Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bữa ăn học đường đẩy lùi suy dinh dưỡng

Tạp Chí Giáo Dục

Một bữa ăn học đường tại Trường TH Phùng Hưng
Bữa ăn học đường cho học sinh (HS) tiểu học có đầy đủ cơm và các món canh, xào, mặn, tráng miệng đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (DD) với tỷ lệ cân đối. Một số trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đưa thực đơn này vào thực hiện từ học kỳ 2 năm học 2012-2013, theo đó tỉ lệ trẻ suy DD, thừa cân, béo phì giảm mạnh.
Tăng khẩu phần rau trong bữa
Khẩu phần thực đơn bữa ăn học đường tại Trường TH Phùng Hưng (Q.11) gồm có cơm, các món: Canh, mặn, xào, tráng miệng và bữa xế. Hàng ngàn HS, em nào cũng ăn ngon miệng, ăn hết cơm, thức ăn mà không bỏ thừa. Đặc điểm nổi bật của thực đơn là tăng khẩu phần xào, chủ yếu là các loại rau củ quả xào lẫn thịt, hải sản. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với những thực đơn trước đây chỉ đơn thuần các món cơm, canh, mặn.
Em Minh Vũ (HS lớp 5) cho biết: “Với khẩu phần ăn trưa và ăn xế đa dạng các món khiến chúng em cảm thấy mình được nạp đầy đủ năng lượng, các món ăn không quá ngán vì có nhiều rau củ quả, giữa các chất như chất béo, chất đạm, chất xơ, vitamin được cân đối. Em rất thích thực đơn này, em ăn rất ngon miệng”. Một HS khác lớp 5, em Huỳnh Thanh Trúc cho hay: “Từ khi sử dụng thực đơn này, em từ bỏ được thói quen thích các món thức ăn nhanh như gà rán, bánh ngọt không có lợi cho sức khỏe, thay vào đó em ăn được nhiều rau củ quả hơn. Không chỉ ăn trên lớp mà khi về nhà em cũng nhắc ba mẹ nên tăng cường rau củ quả vào bữa ăn. Như thế sẽ tốt cho sức khỏe hơn”. Ngoài Vũ và Trúc thì nhiều HS khác tỏ ra ưng ý với thực đơn này.
Cô Lê Thị Thu, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban đầu nhà trường rất lo vì không biết HS có thích thực đơn mới không. Vì trước đây khẩu phần ăn của các em ít rau củ quả, nhiều thức ăn mặn. Chưa kể một số em gia đình có điều kiện, ba mẹ hay cho ăn nhiều thức ăn nhanh như gà rán, KFC… là thực phẩm giàu chất đạm, chất béo. Thế nhưng sau một thời gian thì các em đã thích nghi. Ở trên lớp các em có được ý thức ăn uống phù hợp thì về nhà cũng có thể điều chỉnh. Thói quen tốt này còn đi theo suốt cuộc đời các em”.
Theo cô Thu, thời gian đầu áp dụng, một số trẻ chưa quen ăn rau củ quả nên đã bỏ dư thức ăn nhiều, gây lãng phí không ít. Một số phụ huynh thấy con cái không ăn được nên cũng tỏ ra không hài lòng. Để các em dần quen với khẩu phần mới, nhà trường thường nấu thêm cháo thịt, hoặc tăng thêm chút thức ăn mặn, em nào không ăn được nhiều có thể bổ sung, để các em từ từ quen. Ngoài ra giáo viên, bảo mẫu cũng giảng giải thêm về vai trò các chất vitamin, chất xơ… trong rau củ quả tốt cho sức khỏe, thấy một số bạn bè xung quanh ăn tốt nên các em từ từ quen dần, không còn bỏ bữa, ăn ngon miệng. Phụ huynh thấy vậy đã yên tâm và đồng tình ủng hộ.
Kết quả sau 3 tháng thực hiện, một số HS ốm thì nay mập ra, khỏe hơn, em mập thì giảm bớt ký đi. Cụ thể có 14 em thừa cân nay còn 11 em, 28 em suy DD nay còn 15 em.  Mọi hoạt động học tập, vui chơi diễn ra thoải mái, tinh thần khỏe mạnh.
Ngoài Trường TH Phùng Hưng thì một số trường như Phú Thọ, Đề Thám, Trưng Trắc, Lê Đình Chinh, Trần Văn Ơn… cũng áp dụng thực đơn này. Các em HS và phụ huynh HS đều ưng ý ủng hộ.
Trên 70% HS và phụ huynh HS hài lòng
Ông Phan Trí Dũng, cán bộ y tế Phòng GD-ĐT Q.11 cho biết: “Thực đơn mới mang đến những bữa ăn ngon cho HS, tỉ lệ DD cân bằng giúp phát triển thể lực và trí tuệ, điều quan trọng là thay đổi ý thức ăn uống phù hợp với sức khỏe. Đặc biệt, nguyên vật liệu thực hiện bộ thực đơn không cầu kỳ, dễ kiếm và đáp ứng nhu cầu chế biến của bếp ăn. Việc sử dụng nguồn nhân lực thì tại chỗ, không phải trang bị thêm nhiều các trang thiết bị khác của nhà bếp”.
Bữa ăn học đường cho HS tiểu học nằm trong Dự án DD học đường do Sở GD-ĐT phối hợp cùng Trung tâm DD TP thực hiện. Nhằm tạo ra thực đơn chuẩn, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu về năng lượng và cân bằng DD. Tiến tới tạo ra khu vực bếp ăn chuẩn, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp trẻ ăn uống một cách khoa học, ngon miệng, đồng thời góp phần giáo dục cho HS về ý thức tự phục vụ và làm việc theo nhóm.
Thực đơn này được xây dựng cho 8 tuần liên tiếp. Thay vì trước đây các trường tự lên thực đơn hàng tuần, xoay quanh 3 món cơm, canh, mặn. Các món đã ít lại hay lặp lại. Việc thực hiện dựa trên kinh nghiệm và dựa vào sở thích của HS là chính, không căn cứ vào nhu cầu năng lượng của trẻ và thành phần DD của món ăn cung cấp vì thế hàm lượng DD đôi khi không cân đối. Còn nay thực đơn mới đã thay đổi hoàn toàn, các khẩu phần, hàm lượng DD, năng lượng được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với độ tuổi của một HS tiểu học. Mỗi một khẩu phần ăn như vậy thay đổi luân phiên, cung cấp khoảng 800kcal, đáp ứng trên 40% nhu cầu năng lượng hàng ngày.
Vì là thực đơn mới, sợ HS chưa quen nên bước đầu Phòng GD-ĐT Q.11 áp dụng thí điểm trên 8 trường công lập có bếp ăn tại chỗ. Thời gian đầu thực hiện, các trường gặp không ít khó khăn. Như một số món lạ về khẩu vị và cách chế biến khiến bộ phận cấp dưỡng lúng túng trong khâu chế biến, còn HS khó tiếp nhận, bỏ nhiều. Phụ huynh HS chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của việc thực hiện nên vẫn còn một số ý kiến khác nhau. Dẫn đến một số trường phải tăng cường thêm lượng đạm (thịt động vật) trong bữa ăn nhằm giúp HS ăn no hơn, ngon miệng hơn. Vài món phải điều chỉnh theo thực tế cho phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS, nhất là về hàm lượng rau – thịt của món ăn. Để thực đơn đi vào hiệu quả, giáo viên nhà trường đẩy mạnh thêm công tác truyền thông về vai trò các chất DD, đặc biệt những vi chất trong rau củ quả rất tốt cho cơ thể con người, nâng cao nhận thức của HS, phụ huynh HS. Sau đó hiệu quả tăng rõ rệt, đến hơn 70% HS, phụ huynh HS hài lòng với thực đơn này.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Tỉ lệ suy DD, béo phì giảm đáng kể
Bà Nguyễn Lê Thu, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.11 cho biết, sau 3 tháng thực hiện thí điểm chương trình bữa ăn học đường tại 8 trường tiểu học với khoảng 9.500 HS thì tình hình suy DD, béo phì của HS Q.11 giảm đáng kể. Cụ thể  tỷ lệ suy DD giảm từ 7,37% còn 5,74%, béo phì từ 8,49% xuống còn 7,87%. Con số này sẽ còn giảm khi bữa ăn đi vào đồng bộ và nề nếp. Ở một số trường kết quả rất khả quan, như Trần Văn Ơn, từ 56 HS suy DD nay còn 34 em, 62 em béo phì nay còn 41. Còn tại Trường Lê Đình Chinh, 43 trẻ suy DD xuống còn 23 em, 78 trẻ béo phì còn 58 em. Qua kết quả khảo sát ý kiến trên 4.500 HS bán trú lớp 3, 4, 5 thì có khoảng 62% HS thích ăn, khoảng 63% HS cho rằng bữa ăn này giúp các em khỏe mạnh hơn. Đối với khoảng 6.250 phụ huynh HS khối 1-5 thì có hơn 73% phụ huynh HS cho biết con họ thích ăn theo thực đơn này và 70% cho biết thực đơn đảm bảo chất DD. Năm học này phòng tiếp tục thực hiện trên 9 trường có suất ăn công nghiệp.
 
