Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bùng phát cúm A/H1N1: Ngành y tế sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tuyên truyền phòng chống cúm A/H1N1 cho đội ngũ lái xe taxi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch cúm A/H1N1 hiện nay báo động lên mức 6 – mức đại dịch của toàn cầu. Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã khẳng định: ngành y tế đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra…
Gần 160 ngàn người từ vùng dịch nhập cảnh vào TP.HCM
Bác sĩ Nguyễn Văn Châu – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Từ ngày 26-4 đến nay đã có khoảng 360 ngàn hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất, trong đó có khoảng 160 ngàn người đến từ các nước đang có dịch. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 – 6 ngàn người nhập cảnh vào thành phố đến từ vùng dịch. Đặc biệt, có trên 1 ngàn người/ngày đến từ 4 quốc gia có đại dịch là Mỹ, Mexico, Úc và Nhật. Tại trạm kiểm dịch y tế ở sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi ngày phát hiện từ 10 – 15 hành khách có thân nhiệt cao (38 độ C) và chuyển đến các bệnh viện (BV) để cách ly theo dõi. Hiện đã có gần 200 người có thân nhiệt cao đã và đang được theo dõi tại các BV này”.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM lo lắng: “Hiện đang là mùa hè nên du học sinh về nước khá nhiều, Việt kiều về thăm quê cũng đông. Thực tế cũng đã chứng minh, hầu hết các ca dương tính với cúm A/H1N1 là du học sinh và Việt kiều. Do đó, nguy cơ dịch lan rộng trên địa bàn thành phố là rất lớn. Có thể số ca nhiễm không chỉ dừng lại ở trên 20 ca mà có thể lên tới cả trăm ca…”.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu thì: “Không phải ai tiếp xúc với ca bệnh cũng có thể mắc bệnh mà tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Do vậy, để phòng bệnh, ngoài việc rửa tay, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, cần phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe. Virus cúm A/H1N1 có thể sống ở môi trường bình thường khoảng 4 tiếng và nó chết ở nhiệt độ từ 70 độ C trở lên”.
Xây dựng các BV dã chiến
Chiều 12-6, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Bằng mọi nỗ lực cao nhất, mọi giải pháp thích hợp nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành để ngăn chặn bằng được, không để đại dịch cúm
A/H1N1 xảy ra ở nước ta”.
Với số ca mắc và ca nghi ngờ ngày càng nhiều nên các BV Nhiệt đới, Nhi đồng I và Nhi đồng II đều quá tải. Theo đó, ngày 9-6 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM chính thức giao công tác cách ly kiểm dịch cho BV Phạm Ngọc Thạch với quy mô 50 giường.
“Những hành khách phát hiện có thân nhiệt cao ở trạm kiểm dịch y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được chuyển ngay tới BV Phạm Ngọc Thạch. Tại đây, nếu phát hiện có triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau đầu… thì chuyển sang BV Nhiệt đới, Nhi đồng I và Nhi đồng II”, bác sĩ Phan Văn Nghiệm cho biết.
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã huy động thêm 2 BV đa khoa khu vực Thủ Đức (quy mô 40 giường) và BV Q.12 (quy mô 20 giường) vào công tác cách ly.
“Ngành y tế đã chuẩn bị để ứng phó với các tình huống từ nhẹ, vừa đến nặng. Nếu dịch lan rộng, BV Nhiệt đới (với 500 giường) sẽ trở thành BV chỉ nhận duy nhất bệnh nhân cúm A/H1N1, những bệnh truyền nhiễm còn lại sẽ chuyển sang các BV khác. Trong trường hợp BV Nhiệt đới cũng không thể đáp ứng được thì sẽ hình thành thêm 4 BV dã chiến (400 giường). Về đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị y tế, thuốc men, tất cả đều đã sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Văn Châu khẳng định.
Để hạn chế tối đa việc xảy ra tình huống xấu nhất, ngành y tế đã tăng cường công tác giám sát các ca bệnh. Theo đó khi phát hiện ca bệnh, ngay lập tức điều tra dịch tễ để biết được bệnh nhân đã tiếp xúc với ai và tiến hành khoanh vùng.
Giám sát lưu học sinh, sinh viên từ vùng dịch về nước
Bộ Y tế yêu cầu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H1N1, trong đó nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với việc giám sát chặt chẽ lưu học sinh, sinh viên từ vùng dịch về nước.
Bộ Y tế đề nghị gia đình theo dõi sức khỏe con em từ vùng dịch về, hướng dẫn cách ly trong vòng 7 ngày và thông báo với các cơ quan y tế nơi cư trú để được tư vấn, theo dõi dưới sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 phải nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế về biện pháp cách ly tránh lây lan ra cộng đồng.
Không cần thiết phải đóng cửa trường học
Đó là ý kiến của ông Văn Đình Ưng – thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi ĐH, CĐ, TCCN năm 2009. Ông cho rằng ở Việt Nam, bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 chủ yếu là người từ nước ngoài về nên chỉ cần đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện bệnh sớm.
Ông Ưng cũng cho biết trong tuần này sẽ có kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD-ĐT sớm đưa ra phương án để kiểm tra thân nhiệt của thí sinh trước khi vào các phòng thi. Nếu thấy thí sinh nào có biểu hiện của bệnh cúm, đặc biệt là cúm A/H1N1 thì phải nhanh chóng cách ly hoặc sắp xếp chỗ ngồi riêng. Sẽ không có đặc cách cho những trường hợp này nhưng các thí sinh có thể lùi sang kỳ thi CĐ hoặc thi lần 2. Trong trường hợp bất khả kháng, Bộ sẽ yêu cầu các trường chấp nhận sự điều chỉnh hồ sơ để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
 
Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)