Bán trú vệ tinh là một hoạt động khá mới nhưng là nhu cầu ngày càng tăng trên thực tế trong khi chưa có hành lang pháp lý để quản lý. Vì thế, ở những địa phương có mô hình này nở rộ, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay.
Học sinh tiểu học ở bán trú tại một cơ sở bán trú vệ tinh ở Q.12 (ảnh trái) và Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Trác Rin
Chưa có quy định cụ thể, rõ ràng
Tại TP.HCM, UBND TP đã ban hành hai công văn số 6692/UBND-VX ngày 22.11.2016 và 3221/UBND-VX ngày 20.7.2018 để chỉ đạo UBND quận/huyện và các sở ngành tăng cường quản lý các trung tâm, cơ sở trông giữ trẻ em ngoài giờ học.
|
Theo đó, các cơ sở, trung tâm trông giữ trẻ ngoài giờ học phải tiến hành đăng ký dịch vụ với chính quyền địa phương, phải đảm bảo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn thương tích, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống cháy nổ… Các phường, xã, thị trấn có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và giám sát các cơ sở trông giữ trẻ ngoài giờ học trên địa bàn để hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. UBND quận, huyện cũng cần hướng dẫn chuyên môn cho cơ sở trông giữ trẻ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất để cập nhật thông tin những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp; thành lập tổ kiểm tra, rà soát bảo đảm thời gian trông giữ trẻ hợp lý, chương trình rèn luyện phù hợp độ tuổi…
Đó là những văn bản được ban hành sau khi Sở GD-ĐT lấy ý kiến của các sở LĐ-TB-XH, Y tế, Tư pháp, KH-ĐT để tham mưu lên UBND TP, nhằm tìm hướng ra cho hoạt động này. Hai vấn đề quan trọng nhất là các cơ sở, trung tâm trông giữ trẻ ngoài giờ phải tiến hành đăng ký dịch vụ và UBND quận huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH phối hợp các phòng, ban liên quan thành lập tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát, bảo đảm trẻ ở các cơ sở, trung tâm được chăm sóc, bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là những công văn hướng dẫn thực hiện hoạt động bán trú ngoài nhà trường. Hiện nay vẫn chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng như về diện tích phòng học tối thiểu/học sinh (HS), các trang bị tối thiểu, xử phạt ra sao… Vì vậy, hiện nay chưa có giấy phép cấp riêng cho hoạt động này.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, những điều trong hai công văn nêu trên là Sở tham mưu tạm thời cho UBND TP để ban hành. Lý do là trước đó, vào tháng 7.2016, UBND TP đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị có văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý các trung tâm, cơ sở tổ chức dịch vụ giữ trẻ ngoài giờ để việc thực hiện được thống nhất, an toàn và đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật. Sở dĩ cần quy định từ Bộ GD-ĐT vì các sở tại TP.HCM đã họp và thống nhất việc tổ chức cấp phép hoạt động này là một “thủ tục hành chính” và chưa có cơ sở pháp lý. Nhưng trả lời công văn của UBND TP, Bộ GD-ĐT cho biết đây là hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuần túy nên việc quản lý và giám sát trách nhiệm chủ yếu thuộc chính quyền địa phương, ngành LĐ-TB-XH và gia đình HS.
“Đây là nhu cầu có thật nên phải có pháp lý để xã hội làm giúp ngành giáo dục. Chúng ta làm không nổi thì cần tạo điều kiện cho cá nhân làm. Chứ như hiện nay thì quá nguy hiểm. Khi có chuyện xảy ra không biết xử lý ra sao cho thỏa đáng”, ông Hoàng nói.
Giải quyết kiểu tình thế
Tại Đồng Nai, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 16.4.2013 của UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm học thêm, khoản 2, điều 10 có ghi “Đối với các trường tiểu học không có điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, căn cứ vào nhu cầu thực tế, chính đáng của đa số phụ huynh HS, UBND cấp huyện có thể ban hành quy định về quản lý HS tiểu học ngoài giờ học chính khóa theo sự tham mưu đề xuất của trưởng phòng GD-ĐT”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều lúng túng, mỗi nơi làm một kiểu. Thậm chí có địa phương chưa tham mưu được quy định. Phần lớn việc quản lý HS ngoài nhà trường là do thỏa thuận giữa phụ huynh và giáo viên hay các cơ sở trông coi.
Để đảm bảo tốt nhất điều kiện trông giữ trẻ, trong các hội nghị hằng năm, Sở giao các phòng GD-ĐT trực tiếp phụ trách địa bàn, chỉ đạo các trường tiểu học. Cụ thể, hiệu trưởng nhà trường phải xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung, thời gian, điều kiện chăm sóc, an ninh an toàn, đưa rước; an toàn vệ sinh thực phẩm, có cam kết của giáo viên, đơn tham gia tự nguyện của phụ huynh… Định kỳ, phòng GD-ĐT phải phối hợp cùng chính quyền địa phương kiểm tra việc tổ chức bán trú tại nhà của giáo viên, hay qua phản ánh của phụ huynh trên các phương tiện website nhà trường, tin nhắn, hòm thư góp ý…, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, sai phạm nếu có.
Cũng theo ông Thạch, đây chỉ là tình thế trước mắt. Với mong muốn có sự thống nhất trong việc tổ chức học bán trú trong, ngoài nhà trường, cũng như giảm thiểu những mặt tiêu cực khi thực hiện loại hình này, Sở GD-ĐT đang hoàn chỉnh văn bản “Hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với HS tiểu học”. Đây là định hướng để các phòng GD-ĐT có cơ sở tham mưu UBND địa phương ra quy định cụ thể về vấn đề này.
“Tất nhiên, việc đáp ứng học bán trú trong nhà trường là không thể tuyệt đối, do đó vấn đề xã hội hóa cho loại hình này luôn luôn được quan tâm điều chỉnh, hỗ trợ. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cùng các bộ ngành liên quan cần có các văn bản quy phạm quy định cụ thể về trường học bán trú, về tổ chức học bán trú ngoài nhà trường”, ông Thạch đề xuất.
Mô hình của Bình Dương
Ở TX.Dĩ An (Bình Dương), căn cứ Công văn số 1691/SGDĐT-GDTH ngày 23.10.2013 của Sở GD-ĐT tỉnh về việc tổ chức bán trú và ôn tập ngoài nhà trường cho HS các lớp 1 buổi/ngày, Phòng GD-ĐT tiến hành kiểm tra và cấp phép tổ chức ôn tập ngoài nhà trường… Phòng cũng thường xuyên chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải đảm bảo về xe đưa rước tuyệt đối an toàn cho HS, trên mỗi xe phải có giáo viên đi theo để quản lý các em… Nhà trường tổ chức nấu ăn và cho HS ăn tại trường, sau đó mới có xe đưa rước về cơ sở ngoài nhà trường để học buổi thứ 2.
|
Thiết kế bàn học đa chức năng
Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho rằng về lâu dài, nhất là để đáp ứng dạy và học theo chương trình mới sắp tới, dù khó khăn đến đâu thì ngành giáo dục cũng như chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của mô hình học 2 buổi, bán trú; phối hợp, rà soát đánh giá thực trạng, dự báo ngắn, trung hay dài hạn, để có giải pháp mở rộng, xây mới trường học, đảm bảo điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất. Chẳng hạn, bàn ghế HS thiết kế sao cho có thể đáp ứng vừa ngồi học vừa nằm nghỉ trưa, bởi việc xây thêm phòng nghỉ cho HS trong nhà trường công lập là khó khả thi.
|
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)