Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bữa cơm rừng ấm tình đồng đội

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trời Hồ Khê tháng 7 trong xanh, mâm cơm giữa rừng có nhiều đồng đội quây quần, những thanh ngữ của nhiều miền quê cùng họp mặt. Những người lính năm xưa vào sinh ra tử trên mặt trận B5 (Quảng Trị) trở về ngồi bên đồng đội, cùng ôn lại kỷ niệm một thời không thể nào quên.


Những người cựu chiến binh trở lại Hồ Khê cùng đồng đội trong ngày giỗ chung 27-7

Về bên đồng đội

Chuyến xe đưa các cựu chiến binh Trung đoàn 27 Triệu Hải vượt chặng đường hơn 20km, từ thành phố Đông Hà đến núi rừng Hồ Khê thuộc xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) một ngày tháng 7. Những người lính tóc ngã màu tiêu muối lặng đi khi đứng trước nhà bia tưởng niệm 13 chiến sĩ Trung đoàn đã hi sinh trong trận đánh quyết liệt để bảo vệ quê hương 54 năm về trước.

Giữa bốn bề núi rừng xanh ngắt, mâm cơm được dọn ra mời đồng đội về dùng chung. CCB Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nguyên Huyện đội phó Cam Lộ năm 1969, một trong những người trực tiếp chỉ huy đánh trận Hồ Khê đã thay mặt các đồng đội ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng. Căn cứ Hồ Khê cùng với Đá Bạc, cao điểm 160 (xã Cam Tuyền) là những mắt xích quan trọng của chiến trường Bắc Đường 9. Núi Hồ Khê có bình độ 84 mét, nằm phía Tây tỉnh lộ 76 (nay là đường Hồ Chí Minh), nối chi khu Cam Lộ, Đường 9 với căn cứ Cồn Tiên. Nơi đây là địa hình thực nghiệm chiến thuật “Trâu rừng” của Sư đoàn bộ binh cơ giới Mỹ. “Rạng sáng 28-2- 1969, địch tấn công Hồ Khê. Lực lượng bộ đội địa phương Cam Lộ phối hợp với Trung đoàn 27 Triệu Hải đánh trả quyết liệt. Địch đổ bộ với quân số hơn 700 tên cùng máy bay B52, pháo và xe tăng yểm trợ. Không tương quan về lực lượng, 13 chiến sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải đã anh dũng bám trụ chiến đấu. Trận Hồ Khê, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, bắn cháy 1 xe tăng. Những người lính Trung đoàn 27 anh dũng đã nằm lại với Hồ Khê”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Minh Kỳ nhớ lại.

CCB Lê Bá Dương – Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 27 miền Trung – Nam bộ – người lặng lẽ khởi xướng cho chương trình “Ấm rừng đồng đội” suốt mấy chục năm qua bộc bạch: “Bữa cơm mời đồng đội nhân ngày giỗ chung 27-7 hôm nay không chỉ riêng mời 13 người lính Trung đoàn 27 mà anh em chúng tôi về đây cùng ngồi lại với đồng đội trên mặt trận B5 (Gio Cam) – những đồng đội chung chiến hào bảo vệ quê hương. Anh em chúng tôi về từ nhiều miền quê, bữa cơm rừng với những ngữ thanh quê xứ để các anh cảm thấy ấm áp hơn qua giọng nói thân quen, gẫn gũi của người thân”.

Trải thảm văn hóa giáo dục truyền thống

Hòa bình, 13 người lính Trung đoàn 27 nằm lại với núi rừng Hồ Khê. Người thân, đồng đội và các cấp chính quyền đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm. Năm 2004, người dân đi rà phế liệu chiến tranh đã phát hiện. Di hài của các anh đã được an táng chung một nấm mồ và tưởng niệm ở Nhà bia được xây dựng ngay trên đỉnh Hồ Khê. Mỗi năm, đến dịp 27-7, thân nhân các gia đình liệt sĩ, các đồng đội đều tìm về, ngồi cùng các anh trong những bữa cơm rừng ấm cúng.


Những người lính năm xưa bên vạt sim được trồng xung quanh Nhà bia tưởng niệm Hồ Khê với mong muốn trải thảm văn hóa để giáo dục truyền thống lịch sử

Xung quanh nhà bia, những vạt sim do chính các cựu chiến binh trồng đã đơm hoa, kết trái. CCB Lê Bá Dương nói, mỗi miền quê đều có những nét văn hóa đặc trưng, như nhắc đến Tây Nguyên, nhiều người nhớ đến hoa dã quỳ, hay loài cúc họa mi gợi nhớ đến văn hiến Thủ đô. Miền Trung nắng gió, nhất là mảnh đất Quảng Trị, cây sim có bạt ngàn trên đồi núi. Năm xưa, trong giây phút nghỉ ngơi giữa trận đánh, những người lính thường ngắm vẻ đẹp của sim mua, thậm chí loài hoa này còn được nhắc qua những trang thư gửi về quê nhà. Từ đó, ý tưởng trồng vườn sim ở đây được thực hiện.

Lặng lẽ hái những trái sim chín mọng để dâng lên đồng đội, cựu chiến binh Lê Bá Dương bảo: “Chúng tôi dự định sẽ xin mở rộng vườn hoa sim, dựng một phiến đá tự nhiên và xin phép gia đình nhà thư Hữu Loan khắc lên những dòng thơ trong bài Màu tím hoa sim ở đây. Đến một ngày khi con đường dân sinh từ đường Hồ Chí Minh đến Hồ Khê dài hơn 5km được đầu tư tốt hơn, Nhà bia tưởng niệm Hồ Khê sẽ trở thành điểm đến check in của các bạn trẻ. Mình trải thảm văn hóa ra, người trẻ bước trên thảm văn hóa đó đến đây, sẽ thấy, hiểu và nhớ được tại sao có nơi này. Chúng ta không thể nói mãi về sự đổ máu mà sẽ cho các thế hệ đi sau nhìn thấy kết quả của sự hi sinh ngày hôm qua nay đã đơm hoa, kết trái. Khi đó Hồ Khê sẽ được nhớ đến. Đó là cách tốt nhất để giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục lòng yêu nước đến với thế hệ trẻ”.

Trước sân Nhà bia tưởng niệm, mặc cái nắng càng về trưa càng gay gắt, họ cùng kể cho nhau nghe, cùng đọc thơ và cất lên tiếng hát. Trong nghi ngút khói hương, mâm cơm ăn cùng đồng đội của những người cựu chiến binh năm xưa có thêm dĩa trái sim chín chuyền tay nhau. Giọng cựu chiến binh Trần Kiệm rưng rưng xúc động: “Anh ngã xuống cho cây ngàn xanh mãi/Hỡi những linh hồn nằm lại giữa Trường Sơn/Mỗi lá cành là một giọt máu các anh/Xin được dâng nén hương thêm ấm rừng đồng đội”.

Phan Vĩnh Yên

Những người cựu chiến binh trở lại Hồ Khê cùng đồng đội trong ngày giỗ chung 27-7

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)