Bất chấp nguy hiểm từ những trạm biến áp, nhiều người dân vẫn vô tư chiếm dụng phần đất trống ngay trạm biến thế để làm nơi buôn bán trái quy định.
Người dân vô tư ngồi buôn bán ngay một trạm biến áp trên đường Bạch Đằng (Bình Thạnh) |
Cấm nhưng… cứ kệ
Trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, không khó để nhận ra hoạt động buôn bán vẫn diễn ra hằng ngày ngay dưới các trạm biến áp. Mặc dù, các trạm biến áp đều có biển báo “Nguy hiểm chết người” nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, thản nhiên buôn bán, sinh hoạt ở đây. Dọc tuyến đường Bạch Đằng (Bình Thạnh), có người còn sử dụng chân trạm điện để làm nơi để xe, bất chấp biển báo “Cấm lại gần”. Trên nhiều thông tin đại chúng, mức độ nguy hiểm do vi phạm an toàn lưới điện, trụ điện, trạm biến áp đã được cảnh báo rất nhiều người dân vẫn cố tình phớt lờ. Khi được hỏi về mức độ không an toàn của những trạm biến áp, bà Nguyễn Thị Chi, một người dân buôn bán ngay dưới trạm biến áp trên vỉa hè đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận) cho biết: “Tôi cũng có thấy biển báo là không được lại gần nhưng lâu nay nhiều người vẫn buôn bán có sao đâu. Tôi cũng bán ở đây 2 năm rồi mà có gặp chuyện gì đâu”. Có lẽ, bà Chi là một trong số rất nhiều người dân có thái độ “hồn nhiên” trước những lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của trạm biến áp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều quán ăn, hàng nước vây quanh các trạm biến áp. Nhiều người vẫn vô tư chạm tay, tựa vào thành tủ của trạm biến áp mà không hề ý thức đến những nguy hiểm đang rình rập. Trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), các trạm biến áp được treo bảng “đầu lâu xương chéo” ghi rõ dòng chữ nguy hiểm cấm sờ nhưng chỉ cảnh báo ở một phía. Trẻ em vẫn vô tư nô đùa cạnh các trạm biến áp.
Ông Huỳnh Lê Khương, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP.HCM chia sẻ, nhằm ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra, công ty đã gửi nhiều tài liệu, văn bản nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không câu cá gần đường điện cao thế; phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, nhắc nhở, làm hàng rào và lắp đặt biển cảnh báo; vận động người dân không sử dụng các bộ phận công trình điện vào mục đích khác; hướng dẫn các hộ dân sinh sống trong và gần hành lang lưới điện cao thế cách phòng tránh tai nạn điện… |
Một thực tế không khỏi lo ngại khi nhiều người dân thiếu ý thức, tận dụng diện tích xung quanh trụ điện, trạm biến áp trên các tuyến phố để kinh doanh ngày càng nhiều. Nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ do vi phạm các quy định về an toàn lưới điện, trạm biến áp, trụ điện dường như vẫn chưa là bài học cho những người mất cảnh giác. Thực tế cho thấy, số vụ cháy có nguyên nhân bắt nguồn từ sự cố điện luôn chiếm trên 50% tổng số các vụ hỏa hoạn. Do đó, việc phòng ngừa hỏa hoạn có nguyên nhân bắt nguồn từ sự cố điện luôn phải được chú trọng và đặt ra những yêu cầu cấp thiết.
Trên hết là ý thức của người dân
Nhiều tủ điện cũ kỹ, dùng lâu năm chưa được thay mới là nơi tiềm ẩn những hiểm nguy chết người vì nguồn điện sẽ rất dễ bị phóng ra ngoài, truyền vào vỏ ngoài tủ điện gây nguy hiểm cho người chạm tay hoặc đứng, ngồi gần khu vực đó. Hiện nay, ở TP.HCM phổ biến nhất là tình trạng người dân chiếm dụng khoảng trống dưới chân trụ điện để giữ xe, buôn bán… Không ít tài xế xe ôm vẫn chờ khách ngay dưới chân các trụ điện, trạm biến áp bất chấp nguy cơ rò rỉ điện từ các trụ. Ngoài ra, nhiều người còn có thú vui ngồi câu cá gần trụ điện cao thế ở một số khu vực của Q.2, Q.8, bất chấp các biển cảnh báo với nội dung: “Khu vực không câu cá, phía trên có điện cao thế nguy hiểm chết người”. Nếu người dân ngồi cạnh hoặc chạm tay vào tủ điện có công suất lớn sẽ nguy hiểm tới tính mạng bởi những tủ điện có thể bị rò rỉ điện, hoặc chập, cháy nổ bất cứ lúc nào.
Ông Huỳnh Lê Khương, Phó Giám đốc Công ty Lưới điện cao thế TP.HCM chia sẻ, nhằm ngăn ngừa các tai nạn có thể xảy ra, công ty đã gửi nhiều tài liệu, văn bản nhờ chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không câu cá gần đường điện cao thế; phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra, nhắc nhở, làm hàng rào và lắp đặt biển cảnh báo; vận động người dân không sử dụng các bộ phận công trình điện vào mục đích khác; hướng dẫn các hộ dân sinh sống trong và gần hành lang lưới điện cao thế cách phòng tránh tai nạn điện…
Thiết nghĩ, trước tình trạng trên, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngăn chặn các vi phạm tái diễn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Luật Điện lực về an toàn điện. Đừng để xảy ra hậu quả mới hối hận thì đã quá muộn màng. Các cơ quan chức năng cũng cần kiên quyết xử lý, mạnh tay với những trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện tại các trạm biến áp, trụ điện để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)