Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Bulgaria: Đối mặt khó khăn để đạt mục tiêu giáo dục 2020

Tạp Chí Giáo Dục

Một triển lãm giới thiệu về hệ thống giáo dục của Bulgaria (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Bulgaria sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt được các mục tiêu giáo dục trong chiến lược mới của Liên minh châu Âu mang tên “Châu Âu 2020”. Vấn đề lớn nhất hiện đang tồn tại của nước này chính là số lượng học sinh bỏ học rất sớm.
Theo nghiên cứu của Viện Thống kê quốc gia, trong năm học 2009-2010, có 93,4% trẻ em từ 7-10 tuổi ở Bulgaria đến trường. Nhưng đáng buồn là con số này lại giảm xuống còn 82,4% ở lứa tuổi từ 11-14 tuổi và hiện giờ số học sinh thật sự tốt nghiệp cấp 3 là 78,6%. Điều này có nghĩa là hơn 22% các em bỏ học giữa chừng. Số liệu trên cho thấy Bulgaria đang đối mặt với thử thách để đạt được mục tiêu đến năm 2020 giảm tỉ lệ bỏ học xuống thấp hơn 10%. Vấn đề là các bậc học càng được quan tâm thì Bulgaria càng dễ dàng đạt được chỉ tiêu đến năm 2020 tăng tỉ lệ người học thạc sĩ ít nhất là 40%.
Trong năm học 2009-2010, 33,1% dân số từ 19-23 tuổi trên toàn quốc vào đại học hoặc tiếp tục học để lấy bằng cấp cao hơn, 3,9% học cao đẳng và 0,8% học ở các trường dạy nghề sau khi tốt nghiệp cấp 3. “Hiện giờ Bulgaria chuẩn bị các mục tiêu quốc gia như một phương tiện để đạt được mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục của Chiến lược châu Âu 2020” – Maria Petkova, nhân viên báo chí của Bộ Giáo dục, Tuổi trẻ và Khoa học của Bulgaria cho biết.
Trường Đại học Sofia được giao nhiệm vụ trình bày những mục tiêu quốc gia và kế hoạch chi tiết Bulgaria sẽ thực hiện chúng như thế nào. Để đạt được hai mục tiêu đã đề cập ở trên, Bulgaria cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục. Theo lời khuyên của Chiến lược châu Âu 2020, mỗi nước nên đầu tư 3% GDP cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nikolay Mladenov, Bulgaria sẽ tiến hành được phần nào mục tiêu này và chỉ chi 2% GDP. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo điều này còn tùy thuộc vào tình hình cải cách của R&D cũng như sự phát triển của nền kinh tế Bulgaria.
Giáo dục ở Bulgaria là hoàn toàn miễn phí và các ngôi trường đều có liên kết với nhau. Gần như mọi trường đại học ở đây đều được Chính phủ trợ giá, do vậy học phí của các trường này thường thấp hơn nhiều so với các trường tư. Quốc hội Bulgaria đã quyết định cho phép các trường đại học mở thêm “Giáo dục bậc cao có thu phí” (không được Chính phủ trợ giá). Quốc hội cũng đưa ra luật buộc các trường chỉ nhận 5% số sinh viên vào học chương trình này. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Sergey Ignatov, mức phí này sẽ không quá 1.600 Bulgaria (tương đương 800 Euro).
Ông Bộ trưởng cũng nói rằng hệ thống giáo dục của đất nước đã quá lạc hậu và cần một cơn gió mới để thay đổi. Chính phủ sẽ hình thành một hệ thống xếp hạng dựa trên yếu tố cơ bản như việc phân phối các nguồn quỹ. Giáo sư Ivan Ilchev, Hiệu trưởng Trường Đại học Sofia tin rằng rất cần những cơ cấu đánh giá khách quan để đảm bảo ngân sách được chi cho các trường đại học sẽ mang lại kết quả tốt. “Chúng ta đang ở một bước ngoặt quyết định, đây là lúc chúng ta phải chọn lựa điều mình cần – giáo dục hay chất lượng giáo dục”.
Ông Rusland Stefanov thuộc Trung tâm Nghiên cứu dân chủ nêu ý kiến: “Nếu những nỗ lực của Chính phủ không tập trung vào giáo dục, công nghệ thông tin và cải tiến thì chúng ta khó có cơ hội bắt kịp các nước khác thuộc Liên minh châu Âu trong 30 năm tới”.
Các công ty ở Bulgaria phàn nàn khá nhiều về chất lượng giáo dục ở các cấp cũng như bậc đại học. Họ cho rằng phân bố chương trình đã quá lạc hậu và các thế hệ sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
Maria Temelkova thuộc Công ty Tuyển dụng Manpower có chi nhánh ở Bulgaria chia sẻ: “Nhiều bạn học tập một cách rất máy móc. Rất khó để tìm được đội ngũ nhân viên có kỹ năng ngoại ngữ tốt cho các trung tâm làm thuê bên ngoài (outsourcing) đang phát triển với tốc độ nhanh. Việc giảng dạy quá chú trọng vào lý thuyết, vì vậy ngay cả những sinh viên tốt nghiệp đại học cũng không có được kỹ năng nói lưu loát.”
(theo euractiv.com)
Xuân Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)