Trẻ sống gần khu vực ô nhiễm khói bụi, thường xuyên hít phải bụi sẽ tiềm ẩn bệnh hô hấp, hen suyễn. Đây là lý do khiến trẻ còi cọc và mất chiều cao.
Kích thước bụi siêu mịn PM 2.5 so với một sợi tóc |
Để tăng chiều cao cho trẻ ngoài các yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi, khoáng chất, ngủ đúng giờ, nhiều người thường ít để ý một yếu tố rất quan trọng: môi trường không khí.
Với thực phẩm và nước, người dân có thể lựa chọn và làm sạch. Còn với không khí ô nhiễm, người dân phải ứng phó thế nào?
Bụi siêu mịn PM 2.5 là gì?
Theo PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, PM (particulate matter) còn gọi hạt bồ hóng trôi nổi trong không khí có kích thước và mật độ được tính bằng đơn vị micromet (μm).
Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn.
Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM 2.5. PM 2.5 có thể đi sâu vào phế nang gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
Ở các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP.HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Trong đó, sinh bụi nhiều nhất là từ xe chạy bằng dầu, ở công trình xây dựng, các nhà máy điện, từ đốt gỗ hoặc đốt rác, ở các nhà máy công nghiệp…
Hiện nay, VN mới chỉ đo được loại bụi PM10, còn với loại siêu mịn PM 2.5 chúng ta chưa có đủ hạ tầng để khảo sát đầy đủ.
Số liệu thống kê mới nhất (đầu năm 2017) từ Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM), ô nhiễm bụi PM 10 tại TP.HCM chủ yếu phát sinh từ khí thải xe với 70.42% số liệu vượt quy chuẩn cho phép.
Đó là chưa kể, các khí thải SO2, NO2, CO còn gây kích ứng niêm mạc, thậm chí gây ngạt hóa học nếu hít phải lượng quá lớn.
Bụi PM 2.5 ảnh hưởng tiêu cực cỡ nào?
ThS.BS Vũ Xuân Đán, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM, cho biết quá trình hô hấp là đưa oxi vào phổi. Tại phổi, oxi tiếp xúc với máu. Trong máu có chất hemoglobin, chất này kết hợp với oxi, mang oxi đến các tế bào.
Bụi PM 2.5 cộng với khí CO hay SO2, NO2 nhiều, sẽ cản hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi.
Đây là căn nguyên gây ra kích ứng mắt, mũi, họng và phổi, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở, viêm phế quản mạn tính, suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.
Bụi siêu mịn PM 2.5 còn ảnh hưởng đến cấu trúc của ADN do lượng oxi bị cản trở làm hủy hoại tế bào.
Ngoài ra, các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde cũng gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư phổi.
Do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, trẻ em chịu tác động nhiều nhất của ô nhiễm không khí. Cùng một nồng độ khí ô nhiễm hít phải, lượng chất trực tiếp đi vào cơ thể trẻ em có thể cao gấp 2 lần người lớn.
Trẻ nào càng sống gần mặt đường, gần các công trình xây dựng hay nhà máy công nghiệp, nguy cơ bệnh hô hấp cao từ 19-25% so với bình thường. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó phát triển chiều cao toàn diện nếu liên tục sống trong môi trường ô nhiễm không khí.
Khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào loại bụi mịn PM10, còn với bụi siêu mịn PM2.5 thì “pó tay” – Ảnh: Bích Thảo |
Làm sao bảo vệ trẻ trước ô nhiễm không khí?
Khẩu trang được kỳ vọng sẽ hạn chế không khí ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ThS.BS Vũ Xuân Đán, khẩu trang chỉ có thể chặn phần nào loại bụi mịn PM10, còn với bụi siêu mịn PM2.5 thì “pó tay”.
Do đó, cha mẹ cần tránh cho trẻ ra ngoài trong giờ cao điểm giao thông, tuyệt đối hạn chế trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Với trẻ sống gần khu công nghiệp, quốc lộ, tỉnh lộ, công trình xây dựng, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ đi chơi biển, tiếp xúc với cây xanh, môi trường thiên nhiên trong các hoạt động dã ngoại cuối tuần để cân bằng cơ thể.
Một chế độ dinh dưỡng rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C và beta-caroten (bơ, khoai lang, cà rốt, đu đủ, súp lơ xanh, gan động vật, cá, trứng, sữa…) giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxi cho tế bào và nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch.
Những khu vực không khí bị ô nhiễm cao tại TP.HCM. Số liệu thống kê của trung tâm quan trắc môi trường TP.HCM (tính đến tháng 2-2017) – Đồ họa: Việt Thái |
BÍCH THẢO/TTO
Bình luận (0)