Trong cuộc họp báo sáng qua 5.9 tại tòa soạn Báo Tiền Phong, tất cả cử tọa đều bất ngờ trước những tuyên bố của ông Dương Xuân Nam, Trưởng ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa
Trong cuộc họp báo, ông Dương Xuân Nam tuyên bố, theo thể lệ của cuộc thi năm nay “thí sinh tham gia phải có trình độ THPT”, Hoa hậu Thùy Dung không sai phạm, không gian dối và được giữ nguyên vương miện.
Rất đông phóng viên đã có mặt tại buổi họp báo nhưng thời gian phỏng vấn ông Nam khá ngắn do ông “phải đi tổng duyệt chương trình giao lưu 20 năm Hoa hậu Báo Tiền Phong”. Buổi họp báo có sự hiện diện của đại diện Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi HHVN 2008, riêng Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung vắng mặt.
* Xin ông cho biết tỷ lệ thí sinh chưa tốt nghiệp THPT so với đã tốt nghiệp THPT tham dự cuộc thi HHVN 2008 ?
– Có tất cả hơn 2.000 thí sinh đăng ký dự thi hoa hậu. Nếu muốn có số liệu cụ thể thì sẽ phải mất hàng tháng trời.
* Thể lệ của cuộc thi HHVN 2008 ghi rõ: “thí sinh có trình độ THPT”. Như vậy liệu có dẫn đến sự hiểu nhầm, nhất là khi Quy chế thi người đẹp số 37 của Bộ VH-TT quy định thí sinh phải tốt nghiệp THPT mới được tham gia vẫn còn có hiệu lực?
– Theo tôi, thể lệ ghi như vậy thì ai cũng sẽ hiểu là thí sinh chỉ cần đang học THPT.
Xung quanh thư mời Thùy Dung nhập học tại trường Newton International College (Mỹ) vào ngày 6.6.2008, qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Theo quy định chung của các trường đại học ở Mỹ và của riêng trường này, tiêu chuẩn của hồ sơ đăng ký theo học là phải có bằng tốt nghiệp THPT; đối với trường hợp dưới 18 tuổi thì thủ tục có thể được xác nhận bằng học bạ. (T.P) |
* Việc cho phép thí sinh đang học THPT tham gia thi hoa hậu rõ ràng đi ngược với quy chế của Bộ. Quyết định của Ban tổ chức có hợp lệ không và có thể coi là sai phạm không?
– Chúng tôi áp dụng thí điểm thể lệ mới theo tinh thần của dự thảo Quy chế thi người đẹp mới (tôi vẫn nghĩ là ban hành trong tháng 6, tháng 7 năm nay). Áp dụng thí điểm thì đương nhiên sẽ có một số cái chệch đi. Chúng tôi đã đăng thể lệ cuộc thi HHVN 2008 công khai trên các báo hơn 3 tháng trời, không thấy có ý kiến phản hồi gì nên nghĩ là hợp lệ.
* Tại sao trong các cuộc họp báo diễn ra trước và trong thời gian thi hoa hậu, Ban tổ chức lại không đề cập đến thay đổi quan trọng này?
– Tốt nhất là đăng công khai thể lệ lên các báo và chúng tôi đã đăng rồi.
* Cuốn học bạ với điểm tổng kết năm học lớp 12 đạt loại khá mang tên Thùy Dung là giả. Xin ông cho biết thêm thông tin về cuốn học bạ giả này?
– Tối hôm qua chúng tôi mới nghe được thông tin này, và chưa kịp đọc báo. Về phía BTC không hề yêu cầu thí sinh phải nộp học bạ, cũng không có thí sinh nào làm chuyện đó. Còn cuốn học bạ ở nhà Thùy Dung là thật hay giả, do ai làm ra, có lẽ phải chờ cơ quan chức năng thẩm định. Mà muốn sáng tỏ mọi chuyện có lẽ phải mất hàng tháng.
Ban tổ chức cần kiểm điểm nghiêm khắc !
