Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bước tiến dài của trái cây xuất khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với chất lượng và giá cả cạnh tranh…
Cuối tháng 6-2021, một doanh nghiệp (DN) Hà Lan đã chấp nhận bỏ ra gần 1 tỉ đồng để thử nghiệm đưa vải thiều tươi của Việt Nam sang châu Âu (EU) bằng đường tàu biển. Sáu tấn vải thiều tươi được sơ chế và đóng gói đặc biệt, rời Việt Nam và tới Hà Lan vào đầu tháng 8. Sau 5 tuần lênh đênh trên biển, vải thiều Việt Nam đến tay người tiêu dùng châu Âu với chất lượng hơn cả mong đợi (màu đỏ đẹp, vỏ mềm, khô ráo, mùi thơm) và giá bán cạnh tranh, chỉ 13,5 euro/kg (tương đương 360.000 đồng/kg), bằng 2/3 so với vải thiều nhập khẩu bằng đường hàng không.
Tín hiệu tích cực
Theo ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LTP B.V (DN nhập khẩu vải thiều), vải thiều Việt Nam xuất khẩu bằng đường hàng không sang EU tuy tạo tiếng vang nhưng giá cao nên chỉ xuất được vài lô nhỏ lẻ. "Để đạt được hiệu quả kinh tế thì cần phải tăng sản lượng. Một số nước có trái cây tương tự như Việt Nam dù sản phẩm không ngon bằng nhưng có lợi thế về công nghệ bảo quản, họ xuất khẩu bằng tàu biển, chi phí thấp nên tính cạnh tranh cao.
Chính vì vậy, chúng tôi đã kết hợp cùng đối tác tại Việt Nam thử nghiệm công nghệ mới, kéo dài thời gian tươi lâu của quả vải để có thể vận chuyển bằng đường biển. Trái cây Việt Nam muốn tăng cạnh tranh phải có vùng nguyên liệu lớn, chất lượng ổn định, cùng với việc ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản" – ông Hiển lưu ý.
Bước tiến dài của trái cây xuất khẩu - Ảnh 1.
Đóng gói thanh long trước khi xuất khẩu 

Cũng theo ông Hiển, lô vải thiều trên có độ tươi lâu là nhờ được sơ chế bằng chất xử lý ở mức cho phép của EU, sấy khô và đựng trong túi ni-lông đặc biệt.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định việc xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên bằng đường biển sang EU là tín hiệu tích cực của trái vải Việt Nam cũng như nhiều loại trái cây khác.
"Hy vọng sau lô hàng thử nghiệm thành công, mùa vải thiều năm sau Việt Nam sẽ xuất khẩu được sản lượng lớn hơn, mang lại giá trị cao và tận dụng được ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Hà Lan là một nước rất phát triển trong công nghệ bảo quản rau quả. Gần đây, họ đã có cam kết trong chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể lọt vào tốp 15 nước xuất khẩu trái cây có công nghệ bảo quản trái cây tiên tiến, từ vị trí chưa có trong bảng xếp hạng hiện nay" – ông Nguyên thông tin.
Cũng theo ông Nguyên, do hàng rào kỹ thuật (về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật) của mỗi thị trường nhập khẩu khác nhau nên công nghệ bảo quản không được ứng dụng đại trà. "Thông thường phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nhập khẩu nước ngoài và nhà xuất khẩu Việt Nam để sử dụng các chất bảo quản và công nghệ bảo quản được phép. Ví dụ, có thị trường cho phép trái cây xử lý chiếu xạ nhưng có thị trường lại không, thị trường cho phép chất diệt nấm này nhưng nơi khác lại cấm" – ông Nguyên nói.
Không chỉ DN xuất khẩu, mới đây LeKha Mart, một đơn vị cung cấp nông sản sạch tại TP HCM, vẫn bán được vải thiều tươi với giá 200.000 đồng/kg dù mùa thu hoạch đã kết thúc 1 tháng. Mức giá này cao gấp gần 3 lần so với thời điểm chính vụ.