Áp dụng thực đơn chuẩn cho tất cả các trường tiểu học bán trú
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn gửi các phòng GD-ĐT quận, huyện về việc triển khai thực hiện bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của HS tiểu học. Theo đó, sở đề nghị lãnh đạo phòng  GD-ĐT quận, huyện tổ chức triển khai bộ thực đơn đến từng trường tiểu học tổ chức bán trú trên địa bàn, hướng dẫn các trường cách thực hiện. Đối với các trường tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú, triển khai áp dụng bộ thực đơn ngay vào đầu năm học, thông báo cho phụ huynh HS biết về bộ thực đơn và vận động phụ huynh ủng hộ nhà trường thực hiện. Với những trường tiểu học bán trú đặt suất ăn sẵn, đề nghị đơn vị cung cấp suất ăn tham khảo và áp dụng theo bộ thực đơn.
Trước đó, Sở GD-ĐT phối hợp với Trung tâm DD TP đã tiến hành xây dựng bộ thực đơn dành cho bữa ăn bán trú của HS tiểu học với tiêu chí: “Đáp ứng đủ nhu cầu về năng lượng, cân bằng về DD, đủ chất, ngon miệng nhưng giá thành hợp lý và dễ chế biến”.
H.Triều
 
 

Bình luận (0)