Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bụi thiên hà

Tạp Chí Giáo Dục

Biết anh Vũ Xuân Hương là một nhà giáo – nhà báo từ lâu rồi nhưng thực tình bây giờ tôi mới biết anh là một… nhà thơ. Nhưng có lẽ lý do chính đáng nhất là bởi anh quá kín tiếng trong chuyện làm thơ. Cầm trên tay tập thơ Bụi thiên hà (Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2011), tôi mới thật sự biết mình có lỗi khi nhận ra rằng đây đã là đứa con tinh thần thứ 5 của nhà thơ họ Vũ. Thơ anh trước hết chỉ là lời tự sự, ai mới đọc qua cũng thấy được điều đó – đúng như tên gọi Bụi thiên hà. Có những bài thơ mượn thời gian (Tháng năm, Đầu xuân);  mượn nỗi nhớ quê nhà (Mảnh vườn xưa) và cả tình yêu (Đơn tấu, Biển vẫn sóng) cũng chỉ để tự thán mà thôi. Khắc khoải trong lòng anh là nỗi nhớ dâng trào khi viết về nước Nga yêu dấu – nơi anh đã có nhiều kỷ niệm đẹp ở xứ bạch dương mà không nơi nào có được: “Cũng ngoan ngoãn xếp hàng theo thứ tự/ Ném bánh mì cho lũ vịt trời kia”. Đọc Bụi thiên hà, chúng ta có thể thấy ẩn giấu đằng sau những câu thơ đậm chất trữ tình là những triết lý sống được đúc kết từ cuộc đời và trải nghiệm qua cuộc sống. Nếu ở phần I, chỉ như làn sương mỏng đi qua thì ở phần II (Trăng tưởng) triết lý sống gần như “phủ sóng” vào toàn bộ từng bài thơ và cả mỗi câu mỗi đoạn thơ. Và chính những lời chiêm nghiệm đó càng làm cho một tấm lòng đã đi quá nửa cuộc đời đến nay: “May còn trong một khoảng xanh/ Bao bầm dập… vẫn trong lành ở trong!” như câu thơ lục bát ở trang bìa cuối ngắn gọn này nung nấu một tình yêu đã từng đi qua thác ghềnh sỏi đá.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)