Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: I.T |
Trước là cúng giỗ ông bà/ Sau là họp mặt cả nhà đông vui
Ngày cuối năm, dù bận đi đâu về đâu, dù giàu hay nghèo ai cũng làm mâm cơm đón tổ tiên, ông bà. Người Việt quan niệm đây là dịp tổ tiên, ông bà về sum họp cùng con cháu, gia đình:
Trước là cúng giỗ ông bà/ Sau là họp mặt cả nhà đông vui
Nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, nhìn những gương mặt người thân dồn nén hạnh phúc, trong giây phút thiêng liêng này lòng vỡ òa một cảm xúc của niềm vui thật khó tả. Xuống nhà dưới thấy các chị, các dì, các cô phụ vo gạo, làm gà, gói bánh, trẻ nít xúm xít chỉ trỏ nói cười. Có người con trai mới lớn thì kín đáo lén nhìn cô gái nhà bên qua phụ má làm bánh. Bánh nấu xong rồi, chàng nâng lên xét nét:
Đầu hôm em có kỵ ai
Cho nên hấp bánh ba tai rõ ràng/ Trong thời nhưn đỗ nằm ngang/ Em không gói lá để mỡ tràn hai bên
Từ lâu, bữa cơm gia đình tượng trưng cho sự họp mặt, là nơi chia sẻ yêu thương giữa ông bà, cha mẹ với con cháu. Sự yêu thương không chỉ qua lời nói ngọt ngào mà đôi khi chỉ một cái gật đầu:
Cá trê mà nấu canh bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Khen ngon không phải vì cao lương mỹ vị mà chỉ là những món quê mùa dân dã, nhưng ngon vì có người thân cạnh người thân:
Ở nhà cơm hẩm, muối rang/ Bữa ăn có thiếp có chàng vẫn vui
Bữa cơm dọn ra bây giờ chỉ là cái cớ để được ngồi bên nhau, được nhìn mặt nhau. Và khi trong ta rộn ràng niềm vui thì không ăn vẫn thấy no lòng:
Cơm trắng ăn với chả chim/ Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no
Có những lúc đi xa, ăn uống thất thường xui lòng ta nhớ mẹ. Nhớ nhất là những miếng cơm cá mẹ đã cẩn thận lấy hết xương. Chính miếng cơm mẹ bú mớm đầy yêu thương ngày xưa làm no lòng con đến tận giờ, vì trong từng miếng cơm còn nặng tình mẫu tử:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương
Chén cơm phải đâu chỉ là hạt gạo, mà là chén tình chén nghĩa nhắc về đạo làm con:
Cha mẹ sanh em thành tạo hóa/ Nhai cơm lừa cá/ Nhai cá lừa xương/ Ơn chưa đền, nghĩa chưa trả, biểu thương anh sao đành
Nay lớn khôn làm cánh chim tung bay khắp bốn phương trời, lòng thầm biết ơn người đã nuôi nấng ta. Và làm sao ngăn được lòng rưng rưng khi nhớ có những lần mẹ mỏi mòn đợi ta học về bên mâm cơm đã nguội:
Mặt trời lặn xuống bờ ao/ Có con cò mẹ bay vào bay ra/ Cò con đi học đường xa/ Thẩn thơ chỗ nọ la cà chỗ kia/ Tối rồi mà chẳng chịu về/ Cơm canh mẹ đợi còn gì là ngon
Như cây tùng cây bách kia rồi cũng có lúc héo rũ, mẹ cha giờ đến tuổi già. Có thể trong trường đời ta thua thiệt, chén cơm bữa có bữa không, nhưng dặn lòng không để thua thiệt này ảnh hưởng đến đấng sinh thành. Chẳng thà con ăn cháo ăn khoai để dành cơm nuôi cha nuôi mẹ:
Đói lòng ăn bát cháo môn/ Để cơm nuôi mẹ cho tròn phận con
