Vài năm nay, bên cạnh học sinh từ những trường THPT chuyên, trường có lớp chuyên, trường THPT tốp đầu thì góp mặt trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của TP.HCM còn là những cái tên trường rất mới.
Nỗ lực chuyển mình, phát triển năng lực học sinh theo chương trình mới
Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của TP.HCM năm nay với 236 thành viên có thêm sự xuất hiện của nhiều trường THPT “mới”. Những cái tên như THPT Tân Túc, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Hoa Thám, THCS-THPT Đức Trí, Ngô Quyền, Trần Văn Giàu lần đầu xuất hiện.
Nằm ở huyện ngoại thành, lại là một trong những trường THPT có điểm chuẩn lớp 10 hàng năm dao động mức 15 điểm, song năm nay Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) lại có học sinh góp mặt trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của thành phố môn ngữ văn. Đáng chú ý, học sinh trong đội tuyển của trường mới chỉ đang học lớp 11. Thông tin ngay lập tức dường như “chấn động” ngành giáo dục thành phố.
Thầy Nguyễn Thanh Tòng – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc phấn khởi cho biết, để có được thành quả này, ngoài tố chất, năng khiếu của học sinh thì còn đến từ sự nỗ lực của đội ngũ thầy cô, tâm huyết với môn học, sát sao tạo điều kiện và bồi dưỡng năng lực học sinh.
Hiệu trưởng này phân tích: Chương trình GDPT 2018 là bước đệm tạo điều kiện để học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực, giáo viên dạy theo thiên hướng cá thể hóa. Việc dạy học chỉ bám vào kiến thức trước đó của chương trình cũ hạn chế năng lực học sinh thì hiện nay với chương trình mới, các em được thầy cô trao quyền để thể hiện năng lực của mình. Điều này là yếu tố cốt lõi để nhà trường tìm kiếm học sinh có năng lực thực sự, từ đó ươm mầm.
“Trước đó, chúng ta đâu đó còn quan điểm rằng học sinh trường mình điểm đầu vào thấp, khó có năng lực để có thể cạnh tranh với học sinh ở trường tốp đầu, trường chuyên. Hiện nay, với chương trình mới, quan điểm trường tốp trên, tốp dưới theo điểm chuẩn đã không còn phù hợp. Điều quan trọng nhất là làm sao phát hiện được năng lực, năng khiếu của học sinh và tạo điều kiện để các em được thể hiện năng lực đó, ghi nhận năng lực đó…” – thầy Tòng nhìn nhận thêm.
Năm nay, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) cũng là cái tên lần đầu tiên có một học sinh của trường vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung của TP.HCM. Đáng nói, đến thời điểm này tiếng Trung vẫn chưa được đưa vào giảng dạy tại trường và trường cũng không có giáo viên dạy tiếng Trung.
Theo thầy Nguyễn Ngọc Phương – Hiệu trưởng nhà trường – lợi thế của trường có tới gần 50% học sinh là người Hoa, do vậy dù tiếng Trung không được dạy trong trường nhưng trường luôn tạo điều kiện và khuyến khích để các em được phát huy năng khiếu, sở trường, thế mạnh.
“Thành quả 1 học sinh của trường được tham dự vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Trung của thành phố năm nay là niềm vui lớn đối với tập thể sư phạm nhà trường. Điều này cho thấy rằng năng khiếu của học sinh nếu được nhìn nhận, đánh giá, tạo điều kiện đúng đắn thì các em sẽ phát huy thế mạnh. Tới đây, trường sẽ xin ý kiến Sở GD-ĐT để có thêm định hướng phát triển dạy và học môn tiếng Trung tại nhà trường, xem đây là lợi thế phát triển chiến lược giáo dục của trường” – thầy Phương chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) cũng gây chú ý khi có 1 học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của TP.HCM môn ngữ văn. Trước đó 6 năm, học sinh của trường từng vào đến vòng tuyển chọn song dừng chân ở đội tuyển chính thức.
Đại diện nhà trường đánh giá, Chương trình GDPT 2018 hiện đã mang đến làn gió mới trong không khí dạy học của trường, với sự chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo của cả thầy và trò trong từng môn học. Trò được khuyến khích, tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường thông qua môn học và hoạt động giáo dục. Sự đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá cũng như nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đã tác động mạnh mẽ đến thành quả bồi dưỡng học sinh giỏi của trường”.
Đổi mới trong cách thi học sinh giỏi
Những trường mới góp mặt trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của TP.HCM là những trường THPT nằm ngoài quan điểm về trường tốp đầu, thậm chí đó còn là trường có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 chỉ 15 điểm, trường nằm ở ngoại thành, trường ngoài công lập… Các năm trước đó là những cái tên như THPT An Lạc, Bình Phú…
Nhiều nhà quản lý giáo dục nhận định, đây là tín hiệu đáng mừng phù hợp theo định hướng đánh giá năng lực của Chương trình GDPT 2018 được TP.HCM kiên định thực hiện. Cho thấy mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh mà thành phố đang đi bám sát theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Học sinh dù học ở bất kỳ trường THPT nào, các em vẫn được hỗ trợ phát triển năng khiếu, sở trường, bên cạnh giáo dục toàn diện.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM còn cho rằng, sự chuyển biến tích cực này trên hết cho thấy nỗ lực trong đổi mới dạy và học của mỗi nhà trường. Thành quả của thầy cô trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tiếp cận học sinh, khơi lên trong các em niềm yêu thích và say mê với môn học… Điều này sẽ góp phần thay đổi quan điểm trường tốp trên, tốp dưới bởi trường dù có điểm chuẩn không hẳn cao nhưng vẫn sẽ có học sinh giỏi quốc gia.
“Nhiều năm về trước, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia có lẽ chỉ đến từ những trường THPT danh tiếng như trường chuyên, trường tốp đầu. Khi đó, không chỉ xã hội mà ngay cả ngành giáo dục cũng quan điểm rằng chỉ trường chuyên, lớp chọn mới là nơi thực hiện nhiệm vụ giáo dục mũi nhọn. Quan điểm đó tác động đến cách dạy, cách học, cách tiếp cận học sinh… Thế nhưng, từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 lại cho thấy một bức tranh, diện mạo hoàn toàn khác. Sự chuyển đổi trong cách dạy và học, kiểm tra đánh giá, phát triển năng lực học sinh được các trường học tại TP.HCM thực hiện một cách đồng bộ, nhất quán với chỉ đạo của ngành giáo dục thành phố” – NGƯT Nguyễn Văn Ngai phân tích.
Từ năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đổi mới việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố bậc THPT. Trong đó, kết hợp tuyển chọn học sinh giỏi cấp thành phố với chọn học sinh giỏi quốc gia. Đồng thời, mở rộng đối tượng tham dự ở tất cả trường THPT, độ tuổi học sinh (từ lớp 10), không chỉ là học sinh trường chuyên như trước đó.
Năm học 2024-2025, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức kỳ thi học sinh giỏi theo hướng phát hiện sớm những học sinh có năng khiếu.
Theo ông, năm nay, có tới 18 trường THPT góp mặt trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của thành phố, tăng mạnh so với mọi năm. Bên cạnh những trường có thế mạnh trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi thì còn là những trường THPT ở ngoại thành, vùng ven… Điều này cho thấy từng nhà trường đã có nhiều nỗ lực, chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ trong phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá, tạo điều kiện để học sinh phát triển năng lực, năng khiếu…
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)