Trong nhiều hành trình biển đảo, những bữa ăn được thưởng thức giữa bốn bề mênh mang biển cả luôn mang lại nhiều cảm giác. Và bạn đã bao giờ trải nghiệm trên một chòi canh ngao vùng duyên hải?
Thuyền đưa khách khám phá khu nuôi ngao vùng duyên hải Nam Định – Ảnh: Thủy Trần |
Hà Nội mưa gió bão bùng, chúng tôi vẫn quyết định đi về phía biển nhằm hướng Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định thẳng tiến.
Do thời tiết khá gió và lạnh nên mọi người phải hủy kế hoạch đi thuyền máy tới cồn Lu, cồn Ngạn tắm biển. Chuyến du ngoạn nhằm vào một mục đích chính, đi ăn! Ăn để nhớ những chòi ngao.
1. Từ bến thuyền Giao Lạc, cả nhóm lên thuyền máy bắt đầu hành trình ngao du qua vùng ngập mặn thuộc vườn quốc gia Xuân Thủy khi trời bắt đầu nhập nhoạng tối.
Không phải mùa chim di cư nên cơ hội để quan sát thế giới động vật tại nơi này không nhiều, chỉ là một hình dung tổng quát nhất cho kế hoạch khám phá khu rừng ngập mặn đầu tiên của Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar trong tương lai không xa của chúng tôi mà thôi.
Chiếc thuyền máy nổ phành phạch trên đoạn sông đổ ra biển, hai bên là mảng rừng sú vẹt xanh mượt như tấm thảm nhung kiên gan bám trụ vào đất.
Người lái đò kể từng có hai chú bé đi vào sâu trong các lạch nhỏ rậm rịt để bắt chim, cá và bị lạc, chính quyền làng xóm đã phải huy động rất nhiều người tìm suốt cả buổi chiều mới ra. Chính vì thế, phía sau màu xanh tuyệt đẹp kia, có rất nhiều bí ẩn mà con người không dễ gì giải mã.
Đã ra đến ngoài biển. Trời chiều ầng ậc nước, những đám mây nặng nề, u tối lúc nào cũng chực như ụp xuống. Những chòi ngao chống chân trên biển đơn độc, nằm rải rác trên mặt biển mênh mang còn sậm màu phù sa.
Nước lên khá cao vì thế chúng tôi không có cơ hội được tự tay lặn ngụp và bắt ngao cho bữa tối – một trong những hoạt động được khách du lịch nước ngoài đến nơi này vô cùng yêu thích. Đó là cơ hội thú vị để trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên, hòa mình vào cuộc sống của ngư dân.
Bức tranh đồng bằng duyên hải ven biển Nam Định hiện lên trước mắt im lìm và lặng lẽ.
Một góc rừng ngập mặn Ramsar đầu tiên của Việt Nam – Ảnh: Thủy Trần |
Một trong vô số chòi ngao trên biển – Ảnh: Thủy Trần |
2. Mặt biển được phân lô và ngăn ra thành nhiều "khu vườn", rào chắn bằng cọc tiêu và lưới làm thành những khu nuôi ngao riêng lẻ. Cũng có đường thủy riêng cho tàu bè đi lại, dù nhìn bằng mắt thường như chúng tôi hẳn sẽ không biết đường đi lối lại cụ thể thế nào.
Các ngư dân thì khác, dù là trong đêm tối họ vẫn luôn xác định được phương hướng và luồng nước để khéo léo điều khiển con thuyền của mình đi tới đích.
Hầu hết chòi canh ngao trên biển đều tối đèn, có lẽ vì vẫn đang trong chiều nhưng có lẽ phần lớn ngư dân canh ngao đang “ẩn mình” đâu đó, một vài con thuyền nhỏ buộc hững hờ vào cột, một vài thuyền khác thong thả đi trên mặt nước.
Chòi ngao mà chúng tôi đến nằm khá xa bờ, phía ngoài trạm kiểm soát biên phòng. Căn nhà sàn trên mặt nước duy nhất tôi thấy được làm kiên cố bằng bêtông, khác hẳn với các chòi ngao lênh đênh khắp nơi được làm nên chủ yếu từ tre, nứa và cọc gỗ.