Nhưng số phận phải đâu ta muốn là được, dây tình kia do ông Tơ bà Nguyệt se rồi. Ngày giã từ mẹ cha về nhà chồng, lòng quặn một niềm đau khi nghĩ đến bữa cơm từ nay vắng bóng mình:
Con cá đối nằm trong cối đá/ Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy đi lấy chồng xa/ Một mai cha yếu mẹ già/ Chén cơm ai xới, chén trà ai dâng
Nhưng bữa cơm không chỉ là chuyện tình nghĩa ông bà, cha mẹ, đạo làm con mà còn là nơi bắt đầu cho những chuyện tình gái trai lãng mạn. Thật vậy, có lúc ta phải bật cười khi nghe chàng trai mượn chuyện bữa cơm để tán tỉnh nàng:
Anh về thưa với tía em/ Má anh già yếu xin em về nấu cơm
Rỉ rả vậy mà một hôm mời được nàng đến nhà. Tất nhiên không thể thiếu bữa cơm dọn ra:
Ăn cơm có cá với canh/ Ăn vô mát bụng như anh gặp nàng
Bữa cơm giờ đây còn tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Khi cá đã cắn câu, hãy nghe nỗi niềm của nàng nói với chàng. Nàng ao ước được ăn cơm chung một nồi, ngồi chung một mâm… Ôi, những ao ước chân quê bình dị làm sao, như mối tình của nàng dành cho người yêu:
Ước gì cơm chung một nồi/ Canh chung một bát cùng ngồi một mâm
Tình yêu của nàng càng ấm nồng càng trở nên mãnh liệt làm sao, nhưng cũng nhờ đó mà kho tàng ca dao có thêm hai câu lục bát vào hàng trác tuyệt:
Ước gì chung chiếu chung chăn/ Chung đũa ta cầm, chung áo chung da
Và một ngày kia nàng lên xe hoa, bữa cơm ao ước lãng mạn ngày xưa giờ đã thành hiện thực. Nhưng còn hơn thế, bữa cơm còn thấm đẫm tình nghĩa vợ chồng:
Chàng ơi trời đã rạng đông/ Chàng dậy ra đồng, thiếp dậy nấu cơm
Hoặc:
Trời mưa cho lúa chín vàng/ Cho anh gặt lúa cho nàng đem cơm
Quanh mâm cơm còn thể hiện tấm lòng thơm thảo của người vợ thương chồng:
Đốt than nướng cá cho vàng/ Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi
Nhưng không phải mâm cơm lúc nào cũng có cá, có rượu. Có những lúc chỉ là nắm cơm muối mè. Thì đó là lúc thể hiện một tình yêu sắt son nhất:
Giàu thì thịt cá bẽ bàng/ Nghèo thì cơm mắm lại càng thấm lâu
Trong cuộc phong trần của kiếp người này cũng có lúc chàng và nàng phải chia xa vì miếng cơm manh áo. Đó là lẽ thường tình. Và khi chiều về, ở chốn trời xa lòng chàng ray rứt thương nhớ quê nhà. Giữa lòng chàng lúc này hiện lên bữa cơm nơi có người vợ đợi chờ:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè
Thương quá người vợ bé nhỏ trời quê. Phải chi có nàng bên ta đốt lại than xưa mà xua đi cái lạnh trong lòng. Chàng biết giờ này ngồi bên mâm cơm mà lòng dạ nàng để đâu:
Dọn cơm chống đũa mà nhìn/ Mãng sầu người nghĩa thất tình quên ăn
Bữa cơm bây giờ lại mang thêm ý nghĩa của lòng chung thủy:
Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm
Lòng thủy chung làm nên những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của cuộc sống lứa đôi:
Ăn cơm sao đặng mà mời/ Nước mắt lênh láng rã rời hạt cơm
Điều ấy thôi thúc ai ai cuối năm dù ở đâu, đi đâu cũng phải mau mau về quê cho kịp bữa cơm gia đình.
Từ Nguyên Thạch
Bình luận (0)