Tham dự buổi họp báo sáng qua, ông Chu Đức Tiến – Vụ trưởng Vụ Văn xã Văn phòng Chính phủ phát biểu: “Về cuốn học bạ của Trần Thùy Dung tôi không rõ. Nhưng căn cứ vào thể lệ cuộc thi HHVN 2008 thì Thùy Dung không hề sai phạm. Tôi đã nói với anh Dương Xuân Nam: trong khi quy chế mới chưa ban hành, anh đón đầu như vậy là cũng sai. Theo ý kiến riêng của tôi, BTC cần kiểm điểm nghiêm khắc. Tới đây, BTC sẽ phải nộp báo cáo cụ thể lên Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ sẽ xem xét tùy vào mức độ, động cơ, lý do vi phạm… Nếu đặt thể chế (thể lệ – PV) cuộc thi HHVN 2008 bên cạnh quy chế thi người đẹp sẽ thấy ngay sự khác nhau: một đằng quy định phải tốt nghiệp THPT, một đằng chỉ yêu cầu “có trình độ THPT”. Rõ ràng Ban tổ chức có sai sót”. |
y trong khi chờ đợi cơquan chức năng làm rõ sự thật về cuốn học bạ của Thùy Dung, Thùy Dung có được cử đi tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2008 hay không?
– Việc này, Ban tổ chức sẽ họp và thông báo sau.
* Trong thời gian diễn ra cuộc thi HHVN 2008, trả lời phỏng vấn báo chí, Thùy Dung nhiều lần khẳng định mình đã tốt nghiệp THPT. Ông nói gì về sự gian dối này?
– Dung nói gì với nhà báo, chúng tôi không biết.
* Có thông tin cho rằng, gia đình Thùy Dung rất buồn và muốn trả lại vương miện hoa hậu?
– Tôi chưa hề nghe việc đó.
Hương Lan (thanhnien.com.vn)
Tổ chức làm học bạ giả sẽ bị xử lý hình sự
Liên quan đến cuốn học bạ giả mang tên Trần Thị Thùy Dung, luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho biết: Điều 267 của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam có quy định rõ về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Theo đó, ở khoản 1: người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trong trường hợp làm giả học bạ vì mục đích đi du học thì được xếp vào mức độ chưa gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị xử lý về mặt hành chính. Nhưng nếu nằm trong một mắt xích, một đường dây với một động cơ, vụ lợi thì lại là vấn đề khác, khi đó nó không còn là vấn đề cá nhân của người làm học bạ nữa mà đã là vấn đề hình sự. Vũ Phương Thảo (ghi) |
Thất vọng
Nói tới hoa hậu là nói tới người (con gái) đẹp, là nói tới cái đẹp. Người ta sẽ phải rất cẩn trọng, rất nhẹ nhàng mỗi khi nói về hoa hậu, về vẻ đẹp toàn diện của một người con gái khi cô đã vượt qua rất nhiều cô gái khác để được tôn vinh danh hiệu Hoa hậu VN. Kể từ phút đăng quang ấy, Hoa hậu VN đã là một hình ảnh, một hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của người con gái Việt Nam nói chung. Nó như là một biểu tượng. Mấy hôm nay, gần như các báo ra hằng ngày đều đưa tin về chuyện “lùm xùm” của Hoa hậu VN Trần Thị Thùy Dung sau khi cô đoạt vương miện Hoa hậu VN 2008 chưa được một tuần. Tôi nghĩ, cô không có lỗi khi chưa tốt nghiệp THPT mà đăng ký thi hoa hậu. Vì Ban tổ chức cuộc thi lần này cho phép như vậy. Chuyện đáng nói, là quanh cái “trình độ học vấn” của tân hoa hậu 2008, người ta lại phát hiện thấy có nhiều điều không rõ ràng, thậm chí có dấu hiệu khuất tất. Như chuyện cái học bạ được coi là giả. Rồi sự thật này sẽ được làm rõ, nhưng nếu cẩn trọng hơn, Ban tổ chức