Nhiều năm nay, có một người phụ nữ lúc nào cũng cảm thấy mình mắc nợ những người lính đã mất. Chị đi khắp các nghĩa trang như một niềm khắc khoải, đau đáu tìm những người lính đã ngã xuống để mong đưa các anh về với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Như một mối duyên nợ, chị là người phụ nữ mảnh mai – Thượng tá Trần Thị Oanh Lan, nguyên cán bộ thuộc Cục Chính trị, Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG).
Mắc nợ
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống binh nghiệp, bố và 4 chị em đều là bộ đội nên đầu năm 1975, khi vừa bước sang tuổi 17, Trần Thị Oanh Lan nộp đơn tình nguyện nhập ngũ theo lời kêu gọi của Thành đoàn Hà Nội với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Trong thời gian tại ngũ, làm công tác chính sách, hằng năm, chị cùng với cơ quan chức năng của binh chủng đi thăm hỏi, tặng quà cho 35 bà mẹ Việt Nam anh hùng mà binh chủng nhận phụng dưỡng suốt đời. Từ thấu hiểu sự mất mát của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người con mất cha và từ chính gia đình mình, chị bắt đầu làm một cánh chim thiện nguyện.
Còn nhớ, hành trình đi tìm mộ ông ngoại là liệt sĩ Ngô Thế Lục, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1946 chị mới thấm thía ước vọng được tìm thấy người thân của những gia đình liệt sĩ. Năm 2013, gần 70 năm sau ngày nhận được giấy báo tử, gia đình chị mới tìm thấy mộ của ông. Lúc ấy, cảm xúc của chị là vui mừng xen lẫn lo lắng bởi phần mộ của ông ngoại đã chôn quá lâu nên không thể giám định ADN được nữa. Mặc dù không thể xác định chính xác được hài cốt của ông bằng phương pháp khoa học nhưng trong lòng chị vẫn tin rằng, ở nơi chín suối, ông ngoại cảm thấy an lòng vì con cháu đã được biết phần mộ của ông để hương khói.
|
Tháng 10-2010, chị về hưu. Như một sự sắp đặt của số phận, chị làm Giám đốc Trung tâm Thông tin liệt sĩ thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Hơn 2 năm làm việc tại đây, chị Lan tiếp đón, hướng dẫn hàng ngàn gia đình, giúp họ tìm đến các đơn vị, cơ quan liên quan một cách nhanh nhất để tìm phần mộ các liệt sĩ.
Từ một vài thông tin ít ỏi được cung cấp, chị phải tìm hiểu, tự mày mò, tự bỏ tiền để mua tài liệu, gặp gỡ hàng trăm cựu chiến binh học hỏi kinh nghiệm đi tìm liệt sĩ, tìm hiểu về đơn vị, về ký hiệu, phiên hiệu, về các trận đánh để tích lũy kinh nghiệm. Cứ nghe thấy có đoàn nào đi dâng hương ở các nghĩa trang liệt sĩ là chị đăng ký nộp tiền xin đi cùng…
Chị kể: Tháng 8-2011, chị nhận được mảnh giấy do một cựu chiến binh mang đến, trong đó ghi lời nhắn của một cán bộ nữ công tác tại Huyện ủy huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) nhắn tìm đơn vị thân nhân của 4 liệt sĩ hy sinh ngày 29-4-1975. 4 liệt sĩ là thành viên một kíp xe tăng thuộc Quân đoàn 1 hy sinh ở hướng Đông Bắc khi tiến vào cửa ngõ Sài Gòn giải phóng miền Nam. Dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, phần mộ của các liệt sĩ này vẫn chưa có đơn vị hay thân nhân nào đến nhận.
Nhận được thông tin trên, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ giao cho chị trực tiếp thực hiện công việc tìm thân nhân của 4 liệt sĩ trên. Vốn là một cán bộ của Binh chủng TTG, lại có kinh nghiệm và quen với công việc này nên không khó khăn để chị tìm ra địa chỉ của 4 liệt sĩ đó. Được biết, các anh là cán bộ, chiến sĩ thuộc Đại đội 1, D66, E202, F390 (Quân đoàn 1), gồm các liệt sĩ: Nguyễn Duy Nhân ở xã Chí Sơn, Kim Bảng, Hà Nam; Nguyễn Văn Hành ở Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương; Phạm Ngọc Thản ở xã Hồng Hưng, Gia Lộc, Hải Dương; Nguyễn Văn Bính ở xã Bạch Đằng, Kinh Môn, Hải Dương. Khi đã liên lạc được với các gia đình liệt sĩ, chị đã mời cơ quan chính sách của Quân đoàn 1 lên gặp gỡ, động viên các gia đình. 4 liệt sĩ đã được trả lại tên thông qua kết quả giám định ADN. Hiện nay, 2 liệt sĩ Nguyễn Duy Nhân và Nguyễn Văn Bính đã được an nghỉ tại quê nhà sau hơn 40 năm kể từ khi các anh ngã xuống ở chiến trường.
