Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

BTS khơi mào cuộc tranh luận về thi hành nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

Quyết định bất ngờ của nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS về việc tạm dừng các chương trình biểu diễn làm dấy lên cuộc tranh luận về nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Hàn Quốc.

Thi hành nghĩa vụ quân sự cực kỳ gây tranh cãi ở Hàn Quốc, nơi tất cả những người đàn ông từ 18 đến 28 tuổi phải phục vụ trong khoảng hai năm như một phần của nỗ lực bảo vệ Tổ quốc. Do vậy chuyện BTS nghỉ diễn để thực thi luật này đã khơi mào cuộc tranh luận nên hay không miễn chuyện đi lính cho những người có đóng góp to lớn cho đất nước.

Trong những năm qua, danh sách nam giới Hàn Quốc giành được quyền miễn trừ – được phép ngừng phục vụ quân đội trong một thời gian nhất định hoặc được phép phục vụ trong thời gian ngắn hơn – bao gồm cả nam giới đoạt huy chương tại Thế vận hội hoặc Đại hội thể thao châu Á, các nhạc sĩ, vũ công giành giải cao nhất tại các cuộc thi thế giới.

BTS khơi mào cuộc tranh luận về thi hành nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc - ảnh 1

BTS đến Mỹ biểu diễn. REUTERS

Theo bản sửa đổi năm 2019 của Luật Nghĩa vụ quân sự, các ngôi sao K-pop của BTS được công nhận trên toàn cầu được phép ngừng thực thi cho đến năm 30 tuổi. Quốc hội hiện đang tranh luận về một sửa đổi mới cho phép các ngôi sao K-pop thực hiện huấn luyện quân sự chỉ ba tuần.

Đối với BTS và đặc biệt là đối với thành viên lớn tuổi nhất của ban nhạc, được người hâm mộ biết đến với cái tên Jin, kết quả của các cuộc thảo luận tại Quốc hội sẽ rất quan trọng.

Trong khi đó công ty quản lý của ban nhạc từ lâu đã cho biết bảy thành viên BTS luôn muốn thực thi nghĩa vụ của họ. Jin (29 tuổi) đang đối mặt với viễn cảnh sắp xảy ra trong hai năm không ra mắt công chúng vì thực thi nghĩa vụ quân sự khi anh ấy bước sang tuổi 30.

BTS khơi mào cuộc tranh luận về thi hành nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc - ảnh 2

Ca sĩ Jin của nhóm BTS. REUTERS

Đối với Jin và các thành viên BTS khác, việc chờ đợi Quốc hội quyết định là cực kỳ căng thẳng và đó là lý do chính khiến họ phải tạm nghỉ biểu diễn.

Yoon Sang Hyun, nhà lập pháp đã đề xuất sửa đổi bao gồm đào tạo quân sự ba tuần cho các ngôi sao nhạc pop đã nói với Reuters: “Các thành viên lấy lý do chính là kiệt sức và cần phải nghỉ ngơi nhưng lý do thực sự là do Jin thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

Yoon công nhận rằng mức độ mà BTS nâng tầm danh tiếng của Hàn Quốc trên toàn thế giới thông qua “quyền lực mềm” nên được tính đến khi xem xét nghĩa vụ quân sự của họ.

“BTS đã làm một công việc mà hơn 1.000 nhà ngoại giao phải làm”, Yoon thừa nhận.

Khoảng thời gian đầy khó khăn

Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BTS đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới với những bản hit lạc quan và các chiến dịch xã hội nhằm tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ.

BTS trở thành ban nhạc châu Á đầu tiên giành giải Nghệ sĩ của năm tại Lễ trao giải Âm nhạc Mỹ năm ngoái và họ đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào tháng 5.2022 để thảo luận về những tội ác đầy căm thù nhắm vào người châu Á.

Choi Kwang Ho, Tổng thư ký của Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc, một liên minh của các công ty K-pop bao gồm cả công ty quản lý Big Hit của ban nhạc BTS, cho biết rất nhiều người chờ đợi quyết định từ Quốc hội.

Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 4.2022 cho thấy gần 60% người Hàn Quốc ủng hộ dự luật miễn nghĩa vụ quân sự hoàn toàn cho các ngôi sao K-pop thành công trên toàn cầu, với 33% phản đối.

Ban nhạc BTS và công ty quản lý Big Hit luôn tránh xa cuộc tranh luận nhưng vào tháng 4.2022, quan chức của Big Hit, ông Lee Jin Hyung, tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Las Vegas (Mỹ) rằng một số thành viên ban nhạc đang gặp “khó khăn” vì “sự không chắc chắn” trong cuộc tranh luận tại Quốc hội.

Thành viên BTS – Jin được hỏi vài giờ sau đó về bình luận của ông Lee đã nói rằng anh đang để Big Hit xử lý vấn đề mặc dù cũng thêm rằng những gì Lee nói phản ánh quan điểm của anh ấy.

K-pop không phải là lĩnh vực duy nhất hy vọng có sự thay đổi trong bộ luật. Chính quyền mới của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang xem xét miễn trừ cho một số kỹ sư và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chip máy tính và các lĩnh vực công nghệ khác.

Bộ Quốc phòng đã chỉ ra một yêu cầu của Hiến pháp đối với mọi công dân phải làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. “Việc bổ sung các nghệ sĩ thuộc văn hóa đại chúng vào danh sách tài năng nghệ thuật và thể thao đủ điều kiện được miễn trừ cần phải xem xét cẩn thận để tạo công bằng”, một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết.

Một số nam thanh niên cũng thắc mắc về trường hợp được đặc cách cho BTS. Seo Chang Jun (20 tuổi) nói anh hiểu lý do tại sao những người chiến thắng Olympic được miễn trừ nhưng không chắc chắn về trường hợp của BTS. “Thế vận hội Olympic là sự kiện quốc gia mà tất cả người Hàn Quốc cổ vũ cho cùng một đội nhưng không phải ai cũng là fan của BTS. Nhiều người không quan tâm đến họ”, Seo nói với Reuters.

Theo Đỗ Tuấn/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)