Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bùng nổ vấn nạn học thuê

Tạp Chí Giáo Dục

Học thuê, học hộ không còn là vấn đề mới nhưng cho đến nay các trường vẫn chưa thể giải quyết “dứt điểm”. Trong khi đó, ở một số nơi chuyện học thuê đã “bành trướng” thành “chợ” và được mời chào, rao bán công khai. Lớp học có những công dân hạng… hai tại sao vẫn tồn tại?

Giao diện một trang web hoạt động công khai cung cấp người học thuê.Ảnh: N.H
Tôi đi học thuê
Đang bầu bí, thấy tôi có thời gian, chị bạn tôi liền giao ngay việc đi học giúp chị tại Học viện Ngân hàng. Tôi chưa kịp phản ứng, chị đã “phản pháo” luôn: lớp chị học buổi tối, yên tâm, không ai phát hiện đâu. Em mang thẻ đi, đến ngồi điểm danh xong, em ngủ, đọc truyện… hay làm gì trong lớp cũng được. Không có lý do từ chối, tôi nhận lời. Buổi học của tôi bắt đầu từ 6 giờ tối. Lò dò bước vào lớp trong tâm trạng của kẻ làm sai, tôi chọn một chỗ an toàn để ngồi. Bỗng một chị khác trong lớp ở đâu đến ngồi bên cạnh hỏi luôn: em đi học giúp ai à. Tôi lí nhí đáp vâng, chị cười nói luôn: thảo nào trông lạ quá. Không những thế chị còn nói thêm, ở lớp này thi thoảng lại có người lạ đến học. Các thầy không biết à chị? – Chị nghĩ các thầy biết nhưng không nói thôi, bọn chị cũng biết mà.
Buổi tối đi học đầu tiên của tôi diễn ra suôn sẻ, thầy giáo vào lớp giảng bài, điểm danh, 9 giờ tối chúng tôi được về. Đúng là không có chuyện gì xảy ra như lời chị bạn tôi “phán”.
Bát nháo “chợ” cung cấp người học thuê
Sau vài lần đi học hộ, tôi cũng quen được một số bạn trong lớp. Trong đó, có T. cũng giống tôi, đang đi học thuê cho một người khác. T. cho hay đang học giúp một chị bầu bí ở cùng cơ quan. Giá ở đây 50.000đ/buổi học và 200.000 đồng/buổi thi. T. còn bật mí cho tôi, công dân hạng 2 như chúng tôi ở những lớp học liên thông, tại chức trong những trường hiện nay không ít. Những người nhờ học đều có lý do hợp lý cả. Theo T., công việc học hộ rất đơn giản, chỉ việc đến “điểm danh” rồi ngồi “ngáp” hoặc “ngủ” cũng được tiền. Tuy vậy, mỗi tuần học 3 buổi, tròm trèm mỗi tháng thu nhập của T. từ công việc tay trái này cũng không đến nỗi nào. “Làm như thế này mình được hưởng 100% công sức bỏ ra. Làm gia sư, vừa vất vả, vừa mệt lại còn bị trừ đầu trừ đuôi cho các công ty môi giới” – T. chia sẻ. Chính vì vậy, để tạo công ăn việc làm cho các bạn khác, mỗi lần có chị nào đó trong lớp bầu bí cần người học hộ là T. giới thiệu ngay. Đang học liên thông tại ĐH Lao động Xã hội, H. cho biết trong lớp thi thoảng lại có những gương mặt “lạ”. Còn trẻ, lại chân son nên H. thường xuyên được các bậc anh chị nhờ tìm người học hộ. Mỗi buổi học kéo dài 2 – 3 tiếng, sinh viên học thuê sẽ được “chủ” trả 30.000 đồng. Theo H., đây là mức giá “bèo” nhất so với các trường hiện nay. “Vì ở ĐH Kinh tế hay Học viện Ngân hàng, giá phải là 50.000đ/buổi”, H. quả quyết.  
Từ nguồn cầu quá hấp dẫn, học thuê đã hình thành nên những đường dây có tổ chức hẳn hoi. Ngoài mối trong các lớp tại chức, chuyên tu, văn bằng hai… dịch vụ học thuê còn được mời chào, quảng cáo công khai. Những tờ rơi nhận học thay ngang nhiên được trưng bày ở cổng của nhiều trường ĐH, CĐ, với hứa hẹn “đảm bảo chất lượng cao”. Ngay cổng phụ của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG Hà Nội), ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn, Học viện Bưu chính – Viễn thông, ĐH Kiến trúc… có nhiều tờ rơi quảng cáo như thế. Dịch vụ học thuê còn được đăng công khai trên internet. Vào một số trang web như: forum. clip.vn, www.hocthue.net, www.hvtc.vn, www.info.vn, chutin.vn… sẽ dễ dàng thấy thông tin về dịch vụ học thuê tại chức, học thuê văn bằng hai… thậm chí học thuê cho hệ cao học.
Cần thường xuyên kiểm tra, phạt nặng
Tuy nhiên, hiện nay, các trường đều tổ chức giám sát khá chặt chẽ sinh viên của mình. H. cho biết, năm ngoái tại lớp liên thông của H. ở ĐH Lao động Xã hội đã có một vài người bị đình chỉ học do bị nhà trường phát hiện thuê người học hộ. Không những thế, đối với những người học hộ cũng bị trường gửi công văn về trường và về địa phương. Năm nay, học kỳ mới bắt đầu được hơn một tháng nhưng trong lớp vẫn có người đang học hộ. H. cho biết các thầy của trường đã thông báo sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao hơn nhưng xem ra vẫn chỉ là lời “dọa”. Vì dù khi các thầy có đến đóng cửa lớp điểm danh thì đóng cửa trước, người học vẫn có thể “chuồn” được qua cửa sau. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đồng Dũng, Trưởng phòng đào tạo ĐH Lao động Xã hội cho biết tại các lớp liên thông, tại chức của trường vào đầu mỗi năm học trường thường phổ biến rất kỹ các nội quy trong đó có vấn đề học hộ, học thuê. Các buổi học, ngoài giảng viên đứng lớp, các lớp còn có các nhân viên của phòng đào tạo giám sát. Nếu phát hiện trường hợp nào học hộ, trường sẽ đình chỉ học tập đối với người thuê học. Còn người học thuê, trường sẽ gửi thông báo về địa phương hoặc trường nơi người này đang theo học.
Câu chuyện học thuê hẳn sẽ không thể kết thúc trong một xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, vẫn lấy bằng cấp để đo năng lực của lao động. Và cũng không thể mất đi khi các trường còn nhiều kẽ hở để nó có cơ hội tồn tại.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)