Tòa soạnThư đi – tin lại

Bùng phát hội, nhóm… nhảm nhí

Tạp Chí Giáo Dục

Hội những người đề nghị Công Vinh giải nghệ

Gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận thời gian gần đây là sự ra đời của hàng loạt hội, nhóm trên mạng với những trò nhảm nhí, lố bịch. Những câu mời gọi “gãi” đúng chỗ ngứa của một bộ phận giới trẻ đã “hiệu triệu” hàng chục ngàn thành viên đến với mỗi hội.
Muôn mặt hội, nhóm… nhảm
Điển hình hội, nhóm mà mới nghe đã thấy sốc như: Hội những người đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm, hội những người ghét bọn hôi nách trên xe buýt, hội ghét những thằng soát vé trên xe buýt…; Liên quan đến môn thể thao vua thì có hội những người đề nghị Công Vinh giải nghệ; Âm nhạc thì có hội những người héo úa vì ca sĩ Phi Thanh Vân, hội anti Thủy Tiên và những trò lố, hội ghét Bảo Thy. Mang cả nhà tắm, nhà vệ sinh lên mạng thì có hội những người vừa tắm, vừa hát; hội những người thích đọc báo trong toilet; Liên quan đến học đường thì không thể không kể tên các hội có đông thành viên đăng ký: hội truyền bá kỹ thuật quay cóp, hội lười học mà muốn được điểm cao… Sau khi kẻ thủ ác trong vụ cướp tiệm vàng tại Bắc Giang sa lưới pháp luật thì ngay lập tức có một hội mới ra đời, đó là hội những người hâm mộ Lê Văn Luyện.
Thành viên của các hội không nói ra thì ai cũng biết, họ là những bạn trẻ trong độ tuổi HS – SV thích “buôn dưa lê”. Câu từ của các thành viên thật rẻ rúng, thoải mái mạt sát, miệt thị ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân, tập thể nào đó. Nguyễn Thành An, SV ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM là thành viên của “hội những người đi học chỉ để điểm danh” ngay từ những ngày đầu hội ra đời. An cho biết, lần vô tình lên mạng thấy câu “mồi” vui vui nên đăng ký làm. Tôi vào hội này để xem thử vui đến cỡ nào thì mới tá hỏa khi chuyện học được người sáng lập ra hội đúc kết thật nhảm nhí: “Lúc bé, nghỉ học là chuyện lạ. Lớn lên mới biết chuyện lạ là đi học. Lúc bé tưởng đến trường là phải học. Lớn lên mới biết đến trường còn được ngủ. Lúc bé tưởng thi xong là hết. Lớn lên mới biết sau thi còn có thi lại”. An nói: “Biết đó là những trò vô bổ, mất nhiều thời gian nhưng thú thật mình đã “nghiện”, ngày nào không vào để châm chọc, chửi bới là thấy thiếu thiếu”. Hội nhảm nhí này có trên 30 ngàn thành viên. Đó là chưa kể hàng ngàn fan sẵn sàng cung cấp những tin giật gân xảy ra trong học đường cũng như tin “chó cán xe” ở đâu đó. Fan hoạt động như cộng tác viên thường xuyên của hội, nhóm.
Điều đau lòng là các câu chuyện về lịch sử, truyền thuyết, cổ tích… cũng bị những kẻ mắc “bệnh hội, nhóm” hết “chế” lại “vẽ” xuyên tạc nội dung nghe đến lùng bùng lỗ tai. Ví dụ như “Thánh Gióng là một cậu bé nghiện game online, lười tắm, vừa bước ra chiến trường thì mùi hôi nách làm giặc lảo đảo như say rượu”. Nhảm nhí và quá quắt là trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh là hình ảnh của Mỵ Nương biến thành một con người khác dưới “tài” bốc phét của một thành viên của hội những người thích cải biên truyện cổ tích: “Mỵ Nương thường xuyên dùng dầu gội Dove, uống sữa Cô gái Hà Lan, hàm răng trắng đến nỗi Jang Dong Gun cũng va vào cột điện”. Mỵ Nương còn bị hội này khẳng định “Là một cô gái ăn chơi trác táng với sở thích vũ trường, chát chít, ăn mặc hở hang và vì mê chơi nên năm 18 tuổi mới tốt nghiệp mẫu giáo…”.
Khi quá đà sẽ không còn đủ tỉnh táo
Nhiều mời gọi rất “kêu” và sốc của những người đã sáng lập ra hội hết sức lố bịch này đã thu hút hàng ngàn thành viên đăng ký.
Ngoài những trò lố bằng câu từ, ý tưởng độc, lạ để chứng tỏ “đẳng cấp” của mỗi thành viên, các hội, nhóm còn đầu tư thời gian để tìm cái mới để sánh với các hội khác. Khi hàng loạt hội, nhóm ra đời với nhiều cái tên na ná giống nhau thì một hội mới xuất hiện với cái tên “hội những người không biết tham gia vào các hội để làm gì?”. Vì yếu tố lạ, khai thác đúng thời điểm mà các thành viên bắt đầu có dấu hiệu chán ngấy, hội này đã “kéo” fan và thành viên của các hội khác với số lượng thành viên đăng ký trên 10.000 chỉ trong vòng hai tuần lễ.
Thạc sĩ Võ Thị Tường Vy (Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, xuất phát từ việc giải tỏa bức xúc cá nhân của các bạn trẻ nhưng vì quá trớn dẫn đến mất định hướng và trở thành trò lố lăng, nhảm nhí. Hội, nhóm kiểu này ngày càng thu hút nhiều thành viên đồng nghĩa với việc nảy sinh nhiều chuyện phức tạp ảnh hưởng đến học tập, đặc biệt là luôn có cái nhìn tiêu cực về những gì diễn ra xung quanh mình. Khi quá đà, không còn đủ tỉnh táo để nhận biết giá trị đích thực của mọi vấn đề thì bản thân họ không thể nhận biết được ranh giới giữa cái tốt và cái xấu.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
GS. Trần Văn Khê cho biết: “Bạn trẻ cần một “kênh” để thỏa mãn nhu cầu bày tỏ, gửi gắm cũng như phản ánh những vấn đề của xã hội, gần gũi với mình mà không được đáp ứng thì rất nguy hiểm. Nguyên căn của vấn đề là các hoạt động xã hội lành mạnh chưa thu hút được giới trẻ thì họ có thể làm bất cứ việc gì, kể cả việc đó là xấu”. 
 

Bình luận (0)