Hồi tôi còn bé, ở quê nhà – một nông thôn bình lặng – hôm ấy, trời nổi gió, sắp đổ cơn mưa. Ông nông dân hàng xóm đang ngồi chơi, bỗng đọc câu ca: Trời mưa, trời gió/ Vác đó đi đơm/ Chạy về ăn cơm/ Chạy ra mất đó. Không hiểu sao tuổi thơ ngày ấy tôi lại thuộc mấy câu thơ này. Càng đọc, càng ngẫm nghĩ, tôi cho rằng đấy là những câu thơ chẳng hay ho gì, có vẻ ngờ nghệch. Lớn lên, tôi mới hay bài ca dao ấy còn hai câu tuyệt vời: Từ ngày mất đó, đó ơi! Đó không phân qua nói lại một đôi lời cho đây hay! Thì ra mất cái đó để đơm cá chỉ là việc nhỏ, có khi chẳng mất cái công cụ ấy. Mà việc chính là mất hình bóng của một người đứng đó. Câu thơ bình dị mà chơi chữ tài tình. Sâu xa bên trong lại là một nỗi lòng tiếc nuối, một nỗi buồn trách nhè nhẹ. Hóa ra đây là quy luật của tình yêu. Nhiều khi vô tình thấy người đẹp, ta tìm đến chỗ đó, nhưng vắng bóng người làm ta xốn xang trong lòng. Nguyễn Du đã cho Kim Trọng bước vào quy luật ấy. Chàng gặp chị em Thúy Kiều, về nhà tương tư nhức nhối, băn khoăn. Ở nhà không chịu nổi, Kim đã: Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người/ Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi… Nhưng Kim cũng rơi vào tình trạng của bao chàng trai si tình khác. Làm gì có chị em Thúy Kiều ở đấy. Bước chân lại xăm xăm tìm đến nhà Kiều. Đến nơi, kín cổng, cao tường. Và, làm sao tìm gặp người đẹp? Chàng lại lang thang quanh ngôi nhà đang khóa xuân hai kiều. Bỗng Kim phát hiện: có một ngôi nhà vắng chủ đang bỏ trống ở cạnh nhà của hai nàng. Chàng liền nghĩ kế: hãy thuê căn nhà ấy với lý do thuê một nhà trọ học, ngày ngày sẽ được thấy hoặc gặp gỡ người trong mộng. Ấy là, Nguyễn Du tả bước chân lang thang của chàng Kim và dẫn đến việc thuê nhà. Một trình tự, lớp lang, hợp lí, đúng tâm trạng của kẻ đang yêu.
Nói kỹ càng như trên để thấy cụ Nguyễn đã bỏ đi chi tiết không hay trong Kim – Vân – Kiều Truyện. Thanh Tâm Tài Nhân (TTTN) cho Kim Trọng tự trách: Mình khéo lẩn thẩn quá! Mỗi người ở một nơi, dù có tơ duyên, cũng chẳng mấy khi may mắn gặp gỡ được. Vậy tất phải tìm một gian phòng ở sát nhà nàng làm nơi đọc sách, thì họa chăng mới có dịp gặp gỡ. Nghĩ thế rồi liền nhờ người hết sức dò la, tìm thuê được một mảnh vườn tên là “Lãm thúy viên” ở sát một bên phía sau nhà họ Vương.
Như vậy, TTTN cho Kim Trọng ở nhà tính toán, lập mưu rồi nhờ người đi tìm gian phòng ở sát nhà nàng. Nguyễn Du khác hẳn, cụ không cho Kim nằm nhà mưu tính và nhờ người… Ta chú ý bước chân của chàng trai si tình dẫn đến kết quả tìm được nhà trọ ở sát nhà họ Vương. Chúng tôi không có ý chê trách TTTN, cũng chỉ làm rõ dụng ý của cụ Nguyễn. Nói kỹ càng như vậy để thầy cô giáo cẩn thận khi dùng ý của sách giáo khoa. Sách giáo khoa viết: Chàng đã cất công dò la… (Dò la, dò là bằng cách kín đáo, bằng lối hỏi gián tiếp, nghe ngóng, (Từ điển tiếng Việt trang 280). Sách giáo khoa đã xa rời dụng ý của Nguyễn tiên sinh, một dụng ý nâng cấp cho đoạn tương tư mà cụ đã tả trước đấy!
Đặc điểm nghệ thuật thứ hai trong đoạn thơ miêu tả bước chân Kim Trọng đi tìm chị em Thúy Kiều là phương pháp đối lập, tương phản. Kim nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi, nhưng đến nơi thì một vùng cỏ mọc xanh rì/ Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu! Không thấy gì tức không thấy người trong mộng nhưng cụ Nguyễn muốn nhắc đến dòng nước lúc Kim từ biệt chị em Thúy Kiều: Dưới dòng nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Nước ở dòng suối buổi chia tay vì trong veo nên để lại một dáng vẻ của mối tình lưu luyến: bóng mặt trời về chiều chiếu lên cây liễu, cây liễu ấy in hình trên mặt nước. Nói cách khác cảnh ấy thấm đẫm một sự e ấp, lưu luyến mà chỉ người trong cảnh phải chia tay mới nhận ra. Bây giờ, Kim trở lại chẳng thấy tơ liễu bóng chiều, chẳng tìm ra một dấu vết gì của lúc ban đầu… Và nếu hôm ấy Kim đi chơi xuân, cỏ trên mặt đất là cỏ non xanh tận (rợn) nay cỏ đã thay màu, một màu sắc kín như bưng, một màu dễ làm cho chàng Kim thất vọng và oán trách: cỏ mọc xanh rì…
Tất cả tâm trạng của Kim lúc này là Nguyễn Du chuẩn bị cho việc Kim vui mừng khi tìm thấy vườn Lãm thúy tiếp theo ở sau.
Lê Xuân Lít
Bình luận (0)