Y tế - Văn hóaThư giãn

Bước đột phá của truyện tranh dã sử

Tạp Chí Giáo Dục

Sự trở lại của bộ truyện tranh dã sử Long Thần Tướng do nhóm Phong Dương và những cộng sự thực hiện đang tạo nên trào lưu mới cho truyện tranh dã sử.
Bước đột phá của truyện tranh dã sử 1 
Tạo hình nhân vật trong truyện Long Thần Tướng – Ảnh: Nhóm phong dương cung cấp
Long Thần Tướng phần mới dự kiến gồm 5 tập, 30 chương, sẽ ra mắt độc giả từ tháng 9 năm nay. Ngoài Khánh Dương (tác giả kịch bản), Thành Phong, Nguyễn Mỹ Anh (họa sĩ), nhóm thực hiện còn có thêm Trần Quang Đức (cố vấn lịch sử).
Truyện lấy bối cảnh vào khoảng thời gian trước khi Đại Việt bước vào cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1284 – 1285), một trong những trang sử hào hùng nhất của dân tộc ta. Họa sĩ Thành Phong chia sẻ: “Chúng tôi muốn đưa ra những hư cấu, giả định về câu chuyện lịch sử để mọi người có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều và hình dung rõ hơn về lịch sử”. Những góc nhìn khác nhau được đưa ra để cuối cùng, người đọc Long Thần Tướng tự lý giải cho câu hỏi: vì sao một đạo quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ như Nguyên Mông lại thất bại thảm hại trước quân đội Đại Việt, điều mà sử sách cũng chưa làm rõ hết.
 
 
 
Ủng hộ được làm “nhân vật quần chúng”
Mức ủng hộ cho bộ sách được nhóm tác giả kêu gọi từ 50.000 đồng với các ưu đãi kèm theo. Ở mức cao nhất 6 triệu đồng (tối đa 10 người) nhóm thực hiện giới thiệu thêm một ưu đãi ngộ nghĩnh “Bạn sẽ xuất hiện trong truyện Long Thần Tướng tập 1 với vai trò một “nhân vật quần chúng” thời nhà Trần, nói chuyện với nhân vật chính trong khoảng 2 – 3 khung hình, thậm chí bạn có thể… bị bắn chết nếu muốn! Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với bạn!”.
 
Tuy là một bộ truyện dã sử, nhưng Long Thần Tướng đề cao tính chân thực của lịch sử: từ bối cảnh, cho đến trang phục, tạo hình nhân vật. “Mười năm trước, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, tư liệu lịch sử khan hiếm, nhất là chưa nghiên cứu được sâu về hình ảnh lịch sử. Nhiều hình ảnh trong truyện tranh ảnh hưởng từ phim, ảnh, tranh được thể hiện dựa theo tư liệu tìm kiếm được từ thời nhà Nguyễn. Nhưng thực ra trang phục, kiến trúc mỗi thời rất khác nhau. Bởi vậy lần này, chúng tôi mời nhà nghiên cứu Trần Quang Đức (tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ) làm cố vấn lịch sử. Chúng tôi kết hợp với Đức để có được nguồn tư liệu cũng như kiến thức lịch sử phong phú, tạo không khí câu chuyện gần với lịch sử thời kỳ đó nhất”, Thành Phong chia sẻ. Ngoài ra, cả nhóm thường có những “buổi học lịch sử” ngoại khóa tại các di tích, bảo tàng.
Độc giả chấp nhận trả tiền mua sách trước
Từ khi được đăng trên tạp chí Truyện Tranh Trẻ (NXB Trẻ) năm 2004, Long Thần Tướng đã tạo nên cơn sốt. Một câu chuyện hấp dẫn, tranh vẽ đẹp, và đặc biệt dành cho cả độc giả người lớn. Long Thần Tướng kéo dài đến chương thứ 15 thì phải dừng lại do tạp chí ngừng xuất bản. Nhóm Phong Dương đã thử đo sự hưởng ứng của độc giả bằng hình thức kêu gọi vốn cộng đồng, nôm na là bạn đọc trả tiền mua sách trước cho tác giả sáng tác. Bất ngờ là chỉ sau gần 2 tháng, số tiền độc giả ủng hộ đã lên tới hơn 300 triệu đồng, vượt qua cả con số dự kiến. Điều đó cho thấy nhiều độc giả đã bắt đầu đặt lòng tin vào truyện tranh Việt và chờ đón dòng truyện mới.
Để tạo ra trào lưu cho truyện tranh lịch sử dành cho người lớn phải có thị trường, điều đó đòi hỏi nhiều yếu tố từ lực lượng sáng tác, đến định hướng của nhà xuất bản, thói quen của độc giả… Chỉ riêng một nhóm tác giả hay một bộ truyện rất khó đủ sức tạo nên trào lưu mới trong tương lai gần, nhưng dù sao vẫn có thể lạc quan bởi những người mở đường đều còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X, 9X.
Theo TNO

 

Bình luận (0)