Sự kiện giáo dụcTin tức

Bữa ăn trong trường học: Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi ngày TP.HCM có trên nửa triệu học sinh ăn trưa tại trường

Hiện TP.HCM có trên nửa triệu học sinh ăn trưa tại trường với khoảng 1.000 trường tổ chức bếp ăn tập thể và đặt suất ăn công nghiệp. Theo đó vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh là một việc mà ngành GD-ĐT TP đặc biệt quan tâm…

Tuy vậy, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Và thực tế cũng đã chứng minh, hầu như năm nào ở khu vực trường học cũng xảy ra một vài vụ NĐTP với cả trăm học sinh bị ngộ độc và nhập viện.
Mỗi năm có 4-5 vụ NĐTP trong trường học
Ngày 19-8, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị phòng chống NĐTP trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Chi cục ATVSTP, hiện thành phố có 2.455 bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn. Số bếp ăn tập thể tập trung nhiều ở khu vực trường học và các khu công nghiệp – khu chế xuất. Còn các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, phần lớn là cung cấp suất ăn cho trường học. Chính vì vậy, những cơ sở này có yếu tố rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong khu vực trường học.
Song, vì lợi nhuận, đôi khi các cơ sở cung cấp suất ăn cũng như các bếp ăn tập thể đã ngó lơ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mà ngành y tế đã quy định. Bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2011, thanh tra sở và thanh tra các quận, huyện đã tiến hành thanh tra 105 bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Kết quả có 85 cơ sở vi phạm. Các nội dung vi phạm bao gồm thiết bị, dụng cụ chứa đựng, tiếp xúc thực phẩm không an toàn vệ sinh; sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh; nhân viên không mặc trang phục chuyên dùng, không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP, không được khám sức khỏe định kỳ; không đảm bảo an toàn vệ sinh trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm; nguyên liệu, nước dùng chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh…” .
Và chính những sai phạm này đã gây ra các vụ NĐTP trên địa bàn thành phố. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP cho biết: “Năm 2005, thành phố có 27 vụ NĐTP với 1.536 người ngộ độc, trong đó khu vực trường học là 6 vụ. Năm 2006, khu vực trường học là 4/24 vụ. Năm 2007 là 2/17 vụ, năm 2008 là 8/22 vụ, năm 2009 là 3/20 vụ, năm 2010 là 3/13 vụ. Như vậy, trung bình mỗi năm khu vực trường học có từ 4-5 vụ NĐTP. Riêng 7 tháng đầu năm 2011, thành phố có 5 vụ NĐTP với 628 người ngộ độc nhưng may mắn là khu vực trường học chưa xảy ra vụ nào. Nói như vậy không có nghĩa là khu vực trường học đã thật sự an toàn. Vì vậy, các trường học không được chủ quan, lơ là…”.
Bí quyết đảm bảo VSATTP trong trường học

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho từng bữa ăn của học sinh là trách nhiệm của nhà trường

Để hạn chế tối đa nguy cơ NĐTP xảy ra ở khu vực trường học, Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD-ĐT để kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho 100% bếp ăn tập thể trong trường học. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng chỉ đạo các trường chỉ được mua thực phẩm, đặt suất ăn công nghiệp của những doanh nghiệp, cơ sở có giấy chứng nhận VSATTP…
Đối với các trường đặt suất ăn công nghiệp cho học sinh ăn trưa tại trường, ông Hòa khuyến cáo: “Việc nấu thức ăn từ bên ngoài đưa vào rất dễ xảy ra NĐTP. Bằng chứng là trong số 5 vụ NĐTP của 7 tháng đầu năm nay thì có 4 vụ là nấu thức ăn từ bên ngoài đưa vào. Do vậy, khi các cơ sở mang thức ăn tới, nhà trường phải yêu cầu họ hâm nóng rồi chia ra cho học sinh. Thời gian chia thức ăn đến lúc học sinh ăn không nên quá lâu, khoảng 30 phút trở xuống. Mặt khác, các trường cũng nên yêu cầu cơ sở cung cấp suất ăn phải đưa thức ăn đến trường bằng xe chuyên dùng”.
Đối với các trường tổ chức bếp ăn tập thể, bác sĩ Nguyễn Sĩ Hào – Chi cục ATVSTP TP cho biết: “Khu vực bếp ăn phải được thiết kế theo quy tắc một chiều từ nguyên liệu thực phẩm đầu vào cho đến thực phẩm chín. Có phòng phân chia thức ăn chín riêng biệt để phòng ngừa được sự lây nhiễm chéo với thực phẩm khác. Dụng cụ, máy móc chế biến thực phẩm phải được làm bằng thép không gỉ hoặc inox, nhôm, nhựa và phải phẳng, không có hoa văn để dễ vệ sinh. Chúng phải được rửa sạch, phơi hoặc lau khô ngay sau khi chế biến và trước khi sử dụng. Với thực phẩm, chỉ mua ở những nơi tin cậy, đạt tiêu chuẩn VSATTP; đảm bảo thực phẩm tươi tốt, bao bì nguyên vẹn, có nhãn hiệu đầy đủ, với rau củ quả – không bị dập nát, héo úa, có màu và mùi lạ…”.
Ngoài ra, với những người trực tiếp nấu ăn cho học sinh phải giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt như tắm rửa sạch sẽ, mặc bảo hộ lao động đầy đủ, đeo tạp dề, khẩu trang, mũ, găng tay. Không ăn uống, nhai kẹo cao su, không khạc nhổ, hút thuốc lá, không được để quần áo và tư trang trong khu vực chế biến thực phẩm…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)