Một bức ảnh được chụp trong cuộc biểu tình năm 1976 của các học sinh tại Soweto, Johannesburg (Nam Phi) không chỉ khiến số phận của 3 con người thay đổi mà còn bóc trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid với cả thế giới.
Năm 1976, chính phủ Nam Phi ra quyết định tất cả học sinh da màu tại nước này chỉ được dạy bằng tiếng Afrikaans và tiếng Anh. Đối với cô bé 15 tuổi Antoinette Sithole, đó là thông tin gây choáng váng bởi Afrikaans là thứ tiếng có nguồn gốc từ thực dân Hà Lan tại Nam Phi.
Do vậy, Sithole và 20.000 học sinh khác tại các trường trung học ở Soweto đã bí mật lên kế hoạch biểu tình. Các em viết biểu ngữ, tập các bài hát về tự do. Về nhà, Sithole háo hức là phẳng phiu bộ đồng phục, nhét các áp phích vào cặp. Còn cậu em trai 13 tuổi Hector Pieterson nhìn chị gái với vẻ ghen tị bởi các học sinh nhỏ tuổi hơn không được tham gia. Vào sáng sớm lạnh lẽo và u ám ngày 16/6/1976, Sithole đến địa điểm hẹn trước để tham gia cuộc biểu tình.
Mặc dù được lên kế hoạch bí mật nhưng thông tin về sự kiện này vẫn bị rò rỉ tới báo giới. Sam Nzima, phóng viên ảnh 42 tuổi của tờ The World được cử đến địa điểm để đưa tin. Nzima được nhận vào The World tại Johannesburg vào năm 1968 do đây là tờ báo của người da màu, viết bởi người da màu và phát hành cho người da màu. Các phóng viên của The World chỉ được phỏng vấn người da màu và bị cấm đưa tin về người da trắng.
Bức ảnh nổi tiếng về vụ việc tại Soweto. |
Nzima đến Soweto từ khoảng 6 giờ sáng, khi đó các học sinh đã chuẩn bị sẵn sàng. Ngay từ đầu, Nzima linh tính về điều không hay sẽ xảy ra. Hầu hết các học sinh còn quá non nớt. Nzima từng chứng kiến nhiều lần cảnh sát của chế độ Apartheid ra tay và anh biết rằng các học sinh sẽ bị bắt hoặc sát hại bởi khi đó chưa có súng bắn đạn cao su mà cảnh sát chỉ dùng đạn thật.
Vài giờ sau, hàng nghìn học sinh tràn đến Soweto. Đột nhiên, có tiếng nổ và khí ga ngập ngụa đường phố. Cảnh sát ùa ra các nẻo đường, ập vào nhà người dân. Đôi mắt của Sithole bỏng rát. Từ nơi ẩn náu, cô nhìn thấy cậu em trai Hector ở bên kia đường. Sithole vẫy tay, hét lên yêu cầu cậu bé đứng yên tại chỗ.
Nzima khi đó đứng ở khu vực giữa hai phe và quan sát thấy những nhân viên an ninh da trắng đã nổ súng vào đám đông học sinh. Rồi Nzima thấy một cậu bé ngã xuống trong làn đạn.
Về phần Sithole, cô đã lạc mất em trai. Bỗng Sithole nhìn thấy một thanh niên chạy qua, trên tay anh ta là cậu bé bị trúng đạn đã ngất lịm. Sithole nhận ra đôi giày quen thuộc của cậu em trai bé nhỏ. Cảm thấy bất an, Sithole tuyệt vọng đuổi theo người thanh niên lạ mặt và nhận thấy trên mặt em trai Hector có vết máu. Một chiếc xe ô tô dừng lại giúp đưa Hector đến trạm xá gần nhất nhưng mọi việc đã quá muộn, cậu bé đã trút hơi thở cuối cùng.
Hai năm sau Sithole mới biết tên chàng trai đã cố gắng cứu giúp Hector, đó là Mbuyisa Makhubo (18 tuổi). Mbuyisa đã tốt nghiệp và không tham gia cuộc biểu tình nhưng anh cũng biết về sự kiện này qua bạn bè. Vụ nổ súng xảy ra khi Mbuyisa đang ở nhà và anh liền lao ra ngoài để giúp đỡ.
