dân Brazil trước hoạt động theo dõi của NSA, trong đó có việc mở rộng mạng lưới Internet trong nước; khuyến khích sử dụng các thiết bị mạng sản xuất ở trong nước, và yêu cầu các công ty dịch vụ Internet như Google hay Facebook phải đặt hệ thống máy chủ trong nội địa Brazil và chịu sự kiểm soát của luật pháp Brazil.
Tổng thống Rousseff cũng có kế hoạch đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế về quản lý Internet vào tháng Tư tới./.
(TTXVN)
Bình luận (0)