Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Buộc ngành điện công khai lời, lỗ khi tăng giá điện

Tạp Chí Giáo Dục

Về đề nghị tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kỳ họp Chính phủ này chưa đưa ra bàn bạc.

Việc tăng giá điện sẽ được Chính phủ xem xét tại thời điểm thích hợp, có cân nhắc tới các yêu cầu về kiềm chế lạm phát, chi phí đầu vào của các ngành sản xuất. Khi quyết định điều chỉnh giá, sẽ buộc ngành điện công khai chi phí sản xuất cũng như kết quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình khó khăn không thiệt thòi hơn. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4-11.

Theo ông Đam, phân tích các số liệu của nền kinh tế cho thấy tháng 10, lạm phát đã giảm nhiều so với tháng trước (ở mức 0,36%), thấp nhất kể từ đầu năm. Điều này cho thấy các giải pháp kiềm chế lạm pháp đã triển khai đúng hướng. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 78 tỉ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ, gấp ba lần chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao. Nhập siêu của 10 tháng chỉ xấp xỉ 10,8% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 16% Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 11 đầu năm.

Tuy nhiên, hệ quả của chính sách tín dụng chặt chẽ triển khai từ đầu năm, với độ trễ nhất định, đến nay đã bộc lộ rõ là sản xuất công nghiệp tháng rồi chỉ tăng 5,2%, thấp hơn mức bình quân 7% của 10 tháng. Số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhiều so với trước. Doanh nghiệp đang hoạt động thì rất khó khăn, cả về vốn, thị trường. Lãi suất ngân hàng đã được điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, doanh nghiệp khó tiếp cận.

Tổng hợp các chỉ tiêu, Chính phủ đánh giá kinh tế vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mục tiêu kìm giữ lạm phát cả năm ở mức 18% vẫn là thách thức nhưng phải cố đạt được. Điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm cần uyển chuyển, linh hoạt để đạt được tăng trưởng GDP 2011 khoảng 6%, tạo đà thuận lợi để nâng tăng trưởng năm sau lên mức 6%-6,5%.

Về đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Đam khẳng định các ngân hàng thương mại trong nước tuy có nhiều vấn đề nhưng vẫn trong tình trạng an toàn. Mục tiêu của việc tái cơ cấu là để sắp xếp lại, vừa nâng cao chất lượng, vừa tăng quy mô hợp lý và trong mọi trường hợp phải đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Về đề xuất điều chỉnh giờ làm để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội, Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc này liên quan tới Hà Nội nên Chính phủ yêu cầu thủ đô phải chủ động nghiên cứu, đề xuất. Ngoài ra, ách tắc giao thông là vấn đề lớn của các đô thị nên Chính phủ yêu cầu TP.HCM cũng chủ động nghiên cứu, báo cáo giải pháp. Chính phủ quyết tâm đôn đốc, chỉ đạo xử lý vấn đề này và hiện vị trí chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã được giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phụ trách, thay vì chỉ cấp bộ trưởng giao thông như nhiệm kỳ Chính phủ trước.

NGHĨA NHÂN (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)