Từ thời điểm cảnh sát da trắng nổ súng cho tới khi Hector được đưa lên xe, Nzima đã chụp được 6 bức ảnh. Nzima biết cảnh sát đã chú ý do vậy phóng viên ảnh này nhanh trí giấu cuộn phim vào tất rồi thay thế một cuộn phim mới vào máy ảnh. Đúng như Nzima linh tính, cảnh sát đã bắt anh phải mở máy ảnh, trình mọi cuộn phim rồi phá hủy chúng.
Khi phim được rửa thành ảnh, đã có tranh cãi xảy ra trong ban biên tập của The World về việc có nên đăng bức ảnh hay không. Trong bức ảnh là Mbuyisa với gương mặt xót xa, trên tay bế cậu bé Hector đang đẫm máu, bên cạnh họ là Sithole đầy đau khổ.
Nzima nhớ lại rằng một biên tập viên lo lắng nói: “Nếu chúng ta dùng bức ảnh này, nội chiến có thể bùng phát tại Nam Phi”. Nhưng những người khác lại khẳng định không có từ ngữ nào chân thực hơn bức ảnh này để miêu tả về tình hình ở Soweto. Trẻ em đã bị cảnh sát chế độ Apartheid sát hại. Cuối cùng ban biên tập The World quyết định đăng bức ảnh. Đã có khoảng 170 người thiệt mạng trong vụ cảnh sát nổ súng vào học sinh tại Soweto.
Không lâu sau, bức ảnh của Nzima đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo từ New York tới Moskva. Thế giới nhận ra bộ mặt thật của chế độ Apartheid. Chính phủ Mỹ liền chỉ trích vụ nổ súng vào học sinh ở Soweto trong khi các nhà hoạt động trên khắp thế giới kêu gọi trừng phạt kinh tế, phản đối chế độ Apartheid ở Nam Phi. Vụ biểu tình ở Soweto đã gieo hạt giống dân chủ tại Nam Phi bởi sau đó những cuộc trấn áp của người da trắng cầm quyền với phong trào biểu tình của người da màu đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Năm 1994, chế độ Apartheid sụp đổ, cuộc tổng tuyển cử đa chủng tộc của Nam Phi đã chọn ra chính trị gia kiệt xuất Nelson Mandela làm tổng thống da màu đầu tiên của nước này.
Sau này Sithole hồi tưởng lại: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là cột mốc thay đổi. Cuộc biểu tình có mục đích phản đối việc dùng tiếng Afrikaans trong trường học nhưng nó đã khiến nhiều nước khác phải ‘nhíu mày’ bởi làm thế nào mà một đứa trẻ lại bị giết vì đòi quyền lợi của mình?”.
Sau khi bức ảnh gây “bão’ trong cộng đồng quốc tế, số phận của Nzima, Sithole và Makhubo có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Nzima bị cảnh sát gây khó dễ, họ còn ra mệnh lệnh: “Bất cứ lúc nào phát hiện Nzima chụp ảnh hãy bắn anh ta, giết anh ta”. Nzima ngay lập tức nghỉ việc và phải chạy trốn về quê nhà ở Lillydale. Anh không bao giờ chụp ảnh nữa. Chính phủ của chế độ Apartheid 2 năm sau đó ra lệnh đóng cửa tờ báo The World và khám xét tòa soạn này.
Còn Mbuyisa thì rối bời và buồn bã về cái chết của cậu bé Hector. Sau này, cảnh sát còn buộc tội Mbuyisa sắp đặt cho bức ảnh để “bôi nhọ” chính phủ. Mbuyisa chìm sâu vào trầm cảm rồi bỏ nhà ra đi. Lần cuối cùng gia đình Mbuyisa nghe về anh là vào năm 1978 khi anh gửi một bức thư từ Nigeria cho biết đang lên kế hoạch đi bộ tới Jamaica.
Hàng năm, Nzima vẫn gặp gỡ với những học sinh Nam Phi để kể lại cho các em về vụ việc ở Soweto. Còn Sithole giúp đỡ thành lập và vận hành bảo tàng Hector Pieterson. Đến nay, cả Nzima và Sithole đều cảm thấy day dứt về sự biến mất của Mbuyisa.
Hà Linh/ Tin tức
Bình luận (0)