Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bữa cơm gia đình của người Đà Lạt

Tạp Chí Giáo Dục

Bữa cơm gia đình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thông qua bữa cơm gia đình (BCGĐ) (cái nôi của sự gắn kết, giáo dục, gìn giữ gia phong của người Việt Nam) có xu thế… nhạt dần! Tuy nhiên, không ít người dân Đà Lạt vẫn giữ được truyền thống BCGĐ, đây cũng là nét văn hóa riêng của họ…
Tôi đã có dịp chứng kiến nhiều gia đình ở TP.HCM, Hà Nội… ít khi có bữa cơm chung với nhau tại nhà (có khi cả trưa và tối). Qua tìm hiểu được biết, do phần đông cán bộ, công chức đều có nhà ở xa nơi làm việc, trong khi đi lại nắng, mưa khắc nghiệt cùng tình trạng “kẹt xe” diễn ra như cơm bữa… Vì vậy, sau giờ làm việc, họ vào các quán cơm văn phòng ăn tạm là “phương án tối ưu” nhất. Ngược lại, ở một số đô thị nhỏ (như Đà Lạt) thì hầu như các loại hình “cơm văn phòng”, “cơm bụi”… duy nhất dành cho sinh viên thường ế ẩm!
“Giữ lửa” cho cuộc sống gia đình
Làm một chuyến “thực tế” ở một số “gia đình truyền thống” tại Đà Lạt và vùng ven thành phố, tôi thấy rất mừng. Hầu hết các gia đình (dù là cán bộ, công chức đang đương chức hay đã nghỉ hưu; khu vực đô thị hay khu vực nông thôn) đều duy trì thường xuyên các BCGĐ và xem đây như là “quy ước” bất thành văn! Cũng thông qua BCGĐ, chiếc nôi của gia đình càng trở nên bền chặt, gắn bó giữa ông bà, cha mẹ với con cháu. Ngoài “giữ lửa” cho cuộc sống gia đình hiện đại ngày nay, BCGĐ còn tác động tích cực đến xã hội như: phát huy vai trò người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vai trò người “xây tổ ấm”, người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình; trong việc giáo dục và chăm sóc con cái… Trao đổi xung quanh ý nghĩa của việc duy trì bữa cơm trong gia đình, nhiều phụ nữ Đà Lạt đã cho biết: “BCGĐ trước nay trở thành cái nếp; tất cả mọi người trong nhà bất cứ làm gì, đi đâu cũng đều về đúng BCGĐ, ngoại trừ có việc đột xuất nhưng phải thông báo”… Cũng nói về ý nghĩa của “chiếc nôi gia đình” trong việc giáo dục, chăm sóc con cái, bà Vũ Thị Minh Tân (66 tuổi, phường 2 – Đà Lạt) cho biết: “Gia đình tôi hiện có 4 thế hệ sống chung gần mấy chục năm qua, con cái, dâu, rể, cháu, chắt đều quây quần bên mâm cơm gia đình mỗi ngày và thương yêu, chăm sóc nhau đã là truyền thống…”.
Đừng xem nhẹ!
Đà Lạt là vùng đất xinh đẹp, hiền hòa và nơi hội tụ dân cư từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đây sinh sống. Nhưng điều đáng quý, nét văn hóa rất riêng của con người Đà Lạt được gìn giữ hơn 100 năm qua (dù có thể đến từ bất cứ tỉnh, thành phố nào) nhưng khi đã trở thành công dân Đà Lạt thì đều là những con người hiền hòa – thanh lịch – mến khách! Có lẽ, từ nét văn hóa cơ bản này đã chi phối toàn bộ đời sống, sinh hoạt, phong cách… của con người Đà Lạt. Một trong những yếu tố rất quan trọng đó là văn hóa gia đình, truyền thống gia đình. Thông qua BCGĐ, ông bà, cha mẹ có điều kiện quản lý, giáo dục, chăm sóc con cháu và cũng thông qua đó, con cháu thể hiện sự kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi.
Có thể nói, trong cuộc sống hiện đại ngày nay môi trường gia đình, truyền thống gia đình ngày càng trở nên phai nhạt dần (một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu nhi thiếu sự quản lý, giáo dục vi phạm các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng tạo sức ép lớn cho xã hội) thì việc phát huy nhân tố gia đình, xây dựng gia đình văn hóa là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội phải quan tâm. Trong đó, BCGĐ đừng xem nhẹ, đừng thả trôi theo cuộc sống thị trường, theo yêu cầu khách quan hay những lợi ích trước mắt đơn thuần. Đã đến lúc phải quan tâm thiết thực đến gia đình, tế bào nhỏ nhất của xã hội bằng những việc làm nhỏ nhất và thường nhật – bữa cơm trong các gia đình Việt Nam…
Bài, ảnh: Dương Thanh Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)