Để lên được chòi ngao phải leo lên một chiếc thang khá dốc, thoạt nhìn hơi sợ vì cảm giác bé nhỏ giữa mênh mang, cộng thêm gió lớn thổi phần phật gây hiệu ứng lo lắng cho mấy cô gái. Tuy nhiên, ba người đàn ông địa phương đã nhanh chóng trấn an và đưa chúng tôi lên chòi an toàn.
Căn chòi khá nhỏ, có một gian được che kín, bên trong có bếp riêng và khu ở chính, bên ngoài có hành lang hai mặt tiền, có bancông nhìn ra biển bao la và mơ hồ.
Trong lúc mọi người còn mơ màng ngắm chiều trên biển thì ba người đàn ông đã lúi húi chuẩn bị đồ ăn trong bếp.
Neo thuyền để chuẩn bị lên chòi – Ảnh: Thủy Trần |
3. Bữa tối gồm các món ăn được mang về từ biển: ngao hấp sả, tôm sú hấp sả và cá vược hấp xì dầu.
Nhìn ba người đàn ông trông không có tí dáng vẻ bếp núc nào, chân chất và giản dị, nhưng có lẽ đã rất quen thuộc trong việc tổ chức bữa ăn trên chòi ngao, nên loáng cái vừa nghe tiếng bếp ga xì xì, tiếng nước reo lục bục, tiếng bát đũa lanh canh, mâm cơm đã được dọn lên sẵn sàng.
Ngao tươi rói và béo mũm vừa đánh lên lúc chiều, tôm sú to dài bằng cả bàn tay đỏ au chắc nình nịch, cá hấp xì dầu với dứa, hành tây, thì là thơm phức, đánh thức đám dịch vị trong dạ dày khiến nhiều người trong chúng tôi nuốt nước bọt đánh ực.
Chúng tôi định ăn ngoài bancông chòi nhưng do đêm xuống gió khá lớn và lạnh nên quyết định chuyển mâm cơm vào bên trong căn nhà ấm áp.
Cửa chỉ hé ra là gió lạnh ùa vào, như thể chúng ẩn nấp ngay bên ngoài bức tường cót ép được cài chắn bằng mảnh dứa hay bao nilông, chờ cánh liếp hé ra là lao vào ngay trong nhà như đứa trẻ nghịch ngợm.
Ánh điện vàng vọt lờ mờ và đám đèn pin mang theo bắt đầu phát huy tác dụng bằng cách treo lủng lẳng quanh vách và trên trần nhà rọi vào mâm cơm lấy sáng.
Tôm sú to dài bằng cả bàn tay – Ảnh: Đức Hùng |
Cá vược hấp xì dầu – Ảnh: Đức Hùng |
4. Đó là bữa tối trên biển tuyệt vời, ngon vì hải sản tươi rói và ngọt lừ, ngon vì cảm giác được xì xụp xuýt xoa trong căn nhà chòi ấm áp mà bên ngoài kia là biển khơi u tối. Cảm giác thật lạ lùng. Đôi khi chúng ta đến và đi, điều gì còn ở lại?
Chính là cái không gian và những chia sẻ với dân địa phương, với bạn đồng hành, vốn dĩ không rõ nét hay có thể gọi đích danh tên tuổi hoặc mô tả định nghĩa.
Đôi khi đó chính là chén trà nóng trong ánh đèn pin sáng trắng soi chéo từ vách liếp xuống sàn, là cái nắm tay ấm áp và an toàn của người lái đò trên bến thuyền Giao Lạc, là cảm xúc mơ hồ cuộn lên trong tim khi nhớ về bữa ăn tối trên chòi ngao ta đã từng được ăn…
Uống trà và trò chuyện sau bữa tối trên chòi ngao – Ảnh: Đức Hùng |
Theo Thủy Trần/ TTO
Bình luận (0)