Nắng mùa thu như đượm thêm sắc vàng, rực rỡ góc sân trường những buổi sớm mai, chiếu rọi trên từng gương mặt rạng rỡ của những cô cậu học trò đang tươi vui cắp sách đến trường. Có lẽ một lúc nào đó trong cuộc đời bộn bề lo toan, chúng ta dừng lại đôi chút để nhắc nhớ với nhau về một thời áo trắng tinh khôi, rất hồn nhiên và đầy kỷ niệm…
“Đặc sản” của Trường THPT Nguyễn Du là đem âm nhạc cổ truyền vào nhà trường
Trong trang ký ức đó, trường học là ngôi nhà thứ hai, bạn bè là anh em trong một đại gia đình. Điều đó lại càng thân thuộc, gần gũi hơn với những thầy cô đã và đang gắn bó với nghiệp trồng người. Bởi lẽ ngôi trường thân yêu như níu chân người giáo viên bằng tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Mỗi ngày bước lên bục giảng, thầy cô lại thấy mình như bước lên “sân khấu” nhỏ, để gặp gỡ “khán giả” của mình, cũng là nhân vật trung tâm của cả vở diễn. Khi nhắc về nghề dạy học, nhiều người vẫn nghĩ giáo viên quanh năm chỉ giảng mãi một bài theo những khuôn mòn sáo rỗng. Nhưng không phải thế, mỗi giáo viên đều ý thức trách nhiệm của mình, luôn tự học, tự làm mới mình trước học trò. “Sân khấu” bục giảng sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu những tràng vỗ tay tán thưởng, thiếu đi những nụ cười. Thầy cô không giành đất diễn cho riêng mình, mà coi đó là sàn tập của cả thầy và trò, để tài năng của học sinh được hun đúc, được rèn giũa qua mỗi vai diễn, để ánh đèn sân khấu lung linh qua từng chương, từng bài dưới bàn tay dìu dắt của “đạo diễn” tài danh.
Xã hội phát triển thì nhu cầu bồi bổ tinh thần và thưởng thức nghệ thuật, văn hóa cũng ngày càng cao. Làm gì để mỗi ngày học sinh đến trường không còn chỉ để “gạo bài” mà trở thành một niềm vui, thì cần lắm những người chăm bón lành nghề biết nhìn ra đặc tính tốt của từng cá thể, để phát huy sở trường, phát triển năng khiếu, dựa trên đặc điểm riêng của mỗi cá nhân. Người thầy giỏi không chỉ là thợ dạy, mà còn phải là nhà giáo dục, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trò, để ươm mầm tri thức, gieo hạt yêu thương vào những “mảnh vườn tâm hồn”, giúp trò huấn tập được nhiều hạt giống thiện lành của tri thức và nhân đạo. “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”. Câu hát mộc mạc, đơn sơ mà thấm đậm tình nghĩa sư đồ. Người thầy cần sẵn lòng dừng bài giảng để trò chuyện và kể cho học sinh nghe những mẩu chuyện cuộc sống. Qua đó thầy và trò xích lại gần hơn, giúp người thầy hiểu hơn những khó khăn mà trò đang gặp phải. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ của giáo viên cũng có thể giúp học sinh vượt qua những khó khăn nhất định trong học tập, mở ra một cơ hội thứ hai cho các em có thể làm tốt hơn ở những lần sau. Người thầy chinh phục học sinh bằng trình độ học thức, bằng sự gương mẫu, sự tận tụy, để nơi đó học sinh không cảm thấy tự ti vì thầy quá hoàn hảo, nhưng là nơi học sinh đặt niềm tin sau những lần va vấp. Không có môn học nào là quá khô khan hay khó hiểu, mà chỉ là môn học đó không phải là sự chọn lựa ưu tiên. Bao lâu giáo viên còn “độc quyền” kiến thức, còn áp đặt định kiến chủ quan lên học sinh, cho rằng trò học dở, kiến thức nông cạn, tư duy hạn chế… thì học sinh vẫn còn giữ vai diễn “thằng gù” Quasimodo mãi câm lặng đầy thống khổ, trong nỗi khát vọng yêu và được yêu, chấp nhận đánh đổi để được sống thật với bản thân. Không có một phương pháp giáo dục vạn năng, do vậy người thầy không nên cho mình cái quyền ban phát kiến thức, hay quyền phán xét học sinh. Dạy học đâu chỉ đóng nút chai sau mỗi bài học, hay đóng dấu mộc kiểm định sau mỗi bài kiểm tra. Dạy học cần đánh giá kết quả nên dựa trên quá trình học tập. Nhờ kết quả đánh giá giúp học sinh điều tiết kế hoạch học tập, điều chỉnh bản thân sao cho việc học hiệu quả nhất. Học sinh có yêu thích môn học trước tiên vì trò mến thầy cô. Chỉ cần sau mỗi bài giảng, học sinh cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, và hứng thú hơn trong việc học, điều đó cũng đã đem lại sự thăng hoa cho giáo viên, để gắn bó với nghề dạy lâu hơn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du tham gia một hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường
Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như kỳ vọng sự khởi sắc từ những ngôi trường dám nghĩ, dám làm, sẽ đem đến một làn gió mới trong việc thực hiện cải cách giáo dục hiện nay. |
Chính vì thế, việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục ý thức cộng đồng thông qua các hoạt động phong trào văn – thể – mỹ, qua các buổi tham quan học tập ngoại khóa là một điều rất cần thiết và quan trọng cho học sinh hiện nay. Sau hơn 48 năm thành lập, Trường THPT Nguyễn Du, ngôi trường mang tên Đại thi hào dân tộc khoác lên mình một diện mạo mới. “Đặc sản” của nhà trường là việc đem âm nhạc cổ truyền vào nhà trường, thay thế các buổi tổng kết thi đua đầu tuần bằng các buổi nói chuyện chuyên đề giáo dục nhân văn, để các em hiểu hơn về giá trị cuộc sống, và ý thức trách nhiệm của mình với xã hội. Không thể không nhắc tới chương trình trải nghiệm sáng tạo “Một ngày làm giáo viên” có một không hai trên cả nước, được nhà trường tổ chức trong hai năm gần đây. Nơi đó học sinh “sắm vai” thầy giáo, cô giáo đĩnh đạc bước lên bục giảng, để truyền tải đến các bạn cùng lớp những bài học sinh động, thú vị. Với mong muốn đem đến cho học sinh những sản phẩm giáo dục tốt nhất, thầy cô giáo của trường cũng đang từng ngày thay đổi phương pháp dạy học, thay đổi thang đo đánh giá học sinh, để ngày một nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm qua các khóa học, các đợt tập huấn, hội thảo…
Những ngày của tháng 11, không khí hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam tràn ngập từng ô cửa lớp, từng góc sân trường. Các em học sinh tri ân thầy cô giáo qua những bài viết về trường lớp được thêm vào bảng tin lớp, hay qua những việc thiết thực như học tập chuyên cần dâng tặng thầy cô hoa điểm mười, lễ phép xưng hô, cúi đầu chào khi gặp thầy cô và người lớn… là quả ngọt của tình thầy trò. Phượng hồng vẫn thắm như tấm lòng yêu kính của học trò dành cho thầy cô giáo. Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cũng như kỳ vọng sự khởi sắc từ những ngôi trường dám nghĩ, dám làm, sẽ đem đến một làn gió mới trong việc thực hiện cải cách giáo dục hiện nay.
Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)
Bình luận (0)