Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bùng nổ nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL: Mừng và lo

Tạp Chí Giáo Dục

Chưa bao giờ phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng (gọi tắt là tôm thẻ) ở các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển rầm rộ như hiện nay. Từ Bến Tre sang Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đâu đâu cũng thấy nông dân chọn tôm thẻ để thả nuôi cho vụ mới năm 2014. Với lợi thế thời gian nuôi ngắn, bán giá cao, thu lời nhiều… tôm thẻ đang chiếm lĩnh thị trường.

Hiệu quả hơn nuôi tôm sú

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị xuống giống vụ tôm mới năm 2014. Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay tôm thẻ vươn lên chiếm vị trí số 1. Ông Nguyễn Văn Mì, ở ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết: “Mấy năm nay tôm sú bị dịch bệnh hoành hành làm chết hàng loạt, trong khi tôm thẻ thắng lớn về năng suất lẫn giá cả”. Ông Nguyễn Văn Mì dẫn chứng, hồi cuối năm 2013, ông bỏ ra 300 triệu đồng nuôi một ao tôm thẻ rộng 4.000m². Đến cuối tháng 2-2014, ông thu hoạch được 5 tấn tôm thẻ loại 40 con/kg, bán cho nhà máy với giá 220.000 đồng/kg, thu lời 700 triệu đồng; thời gian nuôi chỉ mất 87 ngày. Trúng đậm tôm thẻ nên ông khẩn trương vệ sinh ao hầm chuẩn bị thả nuôi vụ mới.

Ông Lâm Thăng Bằng, cùng ngụ ấp 2, thị trấn Long Phú quả quyết: “Tui có một ao rộng 4.200m², đến nay thả nuôi được 3 vụ tôm thẻ và vụ nào cũng trúng. Sau khi trừ hết các khoản đầu tư, còn lời hơn 1,4 tỷ đồng, hiệu quả hơn hẳn nuôi tôm sú. Chính vì vậy mà vụ tôm mới 2014 này, tui thuê thêm đất mở rộng diện tích nuôi tôm thẻ”.

Không chỉ ở Sóc Trăng mà nhiều nơi khác cũng đang chạy đua thả nuôi tôm thẻ. Bà Phạm Thị Gặp, chủ 4 công đất tôm ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Vụ rồi, lần đầu tiên thử nghiệm nuôi tôm thẻ với mật độ 50 con/m². Không ngờ chỉ hơn 2,5 tháng chăm sóc là kéo hầm bán cho thương lái giá 160.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời hơn 200 triệu đồng. Thấy tôm thẻ “dễ ăn” nên vụ mới 2014, tôi tập trung nuôi tôm thẻ”.

Tại Bến Tre, ông Lê Vũ Minh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại cho hay, nếu như vụ rồi tôm thẻ chiếm khoảng 60% – 70% diện tích nuôi công nghiệp, thì năm nay tăng vọt lên hơn 90%. Bây giờ hầu như ai cũng “mê” tôm thẻ.

Nông dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) bán tôm thẻ chân trắng cho nhà máy giá 220.000 đồng/kg, cao kỷ lục.

Còn nhiều băn khoăn

Khảo sát thực tế mới đây của các ngành chức năng cho thấy, không chỉ diện tích nuôi tôm sú được chuyển sang nuôi tôm thẻ; mà nhiều nơi nông dân mạnh dạn phá bỏ đất trồng mía, trồng dừa, hoa màu, các loại thủy sản khác… để đào ao nuôi tôm thẻ. Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thừa nhận: “Cù Lao Dung được mệnh danh là cù lao mía với diện tích hơn 8.200ha thì nay người dân đua nhau phá bỏ ruộng mía bởi giá bán quá thấp. Hiện ở các xã Đại Ân 1, An Thạnh Tây, An Thạnh 2, An Thạnh 3… có hơn 200ha đất mía được sang bằng đào ao nuôi tôm thẻ. Dù là địa phương mới nuôi tôm nhưng diện tích đến nay tăng lên 1.400ha”. Theo ông Kiệt, từ nay đến năm 2020 huyện dự kiến sẽ giảm hơn 4.000ha đất mía để chuyển sang nuôi tôm và trồng cây khác.

Thời gian gần đây nhiều nước trên thế giới rất chuộng tiêu thụ tôm thẻ, vì thế mà kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ của nước ta tăng mạnh và người nuôi thu lời nhiều nhờ bán được giá cao. Tuy nhiên, việc bùng nổ tôm thẻ đang bộc lộ nhiều bất cập. Ông Lâm Văn Vũ, Phó phòng NN-PTNT huyện Long Phú (Sóc Trăng) trăn trở: “Diện tích tôm thẻ phát triển quá nhanh nên ngành chức năng không tài nào đầu tư kịp về thủy lợi, mà người dân tự làm. Tuy nhiên, nếu hệ thống thủy lợi không đảm bảo sẽ là mối nguy hại sau này bởi tôm thẻ rất dễ phát sinh dịch bệnh”.

Một vấn đề nan giải khác là nguồn điện không đủ đáp ứng cho mô hình nuôi tôm thẻ. Ông Phạm Văn Quắn, ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) phân tích: “Nếu như nuôi tôm sú công nghiệp chỉ cần chạy quạt nước khoảng 8 – 10 giờ/ngày đêm, thì nuôi tôm thẻ phải chạy 20 giờ/ngày đêm bởi nuôi mật độ dày. Chính vì diện tích tôm thẻ tăng nhanh, cộng với nhu cầu sử dụng điện quá lớn nên ngành điện không thể đáp ứng kịp”. Giải pháp chữa cháy của người nuôi tôm là tự đi mua dây, kéo điện sử dụng, nhưng nguồn điện yếu ớt nên buộc phải trang bị máy dầu kèm theo. Trong khi muốn mua máy phát điện riêng thì rất tốn kém, chỉ có những hộ khá mới đầu tư nổi.

Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT Trà Vinh khuyến cáo người dân chỉ nuôi tôm thẻ theo mô hình công nghiệp ở những vùng được Nhà nước quy hoạch và đầu tư điện. Vùng nuôi tôm thẻ cần được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ “đầu vào, đầu ra”, nhất là nguồn giống phải đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế phát sinh mầm bệnh. Bộ NN-PTNT cũng lưu ý, năm 2014 nhiều khả năng Thái Lan và Trung Quốc sẽ tăng sản lượng tôm thẻ, giá tôm có thể giảm lại. Vì thế, người dân cần theo dõi chặt diễn biến thị trường, tránh mở rộng diện tích ào ạt theo cảm tính, có thể dẫn đến hệ lụy.

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu tôm năm 2013 thắng lớn với kim ngạch hơn 3 tỷ USD là nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của tôm thẻ mang lại. Diện tích nuôi tôm năm qua đạt khoảng 666.000ha; trong đó, diện tích tôm sú khoảng 600.000ha với sản lượng 268.000 tấn, giảm 2,2% về diện tích và giảm 11,3% về sản lượng; trong khi đó diện tích nuôi tôm thẻ chỉ 66.000ha, nhưng sản lượng đạt tới 280.000 tấn, tăng 57,9% về diện tích và 50,5% về sản lượng.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

(SGGP)

Bình luận (0)