Những ngày cuối năm, vượt qua hành trình gần 1.000km đường biên giới ngoằn ngoèo, chằng chịt ổ gà ổ voi, đoàn bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và Bệnh viện Quận 2 đã dừng chân tại huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Lào). Trên vùng đất cằn cỗi, khô khốc, một bệnh viện “dã chiến” đã mọc lên, không chỉ khám bệnh, phát thuốc miễn phí, giữa các bác sĩ và người dân họ trao nhau sự chân tình, những nụ cười hồn hậu.
Các bác sĩ tận tình khám bệnh, phát thuốc cho người dân Thà Tèng ngay trong “bệnh viện dã chiến” vừa được lập nên
Những chuyến khám bệnh xuyên biên giới
Thà Tèng là huyện miền núi thuộc miền Nam đất Lào, giáp ranh với biên giới miền Trung Việt Nam. Địa phương có tỷ lệ người nghèo cao nhất ở Lào. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Đến với Thà Tèng phải trải qua gần 1.000km men theo biên giới. Xa xôi, cách trở và muôn vàn khó khăn là thế, nhưng vẫn không ngăn được nhiệt huyết của những bác sĩ tình nguyện Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và Bệnh viện Quận 2. Đã 8 lần, họ vượt trùng trùng dặm đường để đến với người dân nơi đây, hành trang họ mang theo là tấm lòng nhân ái và nghĩa tình của con người Việt Nam.
Có đi và trải nghiệm mới thấm thía được những gian nan của hành trình. Đoàn xuất phát từ TP.HCM ngược lên cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), hơn 17 giờ đồng hồ đi xuyên đất nước Campuchia, không ít đoạn đường xấu, cầu sắt hẹp nằm chênh vênh, tất cả thành viên đoàn phải xuống xe để bộ hành. Rời khỏi đất Campuchia, đến với địa phận Lào, đoàn tiếp tục hơn 5 giờ đồng hồ men theo đường biên giới để đến với huyện Thà Tèng. Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại địa điểm khám bệnh để chờ đoàn bác sĩ Việt Nam. Không phụ lòng mong mỏi của người dân, ngay lập tức, một “bệnh viện dã chiến” đã mọc lên trong khuôn viên nhà xưởng của một doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Các bàn đăng ký, khám bệnh, siêu âm, điện tim, cấp phát thuốc… được bố trí nhanh chóng theo quy trình một chiều để làm sao chỉ trong thời gian ngắn nhất có thể khám bệnh được cho nhiều người dân nhất. Trong dòng người xếp hàng chờ đợi, các bác sĩ với sự trợ giúp phiên dịch của các nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Thà Tèng và những người Việt Nam sinh sống tại Lào, đã tận tình khám bệnh, tư vấn và thuốc cho người dân. Mỗi một hoàn cảnh là những cảm xúc đong đầy.
Bác sĩ Lê Hồng Tuấn – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận 2 – là người đã tham gia 3 chuyến khám bệnh từ thiện tại Lào chia sẻ: Mô hình bệnh tật của người dân khu vực miền núi của Lào khá giống với mô hình bệnh tật ở Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Dinh dưỡng kém cùng với lao động vất vả khiến người dân thường mắc các bệnh về đau nhức cơ xương khớp, đau mắt, da liễu, tiêu hóa, bệnh phụ khoa, các bệnh về hô hấp… Việc chẩn đoán, tư vấn điều trị cho người dân không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên điều mà bác sĩ Tuấn trăn trở là đời sống người dân quá nghèo khó, khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại và chuyên sâu. Cùng chung nỗi trăn trở, bác sĩ Diêu Hà Nam – Trưởng khoa Cấp cứu – cũng chứng kiến nhiều người dân dù mang bệnh rất nặng nhưng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế. “Nhiều người dân khi đến khám thì bệnh đã nặng quá. Hỏi ra mới biết, họ không có điều kiện đi khám, khi ốm đau chỉ cầm cự chịu đựng qua ngày, nghe tin đoàn bác sĩ Việt Nam đến khám bệnh từ thiện thì hy vọng mới lóe lên. Thế nhưng thời gian chúng tôi ở đây không nhiều, trong khi đó thuốc men, thiết bị y tế lại không đầy đủ nên không thể giải quyết được vấn đề cho họ. Nhìn những ánh mắt chờ mong của người dân chúng tôi không kìm lòng được”, bác sĩ Nam không kìm được xót xa thổ lộ.
