Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bước chuyển mình của phim tài liệu

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm gần đây, dòng phim tài liệu đã gặt hái nhiều thành công: Những đứa trẻ trong sương nằm trong danh sách 15 phim tài liệu xuất sắc nhất giải Oscar lần thứ 95, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng từng bán gần 10.000 vé trong vòng 11 ngày trình chiếu…

Phim tài liệu nhà nước – "làm mới" nhưng không quên "cốt lõi"

Nối tiếp giá trị truyền thống nhưng cũng không ngừng làm mới là châm ngôn của các đạo diễn phim tài liệu nhà nước. Điển hình như các đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, Đặng Linh, Dương Huy… đã có những tác phẩm gây tiếng vang và nhận được sự quan tâm của công chúng.

Bước chuyển mình của phim tài liệu - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương. Ảnh: ĐPCC

Chủ đề mà họ khai thác là những câu chuyện mang hơi thở hiện đại hoặc những câu chuyện ý nghĩa cần được lưu giữ. Đáng nhớ nhất phải kể đến cuộc chiến khốc liệt của đội ngũ y bác sĩ trong hành trình nỗ lực để giúp các thai phụ mắc Covid-19 (năm 2021) được "mẹ tròn con vuông". Nỗi đau đớn, sự sợ hãi và cả lòng dũng cảm… được đạo diễn Tạ Quỳnh Tư ghi lại rõ nét qua từng thước phim trong Ranh giới.

Ngoài những câu chuyện mang tầm "vĩ mô" thì không ít đạo diễn trẻ đã chọn kể các câu chuyện rất cá nhân khác. Như cách mà đạo diễn Đặng Linh thực hiện Chuyện ngày hôm qua về ban nhạc Bức Tường và cố ca sĩ Trần Lập (2017), hay Những ngả đường sáng tối (2018) theo chân nhân vật là các kỹ thuật viên Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt T.Ư trong chuyến hành trình thu nhận giác mạc do người mất hiến tặng với ước nguyện mang đến ánh sáng cho những người đang sống.

Nhờ sự trợ lực lớn về mặt kinh phí từ Nhà nước cũng như thừa kế những giá trị của thế hệ trước và không ngừng học hỏi, thế hệ đạo diễn trẻ đã khẳng định vị trí của phim tài liệu "vẫn còn và mãi còn" trong bản đồ điện ảnh VN.

Phim tài liệu độc lập – năng động, sáng tạo nhưng lắm… gian nan

Khác với những tác phẩm của các đạo diễn phim tài liệu nhà nước, phim tài liệu độc lập có phần "táo bạo" hơn khi khai thác những đề tài chưa được đại đa số người VN hưởng ứng, như về cộng đồng LGBTQ+. Thêm nữa, các nhân vật trong phim tài liệu độc lập thường là những phận người không tên nhưng lại mang trong mình câu chuyện với muôn phần ý nghĩa.

Dù thu về nhiều thành tích tại các liên hoan phim, các lễ trao giải trong và ngoài nước, nhưng thực tế hành trình làm phim tài liệu của các đạo diễn độc lập khá gian nan, bởi họ không được đầu tư về mặt kinh phí hay thiết bị. Họ phải tự bươn chải để nuôi mình, nuôi đam mê làm phim và một hành trình "thai nghén" đứa con mang hình hài, tiếng nói của cá nhân họ, để từ đó các tác phẩm ra đời, như Nguyễn Thị Thắm với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (phim tài liệu từng sốt vé vào cuối năm 2014), Trần Phương Thảo với Đi tìm Phong (ra rạp năm 2018), hay Hà Lệ Diễm với Những đứa trẻ trong sương (2021, khởi chiếu đầu năm 2023)…

Đạo diễn trẻ Đỗ Thị Huyền Trang (tác giả phim tài liệu Ánh sáng của con – đạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim VN lần thứ 22, năm 2021) cho rằng: "Hiện nay các đạo diễn trẻ rất có ý thức tìm tòi các chất liệu để làm phim và mỗi đạo diễn lại có chất liệu sáng tạo riêng của mình. Họ biết chú trọng trong từng công đoạn, từ nội dung phim đến hệ thống nhân vật để truyền tải được thông điệp phim tốt nhất. Công tác dựng phim cũng có nhiều sáng tạo hơn so với trước đây".

"Tuy nhiên, các đạo diễn trẻ dòng phim tài liệu cũng gặp một số khó khăn như thiếu chất liệu thực tế để khai thác trên hiện trường làm phim và cách tiếp cận với nhân vật, đạo diễn trẻ thường khó tiếp cận với những nhân vật lớn tuổi vì tâm lý của nhân vật chưa thực sự tin tưởng ở người trẻ dẫn đến việc hợp tác có khó khăn", đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang cho biết thêm.

Để phim tài liệu không bị khuất lấp

Ngoài những khó khăn riêng thì dòng phim tài liệu nhà nước và phim tài liệu độc lập đều phải đối diện một khó khăn chung: Làm thế nào để tăng độ nhận diện trong lòng khán giả?

Theo Th.S Hoàng Dạ Vũ, Phó viện trưởng Viện Sân khấu – Điện ảnh (Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), phim tài liệu hoàn toàn có cơ hội ra rạp và thu hút khán giả nếu làm tốt khâu quảng bá, phát hành phim và được các hệ thống rạp chiếu tạo điều kiện. "Bên cạnh đó, việc truyền thông, giúp khán giả tiếp cận và coi phim tài liệu như một thể loại gần gũi, hấp dẫn cũng là một điều quan trọng. Chúng ta đã thấy được hiệu quả của những liên hoan phim tài liệu quốc tế tổ chức thường niên tại Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, các workshop về phim tài liệu tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh trẻ… đã giúp phim tài liệu ngày càng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ", Th.S Vũ nói.

"Điều này sẽ giúp hình thành một nhóm khán giả yêu thích và sẵn sàng đến rạp xem phim tài liệu. Nhưng hơn hết, tính sáng tạo, cá tính độc đáo và thông điệp ý nghĩa của những tác phẩm điện ảnh tài liệu mới chính là sức hút mạnh mẽ nhất kéo người xem đến rạp thưởng thức", Th.S Vũ nhấn mạnh.

Theo Kim Chung – Thi Thơ/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)