Dư luận bức xúc chuyện “dạy thêm, học thêm”, Bộ GDĐT cũng có văn bản thắt chặt việc “dạy thêm, học thêm” mà đã từng bị liệt vào “tội” tham nhũng, nhưng thực tế vẫn diễn ra sôi động khi việc học hành mà người dạy lẫn người học vẫn giữ “tôn chỉ” mục đích học là để thi cử.
Nhà giáo Lê Sĩ Tứ (Hà Nội) cho rằng, không thể ngăn cấm được việc dạy thêm, học thêm, ông đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh và học sinh nên lựa chọn học thêm như thế nào cho hiệu quả, tránh hiện tượng học thêm theo kiểu phong trào.
Thực ra việc dạy thêm, học thêm kéo dài xuyên suốt cả năm học. Cơ quan chủ quản là Bộ GDĐT cũng ra nhiều văn bản cấm dạy thêm, học thêm, nhưng chỉ là chuyện “đánh trống bỏ dùi”, vì dạy thêm, học thêm vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đã trở thành một “vấn nạn”. Các trường kể từ mẫu giáo trở lên đành chấp nhận “sống chung” với dạy thêm, học thêm.
Học sinh lớp 12 tìm đến lò luyện thi đại học. Ảnh: GIANG HUY |
Tuy nhiên thường là vào đầu tháng 3, đặc biệt là khi Bộ GDĐT chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp phổ thông (TNPT), lúc đó mới chính thức bước vào “mùa” dạy thêm và học thêm. “Thời vụ” kéo dài cho đến trung tuần tháng 7 – lúc kết thúc các kỳ thi ĐH-CĐ. “Mùa” dạy thêm, học thêm được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 chấm dứt trước ngày thi TNPT; giai đoạn 2 “luyện thi đại học” cấp tốc, vất vả, căng thẳng cho cả người dạy lẫn người học, nhất là vào những ngày hè oi bức. Hình thức dạy thêm, học thêm rất đa dạng, phổ biến nhất là những dạng sau đây:
1-Mở lớp dạy thêm, học thêm “đại trà”, do chính các thầy cô dạy chính khoá trên lớp còn chưa xong, bằng nhiều biện pháp khôn khéo “ép” học trò học thêm do chính mình dạy để có điểm kiểm tra “cao”, một kết quả “rởm”. Hầu hết học sinh không thích học thêm theo kiểu này, song vì nhiều lý do “tế nhị”, “cũng đành nhắm mắt đưa chân”. Dạy thêm như vậy làm hình ảnh thầy – cô “xấu dần trong mắt học trò”. Công luận nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nhưng vì mục đích kiếm tiền, một số không ít thầy cô đã tự đánh mất mình.
2-Những gia đình có điều kiện kinh tế, lại có nguyện vọng cho con vào ĐH, thường rước mời thầy – cô giáo “tay nghề” giỏi, có uy tín về dạy con em trong những lớp “tại gia”, diện hẹp 7-8, hoặc 10 trò là cùng, thậm chí chỉ một thầy kèm một trò. Dạy dưới hình thức này hiệu quả cao, đương nhiên tiền nộp học phải cao.
3-Trò tự tìm lớp ghi danh học, nhiều khi học toán ở Đại học Quốc gia, hoá- lý ở ĐH Bách khoa. Ngay môn toán, hình học thụ giáo thầy A, đại số lại là thầy B… Đi lại vất vả, song tìm đúng thầy mà mình tin tưởng, gửi gắm cũng đủ tạo nên hứng thú khi học tập.
Thật công bằng mà xét, tự thân việc dạy thêm, học thêm không có lỗi, xuất phát điểm là do nhu cầu của người học. Có “cầu” tất phải có “cung”- cơ chế thị trường là vậy. Nếu không có người học, chẳng thầy nào dám mở lớp dạy thêm. Dạy thêm cũng là lao động cực nhọc, thầy mất thời gian, bỏ công sức đọc, tự học, tiếp cận tri thức khoa học mới, soạn bài, chấm bài, cải tiến phương pháp dạy, vất vả khi đứng lớp… đồng tiền kiếm được cũng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, đó là đồng tiền “sạch”. Xếp thầy dạy thêm vào tội “tham nhũng” e rằng không “đúng người, đúng tội”.
Tuy nhiên, một số thầy – cô giáo “biến chất”, “biến tướng” công việc dạy thêm nhằm mục đích kiếm tiền, tự mình hủy hoại nhân cách người thầy. Đã đến lúc người thầy hãy dũng cảm tự đánh giá khả năng của mình xem có đủ trình độ chuyên môn để dạy thêm không. Dạy thêm tức là dạy nâng cao, dạy nhiều kiến thức không có trong sách giáo khoa. Do vậy không phải cứ mang danh người thầy có nghĩa là đủ tài – đức để dạy thêm.
Việc học thêm của trò cũng vậy, các em tự xét, nếu khả năng học lực chỉ ở mức trung bình nên xác định thi TNPT, sau đó thi vào trường trung cấp, dạy nghề thì không cần thiết phải học thêm (làm người thợ có “bàn tay vàng” giá trị hơn một kỹ sư trung bình nhiều lần). Các em chỉ cần cù, chăm chỉ học trên lớp chính khoá là đủ kiến thức cơ bản thi đỗ TNPT. Những học sinh có học lực khá thực chất, có nguyện vọng thi ĐH, cần thiết hãy học thêm. Không phải tất cả học sinh học thêm là thi đỗ vào ĐH.
“Mùa” dạy thêm, học thêm đã đến. Người dạy, cũng như người học cần học tập người nông dân, cân nhắc kỹ, chọn phương án tối ưu, phù hợp với điều kiện, năng lực của mình, đáng học thêm, hãy học thêm, chọn trường vừa sức để nộp hồ sơ thi. Đừng “trèo cao, ngã đau” mới hy vọng “gặt” một vụ mùa “bội thu”. Các cụ ta dạy: Biết mình… trăm trận đánh, trăm trận thắng.
Lê Sĩ Tứ/ Lao Động
Bình luận (0)