chắc sẽ không tự để mình, và qua đó, đẩy tân hoa hậu và gia đình cô lâm vào nghịch cảnh. Ai cũng biết, để thành hoa hậu phải có những tiêu chuẩn nhất định không chỉ về thể hình, vì thế mới có phần thi ứng xử. Lệ thường, trong các cuộc thi hoa hậu, vương miện sẽ về thí sinh trong nhóm có ngoại hình đẹp nhất và bản thân có ứng xử xuất sắc nhất. Sự cần thiết của văn hóa, của tri thức ở đây rất rõ ràng. Nhiều người xem cuộc thi hoa hậu lần này chưa thấy được ở Hoa hậu Thùy Dung sự vượt trội trong trả lời câu hỏi ứng xử. Vì thế, giải ứng xử xuất sắc nhất đã được trao cho… á hậu 2, chứ không là “hai trong một” cho hoa hậu. Đó cũng là điều “đặc biệt” của cuộc thi Hoa hậu VN lần này. Không ai trách chuyện Thùy Dung xin nghỉ học để làm hồ sơ du học, nếu gia đình có khả năng tài chính, và Thùy Dung đủ trình độ ngoại ngữ để vượt qua sát hạch. Nhưng xem qua bản báo cáo của ông Hiệu trưởng trường tư thục Quang Trung về học lực và nhất là về hạnh kiểm của Thùy Dung ở hai lớp 10 và 11 (không có lớp 12 vì nghỉ học giữa chừng), thì thú thật, tôi hơi bị thất vọng. Vì sao hoa hậu của chúng ta lại chỉ có điểm hạnh kiểm “trung bình” ở lớp 11? Và điểm học lực ở một trường tư thục mà như thế thì hơi bị… thấp quá. Tất cả những điều trên có vẻ thuộc phạm vi “chuyên môn” của Ban tổ chức và cả Ban giám khảo cuộc thi, đã gần xa dẫn tới những hệ lụy “hậu hoa hậu” mà Thùy Dung đang phải chịu. Thanh Thảo |
Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:
Ban tổ chức không thể man trá! Trao đổi với PV Thanh Niên về nội dung buổi họp báo nói chung và việc “áp dụng thí điểm” dự thảo Quy chế tổ chức thi hoa hậu nói riêng, ông Lê Ngọc Cường (ảnh), Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói: – Bộ hồ sơ mà Ban tổ chức gửi cho Cục Nghệ thuật biểu diễn không hề vi phạm luật. Đáng tiếc là khi đi xin phép thì họ hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp nhưng khi được cấp phép rồi thì hoạt động bừa bãi, thiếu ý thức xã hội. Một cuộc thi hoa hậu sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến công luận thì phải tổ chức có trách nhiệm chứ không thể như thế được! Hơn nữa, dự thảo Quy chế tổ chức thi hoa hậu vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi. Sắp tới, chúng tôi còn phải xin ý kiến nhiều bộ ngành. Thậm chí nhiều điều khoản trong dự thảo cũng có thể thay đổi. Khi nào Bộ VH-TT-DL ký thì mới có giá trị pháp lý, còn bây giờ Quy chế 37 vẫn còn hiệu lực thì phải thực hiện cho đúng. Chúng tôi không tán thành sự giải thích của Ban tổ chức. Nếu Ban tổ chức muốn thay đổi thể lệ cuộc thi thì trước hết phải báo lại với cơ quan quản lý nhà nước một cách đàng hoàng, chứ không thể man trá, gian dối để được việc của mình. * Nhưng ông Nam giải thích rằng chỉ cần thí sinh có trình độ THPT là có thể dự thi hoa hậu, và đã đăng quy định này trên báo suốt 2 tháng mà không thấy Cục Nghệ thuật có ý kiến gì… – Đấy là sự ngụy biện. Tôi nói rồi, Ban tổ chức muốn thay đổi thì phải báo cáo cho chúng tôi biết, chứ chúng tôi không giải quyết công việc bằng dư luận báo chí. * Nếu sự thực Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung đang sở hữu một học bạ giả