"Để bán được vải thiều tươi với giá cao, chúng tôi tiến hành thu hoạch vải thiều sạch đạt tiêu chuẩn Global GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu, không nhiễm vi sinh) ở thời điểm ngon nhất, sau đó bảo quản mát ở nhiệt độ thích hợp. Nguyên tắc là vậy nhưng khi làm cần phải có kỹ thuật, chú ý từng chi tiết về thời điểm thu hoạch, yếu tố thời tiết, độ ẩm mới có kết quả như mong muốn. Bản thân tôi rất muốn trái cây phải được sơ chế tại nguồn để bảo đảm chất lượng, dễ bảo quản, tối ưu hóa chi phí vận chuyển" – ông Lê Trọng Kha, Giám đốc LeKha Mart, chia sẻ.
Phải cải tiến liên tục
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cũng đánh giá công nghệ bảo quản trái cây của Việt Nam đã có bước tiến dài trong những năm gần đây. "Khi tôi khởi nghiệp năm 2008, quả dừa tươi chỉ bảo quản được 20 ngày, khi hàng đến nơi thường bị thâm kim nên xuất khẩu phập phù. Đến nay, nhờ công nghệ bảo quản mà quả dừa tươi để được 80 ngày nên có thể xuất khẩu bằng đường biển đi khắp thế giới. Dù giá cước vận tải biển tăng phi mã nhưng so với độ tăng của cước hàng không cũng chỉ bằng 1/10.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu trái cây của Tập đoàn Vina T&T tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ các loại quả có công nghệ bảo quản như: dừa, sầu riêng, nhãn, thanh long. Trước đây, xoài xanh cũng là mặt hàng đem lại giá trị kim ngạch lớn cho DN nhờ xuất khẩu bằng đường biển nhưng nay phải tạm dừng do thời gian vận chuyển đường biển kéo dài hơn trước, công nghệ bảo quản cũ giữ quả trong 30 ngày không còn đáp ứng. Điều này cho thấy công nghệ bảo quản cần phải cải tiến liên tục" – ông Tùng đánh giá.
Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An) – DN sở hữu hệ thống kho bảo quản nông sản tươi bằng công nghệ điều chỉnh khí tự động đầu tiên tại Việt Nam, cho biết dù công nghệ mới có thể kéo dài thời gian tươi của từng loại quả lên gấp 2-4 lần so với kho lạnh thông thường nhưng để tối ưu hóa cần có sự đồng bộ. "Cần phải chú ý từ khâu chọn giống, canh tác, phân thuốc sử dụng cho đến quá trình thu hoạch, sơ chế phải nhẹ nhàng thì giá trị trái cây Việt Nam mới được nâng cao" – bà Chân nhìn nhận.
Xuất khẩu chanh, chuối, bưởi… sang Hà Lan
Tại phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Hà Lan diễn ra ngày 9-8, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại, cho biết các DN rất quan tâm đến xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, tập trung vào các mặt hàng: trái cây tươi (bưởi da xanh, chanh, chuối, nhãn), trái cây chế biến (đông lạnh IQF, sấy khô, xay nhuyễn, cô đặc), bột rau sấy lạnh (cần tây, cải bó xôi, rau má…), nấm mối đen, hạt điều chế biến, thủy sản (tôm thẻ, tôm sú…).
Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, cho rằng Hà Lan là thị trường mở, không có bất cứ ưu tiên hoặc hạn chế hàng nông sản, thủy sản từ quốc gia nào. Họ sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu nói chung, của thị trường Hà Lan nói riêng và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng nơi đây. Tuy nhiên, để hàng nông sản, thủy sản Việt Nam thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Hà Lan nói riêng, EU nói chung, đòi hỏi các DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh được về giá.
 
NGỌC ÁNH (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)