Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bức tranh tươi sáng của hội họa Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Hội họa Việt trong năm 2023 là bức tranh nhiều sắc màu tươi sáng. Hàng loạt triển lãm nối đuôi nhau diễn ra với sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ, ý thức về bản quyền của họ cũng nâng cao.

Bùng nổ số lượng triển lãm

Trong những ngày cuối năm 2023, tại TPHCM và một số tỉnh/thành, các cuộc trưng bày liên tục diễn ra: triển lãm Duyên của họa sĩ Trần Xuân Hòa, Địa hình huyền bí của Lê Bá Đảng, Lối gió đường mây của Nguyễn Hóa, Tiếp diễn cuộc sống của bộ 3 họa sĩ Nguyễn Việt Cường – Nguyễn Khôi – Nguyễn Việt Trinh (Chin)… Trong số này, có triển lãm kéo dài đến ngày cuối cùng của năm 2023. Dịp đầu năm mới, nhiều cuộc triển lãm khác đã lên lịch, báo hiệu một năm tiếp tục sôi động của hội họa trong nước.

Không gian triển lãm của Touliver

Không gian triển lãm của Touliver

Năm qua, điều dễ thấy nhất với hội họa Việt là số lượng triển lãm tăng mạnh. Hầu như tháng nào cũng có họa sĩ mở cuộc trưng bày. Có lúc cao điểm, tại TPHCM, khán giả vừa xem xong tranh của họa sĩ này thì lại di chuyển sang sự kiện của họa sĩ khác hoặc 2 cuộc trưng bày diễn ra chỉ cách nhau vài ngày.

Điều đáng mừng hơn đi cùng số lượng là nhiều triển lãm có chất lượng cao, được giới mộ điệu chào đón. Những triển lãm chất lượng cao trong năm qua – theo nhà nghiên cứu Lý Đợi – là Tay níu thời gian của họa sĩ Bửu Chỉ (tháng Ba tại Đà Lạt), Họa duyên tương ngộ của Trần Phúc Duyên (tháng Bảy tại TPHCM), Mộng viễn đông của nhà đấu giá Sotheby’s về mỹ thuật Đông Dương (tháng Tám tại TPHCM), 50 sắc sắc của Huyen Art House về tranh khỏa thân (tháng Mười một tại TPHCM), Trong ngọc trắng ngà vinh danh mỹ thuật Đông Dương (tháng Mười hai tại Đà Nẵng)…

Kết quả này có phần do thời gian qua, nhiều địa chỉ đào tạo mỹ thuật mở cửa. Từ học viên các trường đào tạo chính quy đến lớp dạy vẽ cá nhân và cả những cá nhân tự học, ai cũng mong được thể hiện “tiếng nói” của mình trong hội họa. Sự nở rộ này là tích cực, người được lợi là công chúng yêu mến hội họa. Họ có nhiều không gian, sự kiện để thưởng lãm. Từ đó, thị hiếu và những hiểu biết về mỹ thuật của công chúng tăng lên.

“Trong nghệ thuật nói chung, sự đào thải rất khắc nghiệt. Nhìn lại các khóa đã tốt nghiệp sau chừng 10 năm, chỉ còn chừng 10% thực sự theo sáng tác, còn lại làm các nghề khác. Nghệ thuật ở đâu và thời kỳ nào cũng quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nhưng học nghệ thuật nói chung và triển lãm là việc tự do, nên khích lệ, để qua chính sự va đập với đồng nghiệp, với nghề nghiệp và với thực tế thưởng thức, chất lượng hoặc tài năng thực sự sẽ lộ diện” – nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ.

Nhân tố trẻ xuất hiện

Trong hàng loạt sự kiện triển lãm, có nhiều họa sĩ trẻ lần đầu tổ chức cuộc trưng bày của mình. Dù còn “non nớt” nhưng cũng có thể thấy đã xuất hiện không ít tài năng được dự báo sẽ “làm mưa, làm gió” thị trường hội họa trong nay mai.
Các nhà sưu tập cũng trẻ hơn. Họ thuộc thế hệ sưu tập thứ sáu của Việt Nam, đa phần thuộc lứa tuổi 9X nhưng đã vững vàng kiến thức và có những lựa chọn khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi, sự áp đảo của người Việt – đặc biệt là giới trẻ – trong các sự kiện mỹ thuật, là điều mà trước năm 2010, có mơ cũng không dám nghĩ đến.

Không gian triển lãm của họa sĩ Phạm Thanh Toàn

Không gian triển lãm của họa sĩ Phạm Thanh Toàn

Từ các nhân tố trẻ, ý thức tôn trọng bản quyền và tôn vinh lịch sử trong sáng tạo hội họa cũng như thị trường nói chung được nâng lên. So với 5-7 năm trước, những vi phạm về ý tưởng, bản quyền, nạn tranh giả, tranh nhái dù vẫn còn nhưng không phổ biến. Đây là điểm sáng trong năm 2023 mà những nhà nghiên cứu, người có quan sát thị trường hội họa Việt đều lấy làm vui mừng. Bởi điều này cho thấy “sức khỏe” tốt của một thị trường tiềm năng, sôi nổi.

Trong lần trò chuyện với PV tại triển lãm Saman Saman (vừa kết thúc ngày 18/12), Phạm Thanh Toàn – một họa sĩ trẻ tài năng – cho thấy cách làm nghề khá thú vị của lớp họa sĩ mới. Họ vô cùng tự tin vào điều mình đang làm, chăm chỉ nghiên cứu để tiệm cận với thế giới và cũng tự đề ra những quy tắc riêng để đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Phạm Thanh Toàn nói ở anh, việc tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng, bởi anh không làm việc theo cảm xúc mà thiên về lý trí. Mọi thứ anh vẽ ra đều có tính toán với cường độ làm việc ổn định, duy trì qua từng ngày – điều này khá khác với cách làm việc của nhiều họa sĩ. “Chỉ khi nào làm việc theo đúng những quy tắc mà mình đề ra thì mới mong đạt tới sự chuyên nghiệp. Trên thế giới, những họa sĩ chuyên nghiệp đều có giờ giấc làm việc cụ thể, không chiều theo cảm xúc cá nhân. Họ cực kỳ kỹ tính, không xuề xòa. Tôi học họ điều đó” – họa sĩ Phạm Thanh Toàn chia sẻ.

Sự xuất hiện của lứa họa sĩ trẻ tài năng, những nhà sưu tập trẻ có kiến thức được dự đoán sẽ xuất hiện nhiều hơn trong năm 2024, tạo sự thay đổi, giúp đưa thị trường hội họa Việt trở thành một trong số những địa chỉ sôi động của hội họa châu Á và quốc tế. 

Theo Diễm Mi/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)