Con số lao động mất việc được Bộ LĐ-TB-XH và các địa phương đưa ra có độ tin cậy không cao vì không phù hợp với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế…
“Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều thông tin về người lao động (NLĐ) mất việc làm chưa chính xác, thậm chí nói quá số lượng lao động mất việc, gây tâm trạng hoang mang. Hội thảo này có nhiệm vụ nêu đúng thực trạng NLĐ mất việc và tìm các giải pháp hiệu quả hỗ trợ NLĐ”. Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, đã phát biểu như vậy tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp đối với lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế” khai mạc sáng 8-6 tại TPHCM.
Những công nhân này đã bị mất việc năm 2008 do chủ bỏ trốn. Hiện nay họ làm gì, ở đâu? Cơ quan quản lý lao động có biết? |
Những con số cần thẩm định
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2008, có 817 doanh nghiệp (DN) ở 41 tỉnh, TP gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, dẫn đến 66.707 lao động mất việc. Quý I/2009, có 1.264 DN ở 48 tỉnh, TP khó khăn với gần 65.000 người mất việc; số lao động thiếu việc gần 39.000 người.
Vấn đề đặt ra là số liệu trên có phản ánh đúng thực trạng lao động mất việc? Chẳng hạn, tại TPHCM, hiện có 43.114 DN và 300.000 cơ sở sản xuất với lực lượng 4,6 triệu lao động. Nhưng trong 5 tháng đầu năm 2009 chỉ có 192 DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực dệt, may, da giày, sản xuất điện tử… báo cáo phải ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, khiến 21.844 công nhân (CN) mất việc và 16.929 CN thiếu việc. Tương tự, trong số 417 HTX đang hoạt động, chỉ có 8 HTX báo cáo gặp khó khăn khiến cho 82 người mất việc và 54 người thiếu việc. Còn tại Bình Dương, chỉ có 164/9.253 DN báo cáo gặp khó khăn, 13.184 NLĐ mất việc. Tại Đồng Nai, từ quý IV/2008 đến nay, chỉ có 84 DN khó khăn, khiến 12.861 NLĐ mất việc
Nhiều đại biểu băn khoăn: Theo các số liệu báo cáo trên thì tình hình kinh tế của VN hiện đã có những dấu hiệu lạc quan, sáng sủa trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Có hay không tình trạng mất việc ở các DN còn lại hay là do DN không báo cáo nên các cơ quan chức năng không nắm được? Hoặc giả sử DN “thổi phồng” tình trạng mất việc để “thay máu” lao động? Đây là những vấn đề cần được xác tín chứ không chỉ trông chờ báo cáo của ngành lao động.
Chính sách hỗ trợ chưa thực tế
Trước tình trạng NLĐ bị mất việc làm do DN gặp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 30 về việc hỗ trợ NLĐ mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Sau hơn 3 tháng thực hiện quyết định này, ngành lao động đã cung cấp cho Ngân hàng Phát triển VN danh sách 350 DN cần hỗ trợ 166,7 tỉ đồng để trả cho gần 40.000 lao động mất việc. Song, qua thẩm tra của ngân hàng, chỉ có 6.447 lao động ở 49 DN cần hỗ trợ hơn 28 tỉ đồng. Trong thực tế, mới có 4 DN trong cả nước được hỗ trợ vay vốn hơn 4,4 tỉ đồng để trả lương, trợ cấp mất việc cho 739 lao động!
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, quyết định trên dù mang tính tích cực nhưng lại chưa đáp ứng thực tế. Đại diện Ngân hàng Phát triển VN cũng xác nhận: Số DN nợ lương của NLĐ trong năm 2008 lớn hơn năm 2009 nhưng những DN này không thuộc đối tượng được vay vốn; ở nhiều địa phương, sở tài chính chưa tổ chức xác nhận cho DN do trông chờ hướng dẫn của… Bộ Tài chính. Đó là chưa kể một số DN do lo ngại ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cũng “lờ” đi, không thèm vay. Đại diện LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận xét: “Thực tế, có không ít DN sử dụng nhiều sổ sách tài chính, trong khi đó, để vay được nguồn vốn, DN phải minh bạch tài chính. Đây cũng là lý do nhiều DN không vay vốn dù CN gặp khó khăn”.
Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công, Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Kịp thời nhưng chưa phù hợp
|
Bình luận (0)