Tình huống: Giờ tan học chiều, phụ huynh đến đón con em rất đông. Tôi (hiệu trưởng nhà trường) đứng quan sát tình hình ra về của học sinh thì thấy một phụ huynh vẻ mặt bực bội đang xì xầm với những phụ huynh khác. Tôi tìm hiểu và nắm được thông tin là phụ huynh này không đồng ý với giáo viên chủ nhiệm về chuyện xếp chỗ ngồi của con mình.
Một tiết học giáo viên chia học sinh thành từng nhóm để thảo luận. Vì vậy học sinh được di chuyển liên tục (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Cách giải quyết: Sau khi nắm được thông tin, tôi nhanh chóng bước lại chào phụ huynh đó, rồi vui vẻ mời anh vào văn phòng. Tôi mời anh uống nước, hỏi thăm vài câu để xoa dịu và nắm thêm thông tin: Con anh học lớp nào? (để biết được thầy cô chủ nhiệm là ai). Sau đó tôi mới hỏi anh có chuyện gì ở lớp cháu đang học thì anh trình bày là: Con tôi bị giáo viên chủ nhiệm đổi chỗ xuống bàn cuối, tôi có xin cô giáo nhưng mà cô chưa đổi lên bàn trên. Tôi hỏi: “Thế vì sao anh muốn cháu được chuyển lên bàn trên?”. Anh phụ huynh đáp: “Mắt con tôi không bị cận nhưng cháu thấp hơn các bạn trong lớp, ngồi ở dưới không thấy bảng”. Tôi gật đầu và nói: “Anh lo lắng cho con mình không thấy chữ trên bảng thì sẽ làm bài bị sai sót, đó là sự lo lắng đúng của các bậc làm cha mẹ vì bao giờ cũng muốn con mình có điều kiện học tập tốt nhất. Vậy trong khoảng một tháng được học tập với cô, anh có nghe nói cô giáo thường cho các cháu chia nhóm, di chuyển đổi chỗ không?”.
Trong xu hướng xã hội hóa giáo dục thì việc nhà trường kết hợp cùng gia đình và xã hội để thực hiện công tác giáo dục là rất quan trọng. Nếu phụ huynh hợp tác tốt với nhà trường thì việc thực hiện các hoạt động của nhà trường sẽ thuận lợi và thành công. |
Anh phụ huynh cho biết cũng thường nghe con kể thảo luận nhóm rất thích thú. Tôi nói với phụ huynh là cô giáo đã thực hiện đúng phương pháp đổi mới trong giáo dục. Các em học sinh trong lớp thường xuyên chia nhóm bằng cách đang ở vị trí hiện tại để di chuyển sang vị trí khác tạo thành các nhóm thảo luận, tìm hiểu vấn đề. Với hình thức học tập như thế thì các em sẽ năng động, sáng tạo làm việc theo yêu cầu của nhóm nên ít nhìn bảng chép bài. Lớp học với 30 học sinh, phòng học cũng vừa nên khả năng nhìn thấy bảng của các em là phù hợp. Vì thế với hình thức học tập và không gian lớp học thì phụ huynh cũng an tâm về việc học tập của con mình.
Nghe tôi phân tích, anh phụ huynh tỏ vẻ hài lòng. Tôi nói thêm, trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy thì cô giáo phải luôn quan tâm đến tất cả học sinh để giúp các em học tốt. Thường những em khả năng tiếp thu bài chưa tốt hoặc hay lo ra nói chuyện chưa tập trung nghe giảng thì cô giáo sắp xếp các em ngồi ở trên để tiện việc quan tâm giúp đỡ. Việc sắp xếp chỗ ngồi còn phải tuân thủ theo y tế học đường để phòng chống các bệnh về mắt cho trẻ em. Học sinh đổi chỗ ngồi theo các vị trí xa – gần, trái – phải để giúp mắt hoạt động tốt. Vì vậy phụ huynh cứ yên tâm theo dõi việc học tập của con mình. Sau này, phụ huynh có việc gì thì gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm trao đổi để hiểu được vấn đề, cùng nhau tìm hướng giải quyết nhằm tránh sự hiểu lầm, gây xôn xao dư luận mất uy tín cô giáo và tập thể nhà trường. Sau đó, phụ huynh xin lỗi nhà trường và vui vẻ ra về. Tôi cũng liên lạc và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về sự việc phụ huynh phản ánh, cô giáo cũng nhận thấy một phần lỗi do cô chưa giải thích thỏa đáng cho phụ huynh.
Sáng hôm sau, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh đã gặp nhau trao đổi vui vẻ, phụ huynh hiểu được cách giảng dạy của cô giáo. Còn cô giáo thì hiểu được sự nóng lòng của phụ huynh đối với con mình.
Trương Minh Sơn – Đức Nhuận
Bình luận (0)