Ảnh minh họa |
Trong cuốn sách mới xuất bản có nhan đề Cyber War: The Next Threat to National Security and What to Do About it, Cố vấn Nhà Trắng về an ninh mạng Richard Clarke khẳng định cuộc chiến tranh toàn cầu trên mạng đã mở màn.
Vô số hacker đang phục vụ cho nhiều quốc gia đã bắt đầu chuẩn bị chiến trường cho những trận đánh tương lai.Về mặt này, không thể không nhắc đến Trung Quốc. Thua kém Mỹ về kỹ thuật quân sự, quân đội Trung Quốc đã giảm bớt quân số của mình và đầu tư những khoản tiền lớn vào các loại công nghệ mới. Đồng thời, Trung Quốc ngay từ đầu đã chú trọng đến dạng chiến tranh tấn công trên không gian mạng.
Hơn thế nữa, một số quốc gia như Mỹ, Nga và Trung Quốc còn đang tích cực sử dụng mọi khả năng tiềm tàng của hoạt động gián điệp mạng. Những quốc gia này không chỉ thành lập “đội quân mạng” mà còn hợp tác với giới hacker dân sự.
Một khi hoạt động gián điệp mạng được triển khai, người điệp viên bằng xương bằng thịt dần dần biến mất. Những thiết bị sao chép kiểu mới sẽ được lắp những microchip có khả năng lưu giữ từng bản sao rồi gửi cho người đặt hàng. Còn những phần mềm chuyên dụng có thể theo dõi mọi thay đổi trên đĩa cứng và ghi lại mọi dữ liệu từ bàn phím chiếc máy vi tính bị xâm nhập.
Cho tới nay đã có thêm từ 20 đến 30 quốc gia thành lập “ quân đội điện tử”, trong đó có Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Pháp và Israel. |
Ai cũng biết tại Phương Tây hiện nay, mạng là nơi hội tụ không chỉ toàn bộ nền kinh tế mà còn là nơi hội tụ của hệ thống cung cấp năng lượng và hệ thống giao thông vận tải. Bởi vậy, cuộc tấn công toàn diện bằng lực lượng hacker sẽ có thể gây tổn thất vô cùng to lớn, thậm chí còn to lớn hơn cả đòn đánh hạt nhân. Một nhà nghiên cứu đã đi đến một kết luận đáng sợ: “Tiếp theo sau cuộc chiến điện tử rất có thể sẽ là cuộc chiến theo kiểu đánh giáp lá cà bởi vì sẽ chẳng còn Internet nào nữa”.
Ngày nay người ta ngày càng hay nói nhiều đến chiến tranh điện tử, chiến tranh trên mạng. Trong cuộc chiến tranh đó các bên tham chiến sẽ sử dụng những phương tiện phi truyền thống, cụ thể là sử dụng những cuộc tấn công của hacker nhằm vào các cơ sở thiết yếu cho nền kinh tế và quốc phòng của quốc gia thù địch, chẳng hạn, tấn công vào các nhà máy hoá học, các máy bay và các hệ thống cung cấp năng lượng.
Quân đội Israel có lẽ là quân đội đầu tiên thử nghiệm kiểu chiến tranh này cách đây ba năm khi tấn công một công trình bí mật ở Syrie. Vào ngày 6- 9-2007, tất cả các màn hình radar của lực lượng phòng không Syrie đều yên tĩnh, không hề có bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại nào. Nhưng không ai ngờ chính thời điểm yên tĩnh đó lại là lúc các máy bay của Israel tiến hành những cuộc không kích dữ dội nhằm vào cơ sở năng lượng hạt nhân mà Syrie đang xây dựng với sự giúp đỡ của CHDCND Triều Tiên.
Hoá ra, phần mềm mạng Internet của lực lượng phòng không Syrie đã bị các hacker quân sự của Israel xâm nhập từ trước và bí mật gài virus Trojan Horse vào. Kết quả là quân đội Israel đã có thể điều khiển được hệ thống phòng không của Syrie.
Từ tháng 9- 2009, quân đội Mỹ đã thành lập U.S. Cyber Command, một đơn vị đặc biệt chuyên đối phó với những cuộc tấn công từ Internet. Một đơn vị tương tự cũng đã thấy xuất hiện ở Trung Quốc. Cách đây hai năm, một đơn vị như vậy cũng đã ra đời ở Đức. Tuy nhiên, vào tháng 2-2009, quân đội Đức vẫn không ngăn chặn được cuộc tấn công của sâu Conficker nhằm vào hàng trăm máy vi tính của họ.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)