Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Bức tranh” buồn của ca trù

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết mục ca trù trong chương trình Hương Việt. Ảnh: H.THANH

Trong bức tranh chung về những môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta hiện nay, mảng ca trù được “vẽ” bằng một gam màu trầm buồn. Nói cách khác, ca trù đang tồn tại một cách khiêm nhường và lẻ loi đến mức nhiều khi người ta ngỡ như không có sự hiện diện của nó mặc dù năm 2009, ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Những hàng ghế vắng người của Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 diễn ra trong bốn ngày trung tuần tháng 10 vừa qua tại Viện Âm nhạc Việt Nam trở nên lạc lõng. Điều này cho thấy sau ba năm trở thành di sản, dường như ca trù vẫn giậm chân tại chỗ trong nỗ lực tìm lại hào quang của chính mình.
Loại hình nghệ thuật độc đáo
Ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo, có thể xem như một nét riêng để nhận diện văn hóa dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có những lúc ngỡ như ca trù đã mất đi hoàn toàn. Nhưng nó vẫn tồn tại, bền bỉ và âm thầm. Thật đáng buồn thay, trong xã hội hiện đại, ca trù đang phải chịu một số phận bi đát hơn bao giờ hết. Lớp nghệ nhân với những tên tuổi đã trở thành huyền thoại trong lịch sử ca trù Việt Nam như: NSND Quách Thị Hồ, Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức, Chu Văn Du, Phó Đình Kỳ… người  đã khuất, người tuổi đã cao nên có phần hạn chế khi lên sân khấu biểu diễn. Lớp người kế cận cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, ngoài cái tâm ra, hầu như họ đến với ca trù một cách nghiệp dư và thiếu bài bản. Lớp trẻ ngày nay hoặc quay lưng với ca trù, hoặc có chút thiện cảm với nó nhưng không chịu khó theo học trọn vẹn, đâu đó đã xuất hiện những lối hát “na ná” ca trù – như một thứ “giả cầy”- đánh đồng ca trù với các loại hình ca hát khác… Sự tồn tại của một số CLB ca trù hiện nay cũng chỉ như một viên đá nhỏ ném vào lòng hồ rộng lớn. Chính những người khởi xướng và bao năm lăn lộn với nó cũng phải đành ngậm ngùi lên tiếng thở dài khi mà lực bất tòng tâm. Ca trù sẽ về đâu. Đã đến lúc các cơ quan ngành văn hóa nên có những chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý để khôi phục bộ môn nghệ thuật cổ truyền này. Nên chăng, cần  thành lập một hội ca trù Việt Nam, hoạt động thường xuyên mới xã hội hóa được ca trù, tạo ra môi trường để ca trù tồn tại và phát triển.
Bảo vệ khẩn cấp di sản văn hóa ca trù
Trong “Hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hóa ca trù” tại Hà Nội, nhiều nghệ nhân cho rằng  để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ca trù, cần củng cố tổ chức hoạt động các CLB ca trù. Phải phát hiện và dựa vào những nghệ nhân tài năng, nhiệt tình, có uy tín cả về phẩm chất lẫn chuyên môn để quán xuyến, điều hành CLB. Đặc biệt, cần thể hiện thái độ trân trọng xứng tầm với loại hình nghệ thuật này và những nghệ nhân đang sống chết với nó. Thông tin cập nhật tháng 9-2011, tại TP.HCM chỉ có 14 đào nương, tuổi đời cao nhất là 85, “trẻ” nhất là 37 tuổi. Các đào nương có thể hát phách, trình diễn các điệu tỳ bà hành, 36 giọng Ả phiền, Bắc phản, Xẩm huê tình… Có 8 kép chơi đàn đáy, 5 nghệ sĩ đánh trống chầu. Số lượng nêu trên cho thấy một điều là, so với thành phố hơn 8 triệu dân thì số nghệ nhân ca trù hiện nay quá ít ỏi, quá khiêm tốn. Nhằm phát huy môn nghệ thuật truyền thống ca trù, cần mở lớp tuyển sinh, đào tạo ngắn hạn (2 năm), dài hạn (3, 4 năm) cho đào, kép, trống chầu. Đưa nghệ thuật ca trù vào chương trình biểu diễn văn nghệ ở các hội nghị, hội diễn. TS. Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết: “Năm 2012, Viện Âm nhạc sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện hai đề tài nghiên cứu khoa học ca trù. Đề tài thứ nhất biên soạn và xuất bản cuốn sách Những điệu hát ca trù phổ thông. Sách có đĩa nhạc kèm theo giúp cho nghệ nhân ở các vùng ca trù khác nhau sử dụng khi truyền dạy đồng thời cũng là bộ tài liệu giúp cho những người muốn tìm hiểu, học hỏi nghệ thuật này. Đề tài thứ hai nghiên cứu, xuất bản cuốn sách Tổng tập ca trù xưa và nay.  Sách là bộ tài liệu cung cấp đầy đủ cho giới nghiên cứu, học sinh, sinh viên ở các trường, các học viện văn hóa và nghệ thuật về những bản lời hát ca trù Hán – Nôm và Quốc ngữ các thời kỳ khác nhau trong lịch sử Việt Nam. Viện Âm nhạc sẽ mở bốn lớp học ca trù ở các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và TP.HCM. Mục đích của các lớp học là nâng cao khả năng ca hát và biểu diễn của những nghệ nhân trẻ, đưa họ trở thành các giáo sinh, sau này  sẽ là lớp người truyền dạy ca trù trong cộng đồng.
Hồng Loan – Hiệp Thanh
Theo GS. Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam, muốn có người nghe ca trù thì trước hết phải làm cho họ hiểu ca trù thế nào. Các đài truyền hình nên dành một thời lượng nhất định để các nhà nghiên cứu có thể nói về bộ môn nghệ thuật độc đáo này.
 

Bình luận (0)