Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Bước tạo đà của ngành du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Đêm cuối năm 2011, tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hội An, Hạ Long… xen lẫn trong dòng người đổ về những tụ điểm văn hóa để đón Giao thừa, có rất nhiều người nước ngoài gồm đủ các lứa tuổi, sắc tộc và quốc tịch. Phần đông trong số đó là những du khách quốc tế đã chọn Việt Nam làm điểm đến để đón mừng năm mới.
Ngày đầu năm 2012, thêm gần 300 du khách châu âu của Công ty du lịch Saigontourist đã đáp xuống Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) trên chuyến bay VN595 của Vietnam Airlines. Cùng thời điểm ấy, hơn 2000 du khách đến từ Âu -Mỹ và Bắc Á… trên con tàu du lịch Super Star Aquarius đã cập bến Hạ Long, bắt đầu chuyến tham quan khám phá một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới…
Ảnh minh họa/ Internet
Đó là những nét mới của “Tết Tây” ở “xứ ta” những năm gần đây và là tin vui của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn bĩ cực của nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu chính thức, năm 2011 vừa qua, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 22% so với năm 2010, góp phần nâng tổng thu nhập của ngành “công nghiệp không khói” của nước ta trong năm qua đạt hơn 130.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Những con số trên đây càng thêm ý nghĩa nếu biết rằng: Tại các thị trường truyền thống về nguồn khách quốc tế của ngành du lịch Việt Nam, năm 2011 vừa qua phải đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn, như: Nội chiến, thiên tai, khủng hoảng nợ công, dịch bệnh… Tuy vậy, số lượng khách du lịch đến từ các thị trường này trong năm qua vẫn không giảm. Chọn Việt Nam làm điểm đến, ngoài việc được chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh của một dân tộc hàng nghìn năm văn hiến, còn vì đất nước Việt Nam khá ổn định và hòa bình, con người Việt Nam thân thiện và mến khách. Đó là cảm tưởng chung của đa số du khách khi được hỏi chuyện.
Những thành tích trên là tiền đề quan trọng tạo đà cho ngành du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng ngành du lịch nước ta đang còn nhiều hạn chế: Nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển du lịch vừa thiếu vừa yếu, đa số hiện nay đều là nghiệp dư “tay ngang”; chất lượng các sản phẩm du lịch còn thấp, đơn điệu, ít đầu tư và thiếu sáng tạo; công tác quảng bá du lịch cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp… Đặc biệt là môi trường du lịch -cả tự nhiên lẫn xã hội -còn nhiều tồn tại, như: Nhếch nhác, rác rưởi; chèo kéo, chụp giật; tai nạn giao thông v.v…
Khắc phục những tồn tại, yếu kém trên đây là công việc không đơn giản, nhưng nhất quyết phải làm. Bởi phát triển du lịch không chỉ là thúc đẩy một ngành kinh tế quan trọng nhiều tiềm năng của đất nước, mà còn là một phương thức tôn vinh văn hóa, nâng cao vị thế của dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế!
Theo Tuyên Hóa
(QĐND)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)