thì liệu Dung có còn xứng đáng với vương miện hoa hậu? – Cái này Ban tổ chức phải chịu trách nhiệm, không thể tổ chức xong rồi lại phủi tay như thế! * Vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ giải quyết “sự cố” này như thế nào để không tạo thêm ảnh hưởng xấu trong dư luận? – Việc xử phạt sẽ do Thanh tra Bộ VH-TT-DL tiến hành dựa trên những kết quả cụ thể. Nhưng nhất định chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý, chứ cứ để thế này thì rất ảnh hưởng. * Hoa hậu Thùy Dung có thể đi thi sắc đẹp quốc tế khi chưa tốt nghiệp THPT? – Đâu phải cứ đi thi được giải trong nước là được quyền đi thi quốc tế. Việc Hoa hậu Thùy Dung có được đi thi quốc tế hay không vẫn sẽ tùy thuộc quyết định của Bộ VH-TT-DL. Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét kỹ càng. * Việc tổ chức thi hoa hậu những năm tiếp theo sẽ như thế nào, thưa ông? – Cứ lình xình kiểu này thì cũng đến lúc chúng tôi phải xem xét lại tư cách tổ chức. Cơ quan quản lý không thể cứ nương tay mãi được. Vì nếu chỉ rút kinh nghiệm theo kiểu “nhẹ như không” thì sẽ mất đi sự nghiêm túc. Chúng tôi luôn khuyến khích, tạo điều kiện xã hội hóa, nhưng mọi sự khuyến khích đều phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung. Báo Tiền Phong cũng không được độc quyền ! Y Nguyên (thực hiện) |
Ý kiến
* Không nên tôn vinh một hoa hậu chưa tốt nghiệp THPT! “Tôi rất bất bình. Nếu sự thực Hoa hậu Thùy Dung sử dụng học bạ giả thì đây là hành vi giả dối không thể chấp nhận được, cả về tình lẫn lý. Chúng ta đang nỗ lực chống nạn bằng giả, học giả trong giáo dục. Vậy mà một cô hoa hậu được cả nước tôn vinh lại gian dối thì rất đáng lên án. Tước vương miện của em Thùy Dung là việc phải làm. Bởi nếu không xử lý nghiêm khắc thì sẽ tạo một tiền lệ rất xấu. Việc tốt nghiệp THPT ở Việt Nam không phải là điều quá khó. Vì vậy, chúng ta không nên tôn vinh một hoa hậu chưa tốt nghiệp THPT, tức là một vẻ đẹp chưa hoàn thiện. Dứt khoát người nào chưa đủ học vấn THPT, chưa đủ tư cách đạo đức thì không được dự thi” – Giáo sư, Viện sĩ PHẠM MINH HẠC, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo * Phải xử lý nghiêm khắc! “Hoa hậu Thùy Dung không đáng trách, vì đây là lỗi của Ban tổ chức. Ban tổ chức đã sai ngay từ đầu khi đưa ra một thể lệ cuộc thi không đúng với quy định pháp luật. Và càng đáng trách hơn là khi đã làm sai, Ban tổ chức lại cố giải thích “chữa cháy”. Theo tôi, cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm khắc, nếu không tước vương miện của Hoa hậu Thùy Dung và để sự việc “chìm xuồng”, “hòa cả làng” thì sẽ tạo ấn tượng rất xấu trong dư luận”- TRỊNH THÚY HÒA (C8, khu tập thể Quỳnh Mai, Hà Nội) * Không tước bỏ danh hiệu thì thật là một điều mất mặt! “Theo tôi, với một người sử dụng giấy tờ giả là không thể chấp nhận được. Việc học của Thùy Dung lại càng làm cho Thùy Dung không xứng đáng để nhận danh hiệu HHVN. Với một học sinh mà hạnh kiểm trung bình thì càng không tốt trong vấn đề đạo đức, nếu không tước bỏ danh hiệu thì thật là một điều mất mặt cho bộ mặt của phụ nữ VN khi ra thế giới với các hoa hậu khác” – NGUYEN HUU THANH (…..1984@yahoo.com)
|
Bình luận (0)