Sự kiện giáo dụcTin tức

Bức tử rừng thông!

Tạp Chí Giáo Dục

Rừng Lâm Đồng có khoảng 650 ngàn héc ta chiếm gần 64% diện tích toàn tỉnh. Lâm Đồng có sự khác biệt so với bốn tỉnh Tây nguyên còn lại ở chỗ là rừng thông bạt ngàn. Nhiều nơi thông nhiều đến nỗi người ta gọi luôn là đại ngàn rừng thông. Hiện nay, diện tích rừng thông ở Lâm Đồng khoảng 120.000 héc ta. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm có ở nước ta. Tuy nhiên, điều đáng buồn là rừng thông Lâm Đồng mỗi năm luôn bị mất đi từ vài chục đến vài trăm héc ta. Và cứ như thế nếu không có biện pháp ngăn chặn, thì rừng thông có nguy cơ bị xóa sổ!
 Nhìn vào Đà Lạt – thủ phủ của ngàn thông – ta thấy rõ ràng là đã dần vắng bóng những ngàn thông. Ngay cả những cây thông cổ thụ xung quanh Hồ Xuân Hương cũng biến mất. Tại sao vậy? Thời gian qua, đã có rất nhiều người dân “thiêu sống” nhiều héc ta thông hàng chục tuổi, cao vài chục mét lấy đất để trồng rau, trồng cà phê, chè… Họ bức tử rừng thông bằng cách nào? Người dân dùng rựa đẽo lớp vỏ ngoài rồi chặt sâu vào thân cây, chờ cho thông ra hết nhựa mới đắp củi đốt.
Không chỉ “thiêu sống” thông, nhiều chủ rẫy còn giết thông bằng cách đổ hóa chất vào gốc cây. Thông bị “uống” hóa chất sẽ nhiễm độc từ từ mà chết. Quanh khu vực thông bị chết, những cây cà phê, chè đã chực chờ sẵn để thế chỗ ngay lập tức. Do vậy mà rừng thông ngày càng bị thu hẹp và diện tích cà phê, chè ngày càng mở rộng một cách nhanh chóng.
Mới đây, tại tiểu khu 118 thuộc lâm phần xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương, hàng loạt cây thông hơn 20 năm tuổi bị chặt hạ, đốt cháy rụi… Đặc biệt là hành vi vạt gốc và đổ thuốc độc khiến cả vạt thông chết đứng. Rừng thông này nằm dọc tuyến ĐT 723 (từ Đà Lạt đi Nha Trang), thuộc rừng quốc gia Bidoup – Núi Bà. Khu rừng này hiện đã có 4.504 héc ta được giao cho 32 dự án khai thác du lịch, sản xuất nông lâm kết hợp… Có hay không sự phá hoại rừng thông? Ông Nguyễn Xuân Tiến – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng bức xúc: “Ai liên quan đến việc làm thông chết phải điều tra làm rõ, nếu có dấu hiệu hủy hoại rừng sẽ khởi tố trước pháp luật. Huyện Lạc Dương phải thành lập đoàn kiểm tra, cắm mốc thực địa giữa đất rừng và vườn của dân, giám sát các doanh nghiệp đã được giao đất rừng. Dù có tốn kém mấy cũng phải làm để bảo vệ rừng”. Theo người dân ở đây cho hay, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào tới kiểm tra, phát hiện và có biện pháp ngăn chặn tệ nạn phá rừng. Tại sao không báo cáo sự việc với cơ quan kiểm lâm? Người dân đáp rằng: Biết kiểm lâm ở đâu mà báo? Với lại báo tin thì nhà tôi bị đốt thì sao? Ai sẽ bảo vệ chúng tôi? Những câu hỏi này thật là xót xa và giải thích tất cả những sự hoành hành của tệ nạn bức tử rừng thông.
Duy Khanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)