Nặng lòng với người dân nghèo Thà Tèng, trong nhiều năm nay Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM và Bệnh viện Quận 2 đã nỗ lực làm dày các chuyến đi hơn, nhằm giúp người dân nước bạn Lào có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa 2 đất nước anh em. Đây là chuyến đi thứ 8 trong chuỗi hành trình tình nguyện mang tình yêu thương “gieo” trên đất bạn Lào. Mỗi một chuyến đi như thế, sẽ có một “bệnh viện dã chiến” lại được mọc lên, khi thì ở trạm y tế xã, lúc lại là một ngôi chùa, có khi lại ở trong nhà kho của một doanh nghiệp… Các bác sĩ thực hiện khám và phát thuốc cho từ 1.000-2.000 người. Bác sĩ Nguyễn Duy Tài – Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 2 – chia sẻ: Ban đầu, chúng tôi chỉ định đến với người dân nước bạn Lào để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí mỗi năm một lần… “Nhưng rồi chính tình cảm, sự quý mến của người dân nơi đây, cùng với đạo đức của một lương y, khiến chúng tôi quyết định trở lại và chắc chắn sẽ còn trở lại nhiều lần trong thời gian tới”, bác sĩ Nguyễn Duy Tài khẳng định chắc nịch.
Mong bác sĩ Việt như “trời hạn mong mưa”
Hết lòng với mỗi chuyến đi nên “quả ngọt” mà đoàn bác sĩ tình nguyện nhận lại được là tình cảm trìu mến, thân thương của người dân nơi đất bạn Lào. Chỉ cần nghe tin có đoàn bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh từ thiện, ngay từ sáng sớm, sương ban mai vẫn còn phủ trùm một màu tro đậm cả một vùng trời Hạ Lào, bà Methao Vifon (70 tuổi), đã cùng con trai đến đây để ngóng chờ. Nhà bà ở bản Thà Tèng Tây, cách trung tâm huyện 25km. Bà vừa cười vừa hồ hởi kể: “Các bác sĩ Việt Nam giỏi lắm, khám cẩn thận lắm, thuốc của bác sĩ Việt Nam cũng tốt hơn lá cây trên núi”. Không chỉ tin tưởng tuyệt đối vào chuyên môn và thuốc của bác sĩ, bà Methao Vifon cũng vui hơn khi kết thúc việc khám bệnh, đoàn bác sĩ còn tặng bà một thùng quà to để mang về cho con, cháu ở nhà.
Bà Piêt Dixay (62 tuổi), nói với chúng tôi mà đôi mắt ngân ngấn lệ: “Tôi bị mờ mắt, đau mắt đã lâu nhưng gia đình khó khăn không đi khám được. Đợt trước nghe tin các bác sĩ Việt Nam đến khám từ thiện tôi mừng hơn bắt được vàng. Các bác sĩ khám rất kỹ, cho thuốc về uống và nhỏ mắt đã đỡ hẳn. Nhiều tháng nay tôi mong ngóng các bác sĩ như “nắng hạn mong mưa”, nay nghe tin các bác sĩ lại sang tôi rất vui và còn dẫn thêm cháu nội đi khám”.
Cảm động nhất là trường hợp của cụ ông Khamtai Dixay (77 tuổi), được người con trai (Savat Dixay) chở đến khám trên một chiếc máy cày. Anh Savat cho hay đã chở bố mình vượt 15km đường núi để đến gặp bác sĩ Việt Nam. Trực tiếp leo lên chiếc xe cà tàng để khám bệnh cho ông, các bác sĩ cho biết, ông bị bệnh tiểu đường lâu năm, nghi kèm thêm lao phổi, dinh dưỡng không đầy đủ nên thể lực suy kiệt, phải nằm một chỗ. Thạc sĩ Trần Quang Châu – Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Quận 2 cho biết: “Với trường hợp này chúng tôi không giúp ích gì được, chỉ biết khuyên người nhà đưa cụ đến bệnh viện chăm sóc y tế lâu dài nhưng có vẻ điều này không khả thi với điều kiện kinh tế của gia đình”.
Ông Nguyễn Văn Việt – Tổng Giám đốc Công ty Khuonmixay (một trong những mạnh thường quân hỗ trợ các chuyến đi khám bệnh từ thiện của Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM) chia sẻ, cuộc sống của người dân Lào vùng miền núi, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn. Họ hầu như rất ít cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế, thậm chí có người cả đời chưa một lần được đặt chân đến bệnh viện bởi cái ăn ngày 3 bữa còn chưa đủ thì việc chăm sóc sức khỏe chỉ là thứ yếu. Đặc biệt, người dân nơi đây rất yêu mến bác sĩ Việt Nam, họ tin vào tay nghề, trình độ của bác sĩ Việt Nam. Và đó cũng là lý do ông quyết định hỗ trợ các đoàn bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh từ thiện tại Lào trong những năm gần đây với hy vọng rằng sẽ mang đến cho người dân Lào còn nhiều khó khăn cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất.
Trân trọng và cảm kích với những hồng y tình nguyện, ông Somphet Eunt Latda – Bí thư huyện Thà Tèng, tỉnh Sê Kông, Lào bày tỏ: “Đây không phải là lần đầu các bác sĩ sang khám và cấp phát thuốc và tặng quà cho người dân chúng tôi, tôi thấy có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi chắc chắn rằng mối quan hệ giữa Việt Nam – Lào ngày càng khăng khít, tốt đẹp, và tôi cũng mong mỏi trong thời gian tới vẫn tiếp tục nhận được những tình cảm, sẻ chia từ các bác sĩ Việt Nam”.
Ghi chép của Dương Hoài Thương
Bình luận (0)