Dù xã hội đã đổi thay, nhưng những gia đình truyền thống ba thế hệ với các thành viên ông, bà, cha, mẹ, con cháu vẫn phổ biến ở cả nông thôn và các thành phố lớn. Bữa ăn của một gia đình ba thế hệ cũng cần được chăm chút để phù hợp với từng thành viên.
Với các em nhỏ, thức ăn phải phù hợp với từng độ tuổi, cách chế biến cũng phải từ nhuyễn mịn, lỏng loãng đến sệt, đặc rồi lợn cợn, thô dần tùy theo sức nhai. Trẻ trên sáu tháng bắt đầu tập ăn dặm với bột ngọt, sau đó thêm dần các thực phẩm giàu đạm như thịt cá, rau, dầu ăn. Từ 8-10 tháng, trẻ có thể tập ăn cháo nấu bằng gạo. Sau hai tuổi, trẻ mọc đủ răng hàm thì tập ăn cơm với thịt kho, cá chiên, canh rau… được cắt nhỏ. Khi trên ba tuổi, trẻ có thể ăn chung bữa với ba mẹ và không cần chế biến thức ăn riêng cho trẻ.
Để có dinh dưỡng (DD) hợp lý, thực đơn hằng ngày của các gia đình cần được đổi món thường xuyên. Chế độ ăn đa dạng thực phẩm sẽ giúp cơ thể nhận được nhiều loại chất DD và phòng ngừa chứng thiếu các vitamine, khoáng chất. Cơm có thể được thay thế bằng bún, phở, mì, nui, miến, bánh mì… Trong bữa ăn nên có thực phẩm giàu đạm động vật như thịt, cá, tôm, trứng, đồng thời không nên thiếu các loại đạm thực vật như đậu hủ, nấm, đậu xanh… Bữa ăn phải thật linh động, ví dụ bữa sáng đã ăn phở bò thì trưa nên ăn canh cá, tối ăn đậu hủ kho trứng… Nên sử dụng dầu ăn để chế biến thực phẩm nhằm cung cấp các axít béo thiết yếu bảo vệ tim mạch. Khi ăn, tốt nhất ăn cả xác để có đủ chất xơ hỗ trợ cho tiêu hóa.
Ảnh: internet
|
Ở người cao tuổi, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn có thể kém hơn. Các giác quan lão hóa, suy giảm cũng làm cho việc ăn uống kém ngon. Đôi khi cảm giác khát nước không có; các chân răng, cơ hàm teo nhão làm giảm sức nhai; tuyến tiêu hóa cũng hoạt động kém hơn trước, táo bón xảy ra thường xuyên hơn. Ở người già, do lượng hoạt động và khối cơ bắp giảm nên nhu cầu về năng lượng thấp hơn khi còn trẻ. Vì vậy, người già nên ăn ít hơn khi còn trẻ. Bữa ăn của người già cần sự tỉ mỉ hơn, cả về kỹ thuật nấu nướng lẫn tâm lý ăn uống. DD là nền tảng giúp người già giữ sức khỏe, không suy DD, không thừa cân béo phì hay các bệnh mãn tính khác như cao huyết áp, loãng xương, tim mạch…
Người lớn tuổi nên thỉnh thoảng ăn thay cơm bằng khoai, đậu để tăng chất xơ; ăn thịt nạc và cá, đậu hủ, hạn chế thịt mỡ, da, nội tạng động vật… là những thức ăn nhiều cholesterol, gây tăng mỡ máu và xơ vữa động mạch; nên ăn nhiều rau và trái cây, tránh ăn nhiều đường tinh, không nên ăn nhiều muối mắm để tránh cao huyết áp. Các món mắm, dưa muối, cải muối, xúc xích, chả lụa, đồ hộp… đều có hàm lượng muối khá cao, không nên ăn nhiều trong một bữa và chỉ nên ăn một – hai lần/tuần. Khi ăn mì gói, nên bỏ bớt nửa gói bột nêm để giảm lượng muối. Con trẻ cần nhắc người già uống đủ nước mỗi ngày, không chờ khi khát mới uống. Cách chế biến thức ăn cho người già cũng rất quan trọng bởi sức nhai đã kém. Cần nấu chín mềm, cắt nhỏ thức ăn để người già dễ nuốt và tiêu hóa dễ hơn. Bữa ăn nên có canh để dễ nuốt thức ăn khô. Nếu bữa chính không đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, người cao tuổi cần ăn từ một đến ba bữa phụ để được cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.
Sữa là một thực phẩm có giá trị DD khá hoàn hảo, là thức uống không thể thiếu đối với tất cả các thành viên. Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng chiều cao và người lớn phòng chống loãng xương cần uống ít nhất là 500ml sữa mỗi ngày. Người lớn và người cao tuổi nên sử dụng sữa ít đường, không béo.
Như vậy, một bữa ăn của gia đình ba thế hệ phải đảm bảo nhu cầu DD cho tất cả các thành viên, từ trẻ đến cha mẹ, ông bà. Một điều quan trọng không kém là bầu không khí vui vẻ đầm ấm cũng sẽ tốt cho hấp thu và tiêu hóa.
BS Đào Thị Yến Thủy
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Phụ Nữ
Bình luận (0)