Với chị, luôn cảm thấy hài lòng với công việc bởi “làm được một việc nghĩa thì cuộc sống sẽ thú vị hơn”, Thượng tá Lan trải lòng. Chị đã giúp đỡ gia đình liệt sĩ Phạm Đức Tuấn ở xã Yên Sở, huyện Thanh Trì (Hà Nội) tìm được phần mộ đã thất lạc nhiều năm.
Niềm vui vỡ òa
Năm qua, Thượng tá Trần Thị Oanh Lan nhận thêm nhiệm vụ mới là Trưởng ban Biên tập website http://triandongdoi.vn. Đây là trang thông tin điện tử nhằm giúp đỡ những gia đình liệt sĩ tìm người thân, diễn đàn để nối dài sợi dây đoàn tụ của các gia đình liệt sĩ và nghĩa tình đồng đội.
Thật khó tin nhưng tất cả những việc chị làm đều từ cái tâm trong sáng của mình. Những chuyến đi dọc đất nước đều do chị tự lo toan từ lương hưu của một quân nhân. Hơn một năm chị đã tìm và kết nối được với 45 gia đình liệt sĩ và hàng chục liệt sĩ đã được gia đình đón về quê nhà. Cụ thể, chị cùng các bạn trẻ, những cựu chiến binh đã tìm được 20 liệt sĩ giúp cho các gia đình ở các tỉnh như Vĩnh Phúc 8 (liệt sĩ), Quảng Ninh 1, Hải Dương 5, Hà Nội 1, Bắc Giang 1, Nam Định 1 và Hà Tây 3, “20 liệt sĩ chúng tôi tìm được hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học từ hồ sơ trích lục của liệt sĩ để phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn và đồng đội của liệt sĩ khi hy sinh để xác minh” – Thượng tá Lan nhấn mạnh.
Trong năm 2014 và 2015, từ những thông tin trên hồ sơ liệt sĩ nhận được, chị đã lặn lội vào tận Bình Dương, Bình Phước, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế… Riêng tỉnh Quảng Nam chị đã đi đến 10/18 huyện trong tỉnh để xin cung cấp thông tin và tìm địa danh liệt sĩ hy sinh, an táng ban đầu.
Bởi lẽ, những trường hợp khi trích lục luôn quá đỗi mong manh như: Chết đuối khi hành quân qua sông, bị địch phục kích không lấy được xác, sốt rét ác tính mai táng tại chỗ, đi công tác trên đường đi Duy Xuyên, mai táng cạnh cây xanh ở Kỳ Long Quảng Đà, hay lô cao su 84 đường 13, mai táng tại kênh Vĩnh Tế… “Những trường hợp như vậy chúng tôi phải tìm đến các cựu chiến binh của đơn vị đó, thông qua Ban Liên lạc của F, E… để tìm hiểu rồi tư vấn cho gia đình. Khi các cựu chiến binh không biết hoặc không nhớ chúng tôi phải tìm đến một đội quân “tinh nhuệ” đó là các bạn trẻ, giỏi công nghệ thông tin chuyên “truy tìm” tài liệu của Mỹ để hỗ trợ thêm cho gia đình liệt sĩ lấy đó làm cơ sở đi thăm viếng, tìm kiếm thông tin liệt sĩ…”, Thượng tá Lan thổ lộ.
Kể về công việc bền bỉ, dày công này, chị Lan chia sẻ: Có trường hợp đi tìm thông tin về một trận đánh, nhưng trong tổng kết lịch sử của đơn vị không có một chút thông tin nào ghi chép lại trận đó, chúng tôi phải đi xe ôm đến hàng chục làng xã, tìm gặp những người lớn tuổi của địa phương từ cán bộ, du kích, kể cả những người lính nghĩa quân (ngụy), đến những người thu mua phế liệu từ những năm 1975-1980 để dò tìm thông tin. Đó là trường hợp 23 liệt sĩ hy sinh ngày 2-5-1972 khi hành quân vào chiếm giữ quận lỵ Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đã được đồng đội chôn cất trên một cồn cát cách đường sắt và đường số 1 khoảng 50m vì đêm tối nên các nhân chứng không còn nhớ chính xác. Và rồi niềm vui cũng đã vỡ òa khi chị tìm được tới đích.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)