Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Bùng phát xu hướng phần mềm online

Tạp Chí Giáo Dục

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng Internet và mạng di động băng rộng 3G đang tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng bán phần mềm như dịch vụ trực tuyến bùng phát ở Việt Nam.

Công ty phát triển phần mềm Starsoft vừa ra mắt phần mềm quản lý nhân sự StarHrm, bán theo thuê bao tháng chứ không bán dưới dạng đóng gói như các phần mềm khác.

Đổ xô ra mắt phần mềm online

Cuối tháng 5 vừa qua, công ty phần mềm MISA ra mắt phiên bản mới phần mềm kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gọi là MISA SME.Net 2010. Điểm mới trong phần mềm này của MISA, hiện có 20.000 doanh nghiệp sử dụng, là có thêm phiên bản trực tuyến cho phép khách hàng sử dụng các tính năng của phần mềm thông qua môi trường mạng Internet.

Cung cấp phần mềm như là dịch vụ trực tuyến (Software as a Service – SaaS) đang là xu hướng thịnh hành trên thế giới. Các phần mềm trực tuyến không yêu cầu cài đặt, có thể sử dụng trực tiếp trên các trình duyệt web phổ biến như Internet Explorer và Firefox.

So với cách sử dụng phần mềm theo cách truyền thống (mua đĩa cài đặt vào các máy tính), sử dụng phần mềm trực tuyến mang lại nhiều tiện ích. Khách hàng không cần đầu tư máy chủ và các phần mềm liên quan như Windows Server, giảm nhu cầu nhân lực quản trị hệ thống máy tính phục vụ cho phần mềm, và đặc biệt là có thể thực hiện các công việc kế toán mọi lúc và mọi nơi thông qua kết nối Internet.

Xu hướng bán phần mềm như dịch vụ trực tuyến đã bắt đầu bùng phát khi khá nhiều công ty phần mềm trong nước cũng đang tích cực chuyển lên xu hướng online. Đầu tháng 5 vừa qua, công ty phần mềm StarSoft còn ra mắt phần mềm quản trị nhân sự StarHRM chỉ bán theo thuê bao tháng dưới dạng dịch vụ trực tuyến, không bán dưới dạng phần mềm đóng gói như hầu hết các phần mềm hiện nay. Các khách hàng muốn ứng dụng phần mềm StarHRM chỉ cần mua các gói dịch vụ từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng tuỳ theo số lượng nhân sự, rồi truy cập vào website của Starsoft để sử dụng phần mềm trên nền tảng web.

Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Công ty an ninh mạng Bkav cho biết từ vài năm nay, công ty này đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng chuẩn bị hạ tầng, chủ yếu là hệ thống trung tâm dữ liệu (data center) cho kế hoạch cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ. Dự kiến cuối năm nay, các phần mềm của Bkav như phần mềm văn phòng điện tử e-Office và phần mềm một cửa điện tử eGate sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ trực tuyến.

Hạ tầng đã sẵn sàng cho các phần mềm online

“Bây giờ là thời điểm tốt nhất để cung cấp các phần mềm dưới dạng dịch vụ”, ông Dương Tiến Phong, Tổng giám đốc công ty Starsoft, nói.

Tốc độ Internet ở Việt Nam ngày càng nhanh hơn và phạm vi phủ sóng rộng hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện các mạng di động băng rộng 3G cho phép các doanh nghiệp có thể truy cập Internet mọi nơi, mọi lúc. Bên cạnh đó, theo ông Dương Tiến Phong, khủng hoảng kinh tế cũng là cơ hội cho các phần mềm online phát triển bởi loại hình dịch vụ này có ưu thế về giá thành.

Tuy nhiên, tâm lý lo ngại bảo mật và sợ lệ thuộc vào nhà cung cấp có thể là rào cản với sự phát triển của việc kinh doanh phần mềm trực tuyến bởi mọi thông tin của người sử dụng đều lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp.

Thế nhưng có vẻ đây không phải là vấn đề các doanh nghiệp phần mềm lo ngại. Bởi theo như ông Nguyễn Tử Quảng, đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu buộc các doanh nghiệp phải thích ứng để thay đổi. Hai nữa, doanh nghiệp cung cấp phần mềm như dịch vụ trực tuyến phải đầu tư các trung tâm dữ liệu đáp ứng tiêu chuẩn an ninh thông tin nghiêm ngặt để đảm bảo chữ tín.

Sẽ phát triển “nóng”

Với triển vọng phát triển lạc quan của dịch vụ Internet, các doanh nghiệp phần mềm tỏ ra tự tin về tương lai của hoạt động cung cấp phần mềm trực tuyến. Ông Nguyễn Tử Quảng dự báo trong vòng 5 năm tới, một nửa doanh thu phần mềm của Bkav sẽ đến từ phần mềm trực tuyến, một nửa còn lại là phần mềm bán theo cách truyền thống. Trong 10 năm tới, doanh thu từ phần mềm trực tuyến do Bkav cung cấp sẽ chiếm khoảng 90%.

Công ty StarSoft cũng hy vọng sẽ có khoảng 300 khách hàng đăng ký dùng phần mềm quản trị nhân sự StarHRM của công ty này trong năm 2010. Theo ông Dương Tiến Phong, đối tượng chuyển lên dùng phần mềm trực tuyến đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có mức đầu tư khiêm tốn nhưng lại có nhu cầu ứng dụng những công nghệ hiện đại trong thực tiễn sản xuất và điều hành doanh nghiệp. Hơn nữa, đây là đối tượng doanh nghiệp ít lo ngại về vấn đề an ninh hơn khi giao phó dữ liệu và hệ thống thông tin cho các nhà cung cấp dịch vụ.

Còn ông Quảng dự báo trong 5 năm tới sẽ có ít nhất 30% các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam có nhu cầu ứng dụng CNTT sẽ chuyển lên sử dụng các phần mềm trực tuyến.

Duy An (Theo Dantri)

Bình luận (0)