Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Bức tranh màu xám của XKLĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Một số doanh nghiệp liên kết với cá nhân, tổ chức không có chức năng, tạo kẽ hở để lừa đảo, đưa người lao động ra nước ngoài trái phép

Số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết trong 8 tháng qua, cả nước đưa được 45.634 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 50,7% kế hoạch năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, dù các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN đang từng bước hồi phục nhưng với thời gian còn lại, rất khó để hoàn thành mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009.

Người lao động trong một buổi học giáo dục định hướng trước khi sang Malaysia làm việc tại Công ty Châu Hưng. Ảnh: C.T.V

 Giảm mạnh ở những thị trường lớn
Ông Quỳnh cho biết hầu hết thị trường XKLĐ của VN bị ảnh hưởng do tác động của suy thoái kinh tế từ tháng 8-2008, khiến số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ lao động mất việc hoặc không được gia hạn hợp đồng phải về nước. So với cùng kỳ năm 2008, kết quả XKLĐ 8 tháng qua giảm 12.285 người. Ở cùng hai thời điểm, số lượng lao động sang Đài Loan giảm 42,3%, từ 22.865 người xuống còn 13.202 người; thị trường Hàn Quốc giảm 45,4%, từ 10.148 người xuống còn 5.549 người. Riêng thị trường trọng điểm Malaysia, 8 tháng qua chỉ đưa đi được 1.666 người, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2008 (16.710 người)…
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) XKLĐ vốn trước đây đưa ra nước ngoài được trên 1.000 lao động/năm đều giảm mạnh số lượng trong 8 tháng qua. Ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Suleco, cho biết 8 tháng đầu năm 2008, công ty đưa được trên 1.200 lao động ra nước ngoài, còn năm nay chỉ mới đưa đi được 400 lao động nhưng có đến 100 lao động về nước trước hạn do mất việc làm… Ông Phạm Anh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Nhân lực Quốc tế Sovilaco, cho rằng thông thường vào quý I hằng năm là thời điểm mà các DN nhận được nhiều đơn hàng nhất và có thể “gối đầu” cho hoạt động cả năm. Nhưng quý I vừa qua, rất nhiều DN bị “trắng tay” và rất khó khăn trong tình cảnh hoạt động cầm chừng.
Bỏ luôn quản lý lao động
Điều đáng lo của XKLĐ VN hiện nay không phải ở chỗ lần đầu tiên không hoàn thành mục tiêu đề ra mà chính là năng lực, cách làm XKLĐ. Theo đánh giá của ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, chỉ khoảng 30% trong tổng số 164 DN XKLĐ được cấp phép hoạt động hiệu quả. Trong khi đó, phần lớn DN có quy mô nhỏ, ít đầu tư vốn và cán bộ cho XKLĐ nên hoạt động thiếu hiệu quả.
Vì hoạt động thiếu hiệu quả nên nhiều DN không cầm cự được trước tình hình khó khăn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, từ đầu năm đến nay có khoảng 10 DN, chi nhánh DN phải trả giấy phép XKLĐ hoặc đóng cửa văn phòng.
 
Đáng nói hơn là do làm ăn thua lỗ, tiềm lực tài chính yếu nên nhiều DN lơ luôn công việc quản lý lao động đang làm việc ở nước ngoài. Điển hình như thị trường Malaysia, ở thời điểm trước tháng 8-2008, có trên 70 DN mở văn phòng, cử cán bộ sang quản lý lao động nhưng hiện tại chỉ còn vài DN làm công việc này. Ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, nói: “Chúng tôi luôn yêu cầu các DN thực hiện nghiêm công tác quản lý lao động, nhưng tình hình chưa được cải thiện”.
Sai phạm khó trị
Cùng với việc buông lỏng quản lý, vẫn có những DN làm XKLĐ theo kiểu chụp giật mà cơ quan chức năng dù biết vẫn không xử lý triệt để. Nổi cộm nhất là tình trạng tuyển dụng qua trung gian, “cò mồi” XKLĐ. Giám đốc trung tâm XKLĐ của một tổng công ty đóng tại Hà Nội thừa nhận: Cứ 10 DN thì hết 9 DN có quan hệ với “cò”… Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng xác nhận đang tồn tại tình trạng một số DN ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ để tuyển dụng, tư vấn, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều đó, tạo kẽ hở để các đối tượng này thu tiền, lừa đảo, đưa người lao động ra nước ngoài trái phép.
Và như vậy, không có gì bảo đảm rằng chất lượng XKLĐ sẽ được nâng lên; rủi ro đối với lao động ở nước ngoài, tình trạng lừa đảo người lao động trong nước được hạn chế khi những kiểu làm ăn chụp giật như vậy không được “trị” tận gốc.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, một số doanh nghiệp không chú trọng công tác quản lý lao động làm việc ở nước ngoài; chậm phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động, để kéo dài, gây hậu quả xấu. Một số doanh nghiệp còn vi phạm các quy định của pháp luật, dẫn đến bị xử lý…

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)